Có người phải sống cuộc sống thiếu thốn, ở nhà thuê, người bệnh tật đủ đường, phải nhờ giúp đỡ mới có tiền chạy chữa, người sống trong viện dưỡng lão... Tuy nhiên tất cả đều có 1 điểm chung là tinh thần lạc quan và tâm hồn luôn hướng về nghệ thuật.
Nghệ sĩ Mạc Can
Mạc Can nổi tiếng là 1 nghệ sĩ đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực cả về đóng phim, diễn hài, ảo thuật và viết sách. Ông từng tham gia những bộ phim nổi tiếng “Đất phương Nam, Hiệp sĩ mù, Gia đình là số một...Khi sự nghiệp không còn ở đỉnh cao, ông cho biết bản thân phải kiếm sống qua ngày từ công việc phụ diễn, viết lách và làm cộng tác viên báo chí.
"Nhà văn Nam Bộ" có khoảng thời gian dài sống 1 mình và tự làm mọi thứ trong căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 15m2, nấu cơm ăn 2-3 ngày chưa hết, đồ ăn thì lắm khi đến rau cũng chẳng có. Tuy nhiên mới đây , khi biết tin anh trai bị bệnh, cô Út- em gái ruột của nghệ sĩ đã “dùng nước mắt” thuyết phục nghệ sĩ Mạc Can về nhà để chăm sóc ông.Những ngày tháng dưỡng bệnh, tuy có lúc nhớ lúc quên nhưng nam nghệ sĩ giàu lòng yêu nghệ thuật, ông vẫn viết truyện và luôn hào hứng những khi được mời diễn ảo thuật trong các đêm hội thiếu nhi.
NSƯT Thiên Kim
Thiên Kim là nữ tài tử sân khấu và điện ảnh Việt Nam mà chắc chắn khán giả nào cũng nhớ mặt đặt tên cũng như đem lòng yêu mến. Đến nay, dù đã 87 tuổi, nghệ sĩ Thiên Kim vẫn miệt mài tham gia các bộ phim lớn nhỏ cả truyền hình lẫn điện ảnh
Vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM ngót nghét gần 20 năm, NSƯT Thiên Kim chia sẻ: "Đóng phim nhưng không quan trọng cát-xê nên đến nay, tôi vẫn nghèo, không có nhà để ở. Tôi vào Viện dưỡng lão để sum vầy cùng các anh chị em nghệ sĩ kỳ cựu, ngày ăn hai bữa cơm, âu cũng là hạnh phúc ở tuổi này."
NSƯT Phi Điểu
Ở tuổi 88, khó có thể tin nữ nghệ sĩ Phi Điểu - vợ của cố nhạc sĩ Phan Nhân vẫn 1 mình chạy xe máy đến phim trường, chỉ vì đam mê diễn xuất. Nhắc đến bà, khán giả hẳn sẽ đều nhớ những vai diễn người mẹ, người bà hiền từ, ấm áp.
Bà tâm sự: "Hễ rảnh thì tôi chạy xe đến khu dưỡng lão nghệ sĩ, thăm các đồng nghiệp, tặng quà, một chút tấm lòng của tôi."
Nghệ sĩ Bạch Long
So với nhà văn Mạc Can, cuộc sống của nghệ sĩ Bạch Long có phần "đỡ" hơn. Mỗi người có một nỗi khổ riêng mà nếu so sánh thì rất khập khiễng!
Nghệ sĩ Bạch Long vốn xuất thân là con nhà nòi về nghệ thuật. Bạch Long là con trai của cố NSND Thành Tôn, anh trai ruột của NSƯT Thành Lộc.Anh là người gầy dựng nên sân khấu Đồng Ấu Bạch Long, nơi đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cả nước như Quế Trân, Tú Sương, Vũ Luân, Trinh Trinh...
Năm 2001, nhóm Đồng Ấu Bạch Long ngưng hoạt động. Sự thất bại này cũng đồng nghĩa với việc bao công sức, tâm huyết, tiền bạc của nghệ sĩ Bạch Long cũng xuống sông xuống biển.Cũng như nhà văn Mạc Can, đã có lúc, Bạch Long muốn tự tử. Như thử lòng người, đúng vào thời điểm cao trào của bi kịch cuộc đời, Bạch Long được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mời về sân khấu Idecaf.Lại được đứng trên sân khấu, Bạch Long như cây sắp chết khô trên sa mạc được tưới nước mưa mát lành.
Đào chính Trang Thanh Xuân sân khấu cải lương
Trang Thanh Xuân từng nổi danh trên sân khấu cải lương phía Nam. Bà đặc biệt được yêu thích với vai diễn Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa. Tuy nhiên, khi môn nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, bà phải nghỉ hát, bán ngô luộc, bánh chuối chiên nuôi gia đình. Khi cha mẹ qua đời, em trai lấy vợ và ở rể, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cùng em gái cùng nhau sống trong một căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 tại khu nhà trọ dành cho dân lao động tại Q.9, TP HCM. Suốt 15 năm qua, cô đào chính ngày nào phải sống bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai.
Nghèo đói, không có chồng con, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân còn phải chịu cảnh bệnh tật. Ở tuổi ngoài 70, bà mắc bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim và thấp khớp. Với khoản chưa tới 60.000 đồng/ngày, người nghệ sĩ già phải sống rất tằn tiện. Nhiều khi không có tiền mua thuốc, bà phải dùng vải bó chặt đầu gối để đi lại mỗi khi đau nhức.
Nghệ sĩ Hồng Sáp
Hồng Sáp đi hát từ năm 14 tuổi, đến năm 28 tuổi gia nhập đoàn cải lương Huỳnh Long. Tuy nhiên, khi đoàn giải thể, bà ngừng công việc ca hát để lùi về làm hậu trường sân khấu. Hồng Sáp kể bà thuê trọ gần khu vực Đình Ông nhiều năm vì không tìm được nơi chốn để về. Hơn 60 năm theo các đoàn hát nay đây mai đó, nữ nghệ sĩ không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh tư cách công dân. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều sân khấu đóng cửa, diễn viên nghỉ diễn, bà cũng rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Nhiều năm qua, Hồng Sáp sống cùng người con trai duy nhất đã gần 60 tuổi. Từng có thời điểm bà cáng đáng kinh tế gia đình với nhiều công việc lớn nhỏ. Vài năm nay, căn bệnh thấp khớp khiến nữ nghệ sĩ phải hạn chế đi lại.
"Cuộc sống tôi bấp bênh, lay lắt tạm bợ qua ngày. Giờ tôi chỉ biết trông đợi ai thuê đồ hay các đoàn cần vai diễn nhỏ thì mời mình. Có tiền để tôi trang trải tiền thuê nhà, ăn uống cho cuộc sống 2 mẹ con...", bà nói.
Ca sĩ Kim Ngân
Ca sĩ Kim Ngân (sinh năm 1963) từng là ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại thập niên 80. Thời điểm đó, bà sở hữu nhan sắc xinh đẹp, giọng hát nội lực, ghi dấu ấn với khán giả bởi những ca khúc như Không, Bên nhau trong đời... Có giai đoạn các phòng trà chỉ cần dán poster Kim Ngân là kín bàn. Cuối thập niên 1980, Kim Ngân ly hôn chồng, sự nghiệp của bà cũng tụt dốc và dần biến mất khỏi ánh đèn sân khấu.
Hiện nay, ca sĩ Kim Ngân sống lang thang ở Mỹ, trí nhớ không còn tỉnh táo. Các nghệ sĩ hải ngoại mỗi khi gặp nữ ca sĩ đều cảm thấy thương xót, muốn giúp đỡ nhưng ca sĩ Kim Ngân từ chối. Cô lựa chọn việc ban ngày lang thang ngoài đường, tối về chỗ người già vô gia cư để ngủ.