NSND Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ nổi tiếng cả ở sân khấu và truyền hình. Hơn 60 mươi năm cống hiến cho nghệ thuật với nhiều tác phẩm để lại nhiều dấu ấn. Kể về các vai diễn nổi tiếng của ông thì có rất nhiều, như vai ông bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"....
Ông xuất thân là công nhân đóng giày. Ngày ngày ông làm việc ở xưởng, tối về sinh hoạt ở Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội cùng những người bạn như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc. Sau này, ông về Đoàn Kịch Hà Nội, chấp nhận cuộc sống chật vật với vài chục đồng lương mỗi tháng.
Mặc dù không học qua trường lớp diễn xuất nhưng những ngày tham gia phong trào văn nghệ quần chúng cùng nhiều năm đứng trên sân khấu rèn luyện cho Trần Hạnh khả năng nhập vai linh hoạt. Đam mê sân khấu kịch nhưng Trần Hạnh được nhiều khán giả biết đến nhờ các phim truyền hình.
Mặc dù là người Hà Nội gốc nhưng NSƯT Trần Hạnh lại được khán giả yêu mến trên màn ảnh nhỏ với đa phần các vai diễn nông dân. Không hóa thân thành lão nông thì ông lại sắm một vai gì đó khắc khổ, thương cảm.
Đến cả trên phim người ta cũng không cho ông thỉnh thoảng được sung sướng lên xe, xuống ngựa. Trần Hạnh khổ từ đời vào phim. Ông tự tổng kết: “Đời tôi khổ hơn phim”.
Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, ông từng giành nhiều huy chương ở các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc. Nhắc tới Trần Hạnh, nhiều người yêu sân khấu trước đây nhớ tới vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa hay các vai diễn trong Âm mưu và tình yêu, Tiền tuyến gọi…
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi còn sống đã dành cho Trần Hạnh lời khen: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
Những năm cuối đời mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn ngày gày bán hàng giúp con cháu vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để tìm niềm vui trong cuộc sống.
"Tôi ra đây ngồi vừa để giúp con cái trông nom cửa hàng vừa ngồi chơi cho đỡ buồn chứ chẳng phải nặng nề chuyện kiếm ăn hay mưu sinh".
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Gắn bó với nghệ thuật cả một chặng đường dài và được đền đáp xứng đáng, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngày 29/8/2019.
Là một nghệ sĩ có lòng tự trọng cao, NSƯT Trần Hạnh chưa từng một lần lên tiếng xin khán giả ủng hộ bất cứ điều gì. Chính vì vậy cách đây không lâu, khi NSƯT Chí Trung kêu gọi ủng hộ tiền từ người hâm mộ đã khiến gia đình ông không khỏi khó xử.
Mãi sau này nghệ sĩ mới nhận khoản tiền đó để sửa sang lại căn nhà cũ nằm sâu trong con ngõ Trần Quý Cáp. Dù đã được cải tạo tốt hơn nhưng căn nhà vẫn quá nhỏ với diện tích chỉ vỏn vẹn 20m2 cho 6 người trong 3 thế hệ của cả gia đình ông cùng chung sống.
Trong căn phòng vỏn vẹn 10m2 là nơi sinh hoạt của ông và anh con trai thứ hai nên chỉ có những đồ đạc đơn giản, tối thiểu thậm chí ông phải treo quần áo lên giá chứ không có chỗ để sắp một chiếc tủ đang hoàng.
Chiếc quạt cũ kỹ cho những ngày hè nóng nực vẫn được ông để cạnh giường. Nơi nghỉ ngơi của nam diễn viên cũng khiến người hâm mộ phải bất ngờ với sự giản tiện khi chỉ có chăn gối cùng tấm đệm mỏng kê cạnh chiếc tivi cũ.
Những năm cuối đời, do tuổi cao sức khỏe yếu nên xung quanh chỗ ngủ cũng là nơi ông để thuốc uống. Tuy cuộc sống vật chất còn thiếu thốn trăm bề nhưng với những gì đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, tình yêu của khán giả dành cho người nghệ sĩ mới lại là tài sản quý giá nhất, đáng trân quý nhất. NSND Trần Hạnh qua đời vào 4/3/2021 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.
Trúc Chi (t/h)