Phụ nữ Mang Thai, Nuôi Con Nhỏ mắc lỗi lớn cũng Không Bị Kỷ Luật, không bị sa thải, có đúng không?

Theo quy định của Luật không được kỷ luật trong giai đoạn phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng khiến nhiều người thắc mắc liệu có hiện tượng đối tượng lợi dụng trường hợp này mắc lỗi gây thiệt hại cho công ty.

Mỗi công ty đều có những nội quy riêng nhưng nội quy đều phải hợp pháp, tuân theo pháp luật. Việc kỷ luật, sa thải nhân viên cũng vậy, đặc biệt với nhóm đối tượng đặc biệt là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

Phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng là nhóm đối tượng phụ nữ nhạy cảm chịu nhiều áp lực nên được pháp luật quy định những điều khoản khoan dung nhằm đảm bảo tính nhân văn. Tuy nhiên ở góc độ công ty nhiều người lo sợ có những đối tượng không tự giác, thiếu tự trọng sẽ lợi dụng luật này để gây thiệt hại cho công ty, vậy làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ, công ty thực hiện đúng luật nhưng không thiệt hại.

Luật Lao động có những điều khoản ưu tiên cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng
Luật Lao động có những điều khoản ưu tiên cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng

Quy định không kỷ luật phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng thế nào?

Người lao động phải tuân theo những nội quy của công ty. Mỗi công ty có những hình thức kỷ luật nhân viên riêng nhưng đều phải nằm trong khuôn khổ của luật định.

Luật quy định người lao động có các hình thức kỷ luật

  • Khiển trách
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, Cách chức
  • Sa thải

Tuy nhiên theo quy định của Luật lao động thì phụ nữ giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng sẽ không bị kỷ luật trong thời gian này. Cụ thể Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động như sau: Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Trong thời gian phụ nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng công ty cũng không được quyền chấm dứt hợp đồng hay sa thải trừ trường hợp cá nhân tử vong, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích.

Do đó theo quy định này nếu phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con trong 12 tháng đầu thì sẽ không bị kỷ luật trong giai đoạn này.

Công ty có quyền kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật. Ảnh minh họa
Công ty có quyền kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật. Ảnh minh họa

Nhưng không có nghĩa họ không phải chịu trách nhiệm gì, công ty có quyền xử lý kỷ luật khi nào?

Quy định trên có nghĩa công ty không được kỷ luật người lao động trong giai đoạn đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng nhưng không có nghĩa là họ không phải chịu trách nhiệm khi gây thiệt hại cho công ty.

Những lỗi đã gây ra nếu bị kỷ luật thì Công ty có thể tiến hành kỷ luật sau thời gian mang thai và nuôi con 12 tháng. Cụ thể Điều 123 Bộ luật Lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày hành vi vi phạm xảy ra; trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý ký luật tối đa 12 tháng. Trường hợp hết thời gian người lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hết thời hiệu xử lý kỷ luật nói trên thì người sử dụng lao động có quyền kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đã không quá 60 ngày.

Như vậy người lao động không bị kỷ luật trong thời gian mang thai, và nuôi con nhỏ nhưng sau khi hết thời gian này thì người sử dụng lao động có thể tiến hành kỷ luật.

Bởi vậy chị em phụ nữ cần lưu ý bản thân mình được ưu tiên nhưng đừng vì ưu tiên mà có hành vi cố tình gây lỗi với công ty.