Nhóm người nào không nên ăn lòng lợn, ngon mấy cũng không được động đũa?

Lòng lợn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng không phải ai cũng nên ăn. Các món ăn từ lòng lợn có thể làm tình trạng sức khỏe của những người này trở nên tồi tệ hơn.

Lòng lợn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như lòng lợn luộc, xào dưa, cháo lòng, lẩu cháo... Những món ăn dân dã này được khá nhiều người yêu thích. Lòng lợn (bao gồm cả dạ dày, ruột non, ruột già) còn được coi là vị thuốc. Trong Đông y, lòng lợn được gọi là trư đỗ. Nó có tính ấm, vị ngọt, có tác dụng kiện tỳ vị, ích thận bổ hư. Có nhiều món ăn bài thuốc khác nhau sử dụng lòng lợn làm nguyên liệu chính.

Theo VnExpress, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết lòng lợn cung cấp nhiều protein, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phận có thể chứa các chất ô nhiễm từ thức ăn và môi trường, nhất là khi lợn được nuôi không đúng cách, chế biến không sạch sẽ.

Lòng lợn có thể là món ăn ngon đối với nhiều người nhưng không phải ai cũng nên ăn loại thực phẩm này. Dưới đây là một số nhóm người không nên ăn lòng lợn mà bạn cần biết.

5 nhóm người không nên ăn lòng lợn

  • Người bị bệnh gout

Những người bị bệnh gout cần tránh ăn các món làm từ lòng lợn. Những món ăn này sẽ khiến lượng axit uric trong máu tăng cao. Khi đó, các tinh thể urat rắn chắc sẽ được hình thành nhiều hơn và tích tụ trong các khớp ngón chân, ngón tay... Nó gây ra những cơn đau dữ hội cho người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng như sưng, nóng và đỏ xung quanh khớp.

Người bệnh gout nếu cố tình ăn nhiều thực phẩm làm axit uric trong cơ thể tăng cao, bệnh tái phát nhiều lần thì khớp cũng sẽ bị phá hủy. Tình trạng dư thừa axit uric quá mức còn dẫn tới việc tinh thể urat lắng đọng và hình thành sỏi tiết niệu. Đường tiết niệu có thể bị tắc nghẽn và viêm nhiễm do sỏi. Trong trường hợp này, nguy cơ suy thận cũng tăng lên.

  • Người bị mỡ máu cao, người mắc bệnh tim mạch

Lòng lợn là món ăn có hàm lượng cholesterol cao (đặc biệt nhiều cholesterol xấu). Ăn các món này sẽ khiến mỡ máu tăng lên, điều này cực kỳ nguy hiểm đối với người vốn đã có mỡ máu cao.

Do đó, người đã bị máu nhiễm mỡ thì không nên ăn lòng lợn. Nếu thực sự thèm, người bệnh chỉ nên ăn một vài miếng.

Người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường cũng cần hạn chế ăn các món làm từ lòng lợn.

Lòng lợn là món ăn dân dã, hấp dẫn nhưng không phải ai cũng nên ăn.
Lòng lợn là món ăn dân dã, hấp dẫn nhưng không phải ai cũng nên ăn.
  • Người bị viêm gan, xơ gan

Lòng lợn cung cấp nhiều protein, chất béo cùng nhiều chất khác. Khi đi vào cơ thể, gan sẽ làm nhiệm vụ chuyển hoát các chất và đào thải độc tố. Ở người bị viêm gan, xơ gan, những chức năng này đều bị suy giảm. Do đó, người bị bệnh gan nếu ăn nhiều nội tạng động vật có thể khiến bệnh thêm nặng vì gan bị quá tải.

  • Người thừa chân, béo phì

Người thừa cân, béo phì nên tránh xa những món ăn có nhiều chất béo, nhiều calo như lòng lợn. Càng ăn món này, việc kiểm soát cân nặng càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, lòng lợn còn chứa nhiều cholesterol khiến người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa cao hơn.

  • Người có hệ tiêu hóa kém

Lòng lợn không phải là món ăn tốt đối với người có hệ tiêu hóa kém. Món này chứa nhiều chất béo, gây đầy bụng, khó tiêu. Người đang bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, viêm ruột càng phải tránh xa các món làm từ lòng lợn.

Một số lưu ý khi ăn lòng lợn

Khi ăn lòng lợn, bạn cần đặc biệt chú ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tiên, cần phải mua lòng ở những địa chỉ có uy tín. Lựa chọn những phần nội tạng có màu sắc tươi sáng, có độ đàn hồi tốt, không có mùi lạ hay các dấu hiệu bất thường. Lòng lợn cần được sơ chế sạch sẽ để loại bỏ các chất bẩn và khử mùi hôi trước khi đem đi nấu.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, lòng lợn phải được nấu chín hoàn toàn trước khi ăn. Do lòng lợn có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán nên nếu không nấu chín kỹ thì các sinh vật này vẫn có thể tồn tại và gây hại cho sức khỏe của người ăn.

Lòng lợn đã được chế biến nên ăn ngay để đảm bảo hương vị cũng như độ an toàn. Do lòng lợn có hàm lượng đạm, chất béo cao nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nấu xong mà không sử dụng ngay và để ở môi trường nhiệt độ phòng, món ăn có nguy cơ cao bị biến chất, không còn tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Nếu không ăn ngay, cần phải để lòng lợn trong tủ lạnh để bảo quản tuy nhiên cũng không nên để quá lâu.

Lòng lợn có thể là món yêu thích của bạn nhưng không nên ăn quá nhiều, quá thường xuyên để tránh gây hại cho cơ thể.

Trên đây là những đối tượng không nên ăn lòng lợn và một số lưu ý khi ăn các món liên quan đến lòng lợn. Nếu thuộc một trong những nhóm đối tượng nêu trên, bạn nên tránh ăn lòng lợn để bảo vệ sức khỏe.