Phòng dịch Covid: Ý thức vẫn là quan trọng nhất

Mới đây, Phóng viên Arttimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Chính - Giám đốc Trung tâm truyền thông và Giáo dục sức khỏe Hải Phòng xung quanh vấn đề phòng dịch Covid.

Đợt dịch bùng phát từ ngày 29/4 vừa qua được đánh giá là phức tạp hơn với nhiều nguồn lây lan. Mức độ phòng dịch cũng vì thế được các địa phương đẩy lên cao hơn. Tính đến hôm nay 17/5, Việt Nam đã điều trị khỏi Covid-19 cho 2.668 bệnh nhân. Trong khi đó, 37 trường hợp đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 cùng các bệnh lý nền.

PV: Xin chào và cảm ơn TS. BS Nguyễn Quang Chính đã nhận lời mời tham gia cuộc phỏng vấn. Trước hết, Tiến sĩ có thể cho biết Covid-19 biến chủng từ Anh, Ấn Độ tại sao lại nguy hiểm và khó lường hơn chủng cũ?

TS: Covid-19 liên tục tạo ra những biến chủng mới khi chúng đi qua những vùng địa lý khác nhau, quốc gia khác nhau. Chúng sẽ tạo ra những thể biến đổi để có thể xâm nhập hệ miễn dịch, cơ thể mới. Trong đợt dịch này, virus biến chủng của Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn, khả năng gây tử vong cũng cao hơn. Điều đó đã được thống kê. Còn với biến chủng từ Ấn Độ, khả năng lây nhiễm cao hơn, khả năng kháng lại kháng sinh cũng cao hơn. Nếu xuất hiện thêm những ca bệnh như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm và khó lường.

pic-4-3-1621233387.jpg

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Chính – Giám đốc Trung tâm truyền thông và Giáo dục sức khỏe Hải Phòng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Covid-19 có nguy cơ lây lan cao hơn với những người làm ngành nghề kinh doanh dịch vụ - giải trí như thế nào, thưa Tiến sĩ?

TS: Mỗi ngành nghề kinh doanh dịch vụ - giải trí sẽ có những đặc thù riêng. Tuy nhiên thông thường, họ đều phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều đối tượng khách hàng đến từ nhiều nơi khác nhau. Những ngành nghề như tư vấn, bán hàng, thậm chí biểu diễn,... lượng người tiếp xúc trong một buổi làm việc sẽ rất đa dạng. Hơn nữa, họ không có đủ thời gian để phân loại khách hàng hay lưu giữ thông tin nên không chỉ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều lần mà sẽ còn khó khăn trong việc truy vết.

PV: Trong các đợt dịch bùng phát, đặc biệt thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ca bệnh là công dân làm các nghề dịch vụ nhảy cảm như karaoke, massage,... điều đó gây khó khăn gì trong kiểm soát dịch bệnh?

TS: Đây là những ngành nghề nhạy cảm trong mọi bình diện xã hội. Vì nhạy cảm cho nên việc điều tra và truy vết phức tạp hơn nhiều. Trong số những người sử dụng dịch vụ này thì lượng chấp nhận khai báo, khai báo một cách trung thực đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều so với những trường hợp khác.

Chưa kể, nếu không hoạt động lành mạnh thì còn có yếu tố liên quan đến bệnh lý xã hội, thậm chí phạm tội nếu là ma túy, mại dâm trá hình... Khi đó, không chỉ có khả năng lây nhiễm cao mà việc điều tra truy vết cũng sẽ RẤT KHÓ. Cho nên các loại hình dịch vụ giải trí này luôn được liệt vào nhóm dịch vụ không thiết yếu, được yêu cầu dừng hoặc hạn chế hoạt động mỗi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

covid-tphcm-16127552886831554981224-crop-1612755572145324526892-1619693703305143486733-crop-1619693711933516507181-1621233378.jpg

PV: Từ những phân tích như vậy, Tiến sĩ có lời khuyên gì cho cộng đồng trong thời điểm hiện nay và cho thói quen của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh?

TS: Ý thức vẫn là quan trọng nhất. Trên thế giới, khu vực Đông Nam Á và các tỉnh, thành trong nước ta, dịch bệnh vẫn có diễn biến khó lường. Liên tục có những ca mắc mới trong cộng đồng. Điều đó cũng nói lên một thực tế là vẫn có những lỗ hổng, vẫn có sự chủ quan, lơ là. Về thói quen thì hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc với người lạ, thậm chí cả người thân nếu có biểu hiện của bệnh, giữ lối sống lành mạnh. Chúng ta đã có vaccine, các biện pháp quyết liệt cũng được triển khai đồng bộ. Không cần quá lo lắng, tuân thủ đúng các khuyến cáo là được.

PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ.