Phim ảnh giang hồ: Rất báo động cần sớm mạnh tay

Những vụ bạo hành học đường thời gian vừa qua chính là những minh chứng cho hậu quả do phim ảnh “giang hồ” đang tràn lan trên Youtube. Nếu không khéo chấn chỉnh, tư duy trẻ nhỏ sẽ bị lệch hướng và nguy hại đến xã hội.

"Phim ảnh bạo lực, đề cao tình nghĩa giang hồ đang tràn lan trên Youtube là một trong các nguyên nhân dẫn đến giới trẻ phạm pháp” - Nhận định được Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm nêu ra tại toạ đàm Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội ngày 15/4 vừa qua.

“Vũ trụ giang hồ” từ phim chiếu mạng

01-1619601975.png
Chỉ với 0,71 giây tìm kiếm trên google sẽ trả về hơn 43.300.000 kết quả về phim giang hồ - Ảnh chụp màn hình

Vài cú click, những bộ phim với tiêu đề như “Thanh toán giang hồ”, “Ông trùm phố đêm”, “Ông trùm hàng trắng”,... hiện ra trên youtube với chất lượng full HD, có cả vietsub.

“Chạm mặt giang hồ 1” – một phim chiếu mạng với lời giới thiệu là “võ thuật đỉnh cao” khá hot thời gian qua với cả triệu lượt xem. Cộng đồng mạng tìm xem chủ yếu tò mò xem Phú Lê - một giang hồ đích thực tự đầu tư kinh phí làm MV ca nhạc và phim ngắn giải trí như thế nào. Trước đó, nhiều MV của giang hồ mạng này có được nhiều lượt chia sẻ. Trong đó, bài hát nổi tiếng nhất của Phú Lê - "Đời là thế thôi" với câu "Khổ trước sướng sau thế mới giàu" đã trở thành một câu trend của giới trẻ, thu về hơn 130 triệu lượt xem trên YouTube trước khi bị gỡ.

Một ngày đẹp trời, những livestream khoe tụ tập, ăn chơi, chiến tích, dạy dỗ đàn em của các đại ca giang hồ bỗng nhận được tương tác lớn. Dần dần, những video chửi càn, thách đố, đối đáp, doạ dẫm nhau... có lượng view ngày càng khủng. Từ giải quyết mâu thuẫn, phô trương giàu có cho đến đòi nợ, thanh toán, tệ hai hơn là bạo lực, xâm hại... Tất cả đều trở thành chất liệu trong những bộ phim giang hồ chiếu mạng.

02-1619602000.jpg
Một cảnh trong phim “Giang hồ áo trắng” (Ảnh cắt từ clip)

Nhận thấy nguồn thu lớn, nhiều người đầu tư hẳn thời gian để làm phim “giang hồ”, thậm chí MV ca nhạc để kiếm tiền qua Youtube. Đáng nói, người nổi tiếng cũng làm theo dòng phim này như: "Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ" (ca sĩ Ưng Hoàng Phúc), "Người trong giang hồ" (ca sĩ Lâm Chấn Khang), "Thập tam muội" (đạo diễn Khương Ngọc, Tô Gia Tuấn)...

Phim ảnh giang hồ trên Youtube tác động giới trẻ phạm tội?

Trong phim, những đàn anh ăn to nói lớn, xăm trổ đầy mình, những tuyên bố to tát không sợ trời sợ đất và mang đậm nghĩa khí giang hồ vô tình truyền cảm hứng cho một bộ phận người trẻ không có đầy đủ nhận thức và một bộ lọc đủ tốt. Khi họ đồng tình, ngưỡng mộ, cho đó là đúng... vô thức, hành vi của họ một lúc nào đó sẽ bị thay đổi.

Diều này một phần lý giải cho tình trạng bạo lực học đường gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đồng thời cũng dẫn chứng cho các tình tiết trong các vụ án có sự tham gia của người vị thành niên ngày càng trở nên tinh vi hơn. Hành vi ở các em ngày càng bạo lực. Số vụ ngày càng gia tăng. Và số người cổ vũ, vô cảm cũng ngày càng đông đảo.

03-1619602030.jpg
Học sinh tiểu học giải quyết mâu thuẫn giống hệt clip (Ảnh: anninhonline.vn)

Thực trạng diễn ra đã nhiều năm, nhưng nó chỉ thực sự đáng báo động khi số vụ bạo lực ngày càng nhiều hơn, và người tham gia ngày càng trẻ hoá hơn. Nó cũng mới được nhìn nhận nghiêm túc hơn khi những bậc cha mẹ nhận ra rằng trẻ em đang tiếp cận youtube và mạng xã hội quá dễ dàng.

Rất cần “bàn tay” can thiệp với phim “giang hồ” trên không gian mạng

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng khiến nhiều tài khoản YouTube với nội dung độc hại đã bị xử lý. Quốc hội gần đây cũng đã nghiên cứu luật hoá và thắt chặt hơn hành vi tung nội dung xấu độc lên không gian mạng. Tuy nhiên, chế tài là chưa đủ mạnh để các youtuber ngừng sản xuất các nội dung không phù hợp.

04-1619602061.png
Nhiều kênh youtube với nội dung bạo lực đã bị xử lý 

Để bảo vệ trẻ trước các thông tin độc hại trên mạng, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thắt chặt việc quản lý nội dung mà quan trọng hơn là phát triển các chính sách, các nền tảng và các phong trào tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Việc cấm cản không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề ngăn ngừa trẻ tiếp cận với thông tin xấu độc trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả là gia đình phải giúp các em nhận thức được cái tốt, cái xấu để tự bản thân các em tạo được “miễn dịch” trong mọi tình huống.

Video xấu độc có thể tác động tiêu cực đến xã hội, con người. Vì thế đã đến lúc việc xác định: Ai cũng có thể làm video, nhưng không phải video nào cũng có thể đưa lên YouTube, phải trở thành một nguyên tắc mà mọi YouTuber cần nhận thức, tuân thủ nghiêm túc.