Làm điều ác, tổn hại người khác – tự gieo họa cho mình và đời sau
Người xưa có câu rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Người sống ở đời phải đặt lương tâm lên làm trọng, sống phải biết trên biết dưới, biết đúng sai và hành xử có đạo đức. Những hành vi như lừa lọc, lợi dụng, đâm sau lưng, hãm hại người khác để trục lợi tuy có thể đạt được lợi ích ngắn hạn, nhưng hậu quả thường rất dài và rất nặng.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng có nhân chứng, có thể bạn nghĩ mình làm những điều này không ai hay, nhưng ông trời có mắt, vạn sự sao qua được nhãn thiên. Làm việc ác hôm nay, tưởng như không ai hay biết, nhưng quy luật nhân quả sẽ không bỏ sót bất kỳ ai. Chơi xấu người khác, dùng mưu mẹo để giành phần hơn, đến lúc gặp họa cũng không ai dang tay cứu.
Cuộc đời có nhân quả, nếu người đi trước làm điều xấu thì hành vi vô đạo đức của cha mẹ sẽ khiến con cái phải lãnh hậu quả. Trước hết là nghiệp báo xấu ở đời. Tiếp nữa, những hành vi thiếu nhân tính này diễn ra hàng ngày, trẻ sẽ học theo, lớn lên không bao giờ trở thành người tài đức được.

Gia phong buông lỏng – gốc rễ của mọi thất bại trong gia đình
Một gia đình có thể thịnh hay suy, không phụ thuộc vào tiền nhiều hay ít mà nằm ở nền nếp và giá trị đạo đức truyền lại. Gia phong chính là linh hồn của một gia đình. Khi gia đình mà các thành viên biết coi trọng nhân nghĩa, kính trên nhường dưới, sống biết điều thì con cái lớn lên sẽ thành người tử tế, biết trước biết sau, biết trên biết dưới, biết nghĩ cho người khác, dễ được quý mến và thành công.
Còn khi gia đình cứ suốt ngày chìm trong cãi vã, đố kỵ, chê bai, dối trá thì đứa trẻ lớn lên trong môi trường ấy sẽ dễ hình thành tính cách cộc cằn, ích kỷ, coi thường đạo lý. Làm sao những đứa trẻ ấy có thể lớn lên thành người được.
Hãy nhớ rằng, cha mẹ là tấm gương phản chiếu đầu tiên mà con cái nhìn vào. Cha mẹ sống đúng mực, có đạo đức thì con cái sẽ noi theo. Cha mẹ sống sai đường, hậu quả đổ lên đầu con cái đầu tiên. Muốn con mình hạnh phúc, hãy bắt đầu từ việc xây dựng một nếp nhà có đạo đức.

Xem thường người nghèo – gieo nhân ngạo mạn, gặt quả cô độc
Mỗi người trên đời này có một số phận khác nhau. Có người sinh ra đã có điều kiện, ăn sung mặc sướng sống trong nhung lụa, có người thì chật vật mưu sinh cả đời, làm chẳng đủ ăn. Nhưng giàu hay nghèo không nói lên phẩm cách con người, điều quan trọng là cách chúng ta đối xử với nhau như thế nào.
Người có đạo đức sẽ luôn biết tôn trọng và cảm thông với những ai khó khăn, nhìn người khác bằng ánh mắt thương xót, giàu lòng nhân ái. Ngược lại, những kẻ cậy giàu sinh kiêu, chê bai người nghèo không chỉ bị đánh giá thấp về nhân cách mà còn vô tình gieo mầm bất hạnh cho đời con cháu. Trẻ em sống trong môi trường khinh thường người khác sẽ học theo thái độ đó, lớn lên thành người lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm và có nguy cơ bị xã hội xa lánh.
Bạn hãy nhớ rằng, chẳng ai biết trước được tương lai, hôm nay có thể là người có địa vị, có tiền bạc, nhưng chỉ một biến cố cũng có thể trắng tay. Còn người nay thấp kém, mai có thể đổi đời. Thế nên, điều cao quý nhất không phải là địa vị, mà là sự khiêm nhường.