Nuôi dạy con theo ‘Hiệu ứng đuổi rắn’: Cái bẫy cho cả cha mẹ và con cái

"Hiệu ứng đuổi rắn" là phương pháp giáo dục phổ biến nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn, không chỉ ảnh hưởng đến con cái mà còn tác động tiêu cực đến chính cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý học Lý Mai Cẩn và thạc sĩ Doãn Kiện Lý từ Trung Quốc đề xuất cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trong giáo dục con cái. Họ cảnh báo về mối nguy hiểm của việc cha mẹ để cảm xúc tiêu cực lấn át, khiến họ đối đầu với con cái như người nông dân trong câu chuyện "hiệu ứng đuổi rắn", đuổi theo con rắn độc mà không chăm sóc vết thương. Hành vi này không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn làm tổn thương cả hai bên và có thể dẫn đến mối quan hệ bị hủy hoại. Thay vì lựa chọn sự đối đầu, cha mẹ nên thể hiện tình yêu thương và sự kiên nhẫn, đồng thời cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ để con cái có thể phát triển một cách lành mạnh.

Vậy làm thế nào để cha mẹ và con cái có thể đồng hành cùng nhau?

Phương pháp nuôi dạy con dựa trên sự kính trọng

Phương pháp nuôi dạy con dựa trên sự kính trọng, còn được biết đến là "phương pháp nuôi dạy thông thái", mà Margot Machol Bisnow (tác giả, chuyên gia về phát triển trẻ em người Mỹ) ủng hộ, kết hợp việc thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc định kỳ (như quản lý chi tiêu cá nhân) với việc tôn trọng quyền lựa chọn của trẻ nhỏ (chẳng hạn cho phép chúng tự quyết định các hoạt động ngoại khoá).

Bà Bisnow giải thích: "Khi tôi bàn luận với mọi người về những lợi ích khi nuôi dạy con cái bằng sự kính trọng, nhiều người thường cảm thấy ngạc nhiên và cho rằng đó là điều không thông thường. Tại sao lại để trẻ em tự do lựa chọn? Nó sẽ dễ dàng hơn nếu như cha mẹ can thiệp sớm trước khi con cái hành động sai trái. Tuy nhiên, có những bậc làm cha mẹ biết trân trọng tính độc lập của trẻ và không cố gắng áp đặt ý kiến của mình lên con cái khi chúng muốn khám phá hoặc biểu đạt cá nhân mình".

Nhiều phương pháp nuôi dạy con truyền thống như quá nuông chiều hoặc quá độc đoán thường chỉ là giao tiếp một chiều và thiếu sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Trái lại, nuôi dạy con bằng sự kính trọng coi trẻ như những cá nhân độc lập, có khả năng suy nghĩ.

Angela Duckworth, tác giả của cuốn sách "Grit" và là một nhà tâm lý học nổi tiếng, cũng đồng tình rằng đây là một trong những phương pháp nuôi dạy con hiệu quả: "Cha mẹ có khả năng tôn trọng con cái của họ là những người hiểu rõ nhu cầu tâm lý của trẻ. Họ đánh giá cao việc trẻ cần có tình yêu, giới hạn phù hợp và không gian tự do để toả sáng. Sức mạnh của họ không đến từ quyền lực bá chủ mà từ hiểu biết và trí tuệ".

Con cái cũng cần nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ

Con cái cũng cần nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ

Cho con tự chủ và khẳng định niềm tin

Khuyến khích trẻ tự quyết định trong khuôn khổ cho phép, đồng thời hướng dẫn chúng cách tối ưu hóa mọi công việc. Quan trọng hơn, phải thể hiện niềm tin rằng con có khả năng vượt qua mọi thách thức.

Thomas Vũ, người từng trưởng thành dưới những quy định khắt khe, đã được cha mẹ tạo điều kiện để anh theo đuổi đam mê của mình.

"Cha mẹ tôi mong đợi tôi đạt điểm cao. Mặc dù không hề đơn giản, nhưng với điều kiện đó, tôi được tự do chơi những trò chơi điện tử mình yêu thích. Nhìn từ góc độ của tôi, đây là một thỏa thuận công bằng", Thomas Vũ chia sẻ với bà Margot Machol Bisnow.

Trong quá trình học Kỹ thuật sinh học, Thomas Vũ đã có cơ hội thực tập tại Electronic Arts - một trong những công ty sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu. Cha mẹ anh không hẳn hào hứng nhưng vẫn ủng hộ quyết định của anh khi bỏ học để tập trung vào việc phát triển trò chơi điện tử. Cuối cùng, Thomas Vũ đã trở thành nhà sản xuất chính của Riot Games, phụ trách tựa game "Liên Minh Huyền Thoại", với lượng người chơi lên tới 180 triệu.

Khuyến khích trẻ tự quyết định trong khuôn khổ cho phép

Khuyến khích trẻ tự quyết định trong khuôn khổ cho phép

Khuyến khích độc lập

Hãy khích lệ trẻ tự do biểu đạt ý kiến của mình. Tôn trọng không gian cá nhân của trẻ và tránh can thiệp quá mức vào hành động hay lời nói của chúng.

DA Wallach, một nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng, đã có một bước đệm đầu tư ấn tượng với Spotify. Khi mới 8 tuổi và bắt đầu thể hiện sự thích thú với đầu tư, mẹ anh đã cấp cho anh một khoản tiền và lập một tài khoản đầu tư. Wallach đã dành nhiều giờ nghiên cứu về các công ty, và mặc dù mẹ anh đưa ra gợi ý, quyết định cuối cùng về nơi đầu tư vẫn là của anh.

Sau 6 năm, Wallach mất phần lớn số tiền, nhưng mẹ anh đã nhấn mạnh rằng việc chịu lỗ là một bước quan trọng trong quá trình học.

Không phải phụ huynh nào cũng có khả năng cung cấp vốn cho con cái để học đầu tư, nhưng mẹ của Wallach đã tìm cách phát triển khả năng của anh mà không cần đến tiền: thông qua việc phân tích, thảo luận sôi nổi và coi trọng ý kiến của anh, cũng như giáo dục anh cách tiếp nhận thất bại mà không nản lòng.

Hãy khích lệ trẻ tự do biểu đạt ý kiến của mình

Hãy khích lệ trẻ tự do biểu đạt ý kiến của mình

Hãy học cách thừa nhận lỗi lầm với con cái

Đối mặt với việc xin lỗi con cái, một số bậc phụ huynh lo lắng rằng việc này có thể dẫn đến việc mất đi quyền lực kiểm soát trẻ sau này.

Balzac, tác giả Pháp nổi tiếng, từng chia sẻ rằng trẻ em có khả năng cảm nhận sâu sắc những sai sót của những người quản lý chúng. Điều này giúp chúng nhận biết được tình yêu thương hay sự chiều chuộng từ những người đó.

Theo quan điểm của nhà văn, khi cha mẹ biểu hiện sự kính trọng đối với con cái, con cái cũng sẽ học được cách kính trọng lại cha mẹ. Sự dũng cảm của cha mẹ trong việc thừa nhận lỗi lầm của mình là chìa khóa để thắt chặt mối quan hệ và giành được sự tôn trọng từ con cái.

Lắng nghe con

Trong những tình huống xung đột với trẻ, việc làm quan trọng nhất của cha mẹ là lắng nghe con mình.

Theo Hiệu ứng Hawthorne, người ta thường thay đổi hành vi của họ khi biết rằng họ đang được quan sát. Mỗi hành động không mong muốn từ trẻ thường có một lý do cụ thể.

Phụ huynh cần phải dành thời gian để thực sự lắng nghe con cái, để có thể hiểu được nguyên nhân sâu xa đằng sau các hành động của trẻ, từ đó mới có thể hướng dẫn và nuôi dưỡng chúng một cách hiệu quả. Trẻ em luôn khao khát sự quan tâm và sự hiểu biết từ cha mẹ của mình. Khi nhu cầu cảm xúc này được thỏa mãn, trẻ sẽ cảm thấy được động viên và phát triển tốt hơn trong môi trường gia đình.