Tháng trước, UEFA đã xử phạt ba câu lạc bộ vì "hành vi phân biệt chủng tộc" của các cổ động viên trong các trận đấu tại cúp châu Âu vào tháng trước. Nice, Juventus và Eintracht Frankfurt là những cái tên phải thi hành án phạt. Vậy, ba câu lạc bộ này và những đội bóng từng dính án phạt trên đã bị kỷ luật ra sao?
Bốn năm một lần, Ủy ban điều hành của UEFA sẽ bầu chọn các thành viên để ngồi vào Cơ quan kiểm soát, đạo đức và kỷ luật. Những người thuộc cơ quan này sẽ có thẩm quyền xử lý các vấn đề kỷ luật, đạo đức và trong đó có phân biệt chủng tộc. Theo nguyên tắc, các quyết định phải được thông qua toàn bộ 16 thành viên của cơ quan này trước khi được công bố với ít nhất 3 thành viên có mặt.
Thomas Partl đang là đương kim chủ tịch của cơ quan này, trong khi Jim Stjerne Hansen và Sandor Berzi là hai phó chủ tịch với đa số các thành viên trong cơ quan này là người da trắng. Nhiệm kỳ của họ bắt đầu từ năm 2019 và kết thúc vào năm 2023.
Từ “phân biệt chủng tộc” hoặc “hành vi phân biệt chủng tộc” là điều không được đề cập một cách rõ ràng trong bộ luật của UEFA. Thay vào đó, nó thuộc "thông điệp không phù hợp với một sự kiện thể thao", nếu vi phạm lần đầu, bạn sẽ bị phạt 10.000 euro (khoảng 236 triệu đồng). Con số đó tăng lên đến 15.000 € (khoảng 354 triệu đồng) cho lần vi phạm thứ hai.
Tuy nhiên, điều này chủ yếu đề cập đến các thông điệp khiêu khích hoặc chính trị. Không có hướng dẫn cụ thể nào về mức phạt có thể được ban hành khi có liên quan đến phân biệt chủng tộc. Các quy định của UEFA bổ sung rằng "tiền phạt có thể được tăng lên cho mỗi trường hợp tái phạm bổ sung".
Phần lớn các trường hợp vi phạm lần đầu đều bị cảnh cáo và các hình phạt bằng tiền từ 500 euro (khoảng 12 triệu đồng) đến 15,000 euro (khoảng 354 triệu đồng). Điều 14 trong các quy định về kỷ luật của UEFA nêu rõ các hành vi được coi là "phân biệt chủng tộc và các hành vi kỷ luật khác".
Ví dụ: nếu một cầu thủ phân biệt chủng tộc với một cầu thủ khác, thì anh ta có thể bị treo giò "ít nhất 10 trận đấu hay một khoảng thời gian cụ thể hoặc bất kỳ hình thức xử phạt thích hợp nào khác".
Vào tháng 9, UEFA đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nice, Eintracht Frankfurt và Juventus vì "hành vi phân biệt chủng tộc" của một số cổ động viên trong các trận đấu ở cúp châu Âu gần đây.
Nice đã bị trừng phạt sau các trận đấu tại Europa Conference League với Cologne vào ngày 8 tháng 9 và Partizan vào ngày 15 tháng 9. Lý do được UEFA viện dẫn bao gồm “hành vi phân biệt chủng tộc, ném đồ vật, đốt pháo sáng, gây rối đám đông”.
Với những hành vi trên, đội bóng nước Pháp sẽ phải chơi trận đấu với Slovacko vào ngày 6 tháng 10 mà không có khán giả cổ vũ và phải treo một biểu ngữ “#NoToRacism”. Họ cũng bị cấm bán vé các trận đấu trên sân khách.
Eintracht Frankfurt và Juventus là hai cái tên còn lại nhận án phạt do "hành vi phân biệt chủng tộc của các cổ động viên" sau các trận đấu Champions League gần đây trước Marseille và Paris Saint-Germain.
Juventus đã bị phạt 15.000 euro và bị cấm ít nhất 1000 khán giả đến sân trong thời gian được UEFA mô tả "một năm thử thách". Frankfurt cũng đã chấp nhận án phạt trước Marseille vào ngày 13 tháng 9 khi “một cử chỉ giống như kiểu chào của Đức Quốc xã đã được thực hiện”.
Đội bóng nước Đức bị quy vào tội "hành vi gây thiệt hại và hành vi phân biệt chủng tộc" và nhận án phạt 15.000 euro cũng như đóng cửa một phần sân vận động và cấm bán vé cho các trận đấu sân khách. Đội bóng này bị phạt thêm 30.000 euro (700 triệu đồng) vì “đốt pháo sáng, ném vật thể lạ và phá hoại tài sản”.
Trong quá khứ, UEFA từng nổi tiếng với án phạt Nicklas Bendtner, cựu tiền đạo của Arsenal khoảng 80.000 bảng (hơn 2 tỷ đồng) tại Euro 2012 khi anh để lộ cạp quần lót có logo Paddy Power.
Câu lạc bộ Ba Lan, Legia Warsaw đã bị phạt 50.000 euro (1,2 tỷ đồng) vào năm 2017 sau khi những người ủng hộ của họ giăng biểu ngữ chỉ trích cơ quan quản lý của bóng đá châu Âu. Biểu ngữ có huy hiệu UEFA với một con lợn và dòng chữ: “35.000 tiền phạt sẽ được chuyển đến…”.
Huấn luyện viên Atletico Madrid, Diego Simeone đã bị phạt khoảng 13.000 bảng vì túm lấy đũng quần để ăn mừng khi câu lạc bộ Tây Ban Nha đánh bại Juventus ở Champions League năm 2019.
Nếu một câu lạc bộ hoặc một cầu thủ bị UEFA phạt vì phân biệt chủng tộc, họ có thể khiếu nại quyết định của Cơ quan kiểm soát, đạo đức và kỷ luật. Kháng cáo phải được gửi đến UEFA bằng văn bản cho Cơ quan kháng cáo trong vòng ba ngày kể từ khi án phạt được đưa ra.
Mỗi kháng nghị có giá 1.000 euro và phải trả khi nộp đơn. Bản kháng nghị phải đầy đủ yêu cầu về mặt pháp lý, bản tường trình các sự kiện, danh sách các nhân chứng được đề xuất với bản tóm tắt lời khai dự kiến của họ và kết luận của người kháng cáo.
Khi kháng cáo được thực hiện, các thủ tục được tiến hành bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nếu cơ quan kháng cáo cần thêm những bằng chứng, họ sẽ gửi giấy triệu tập cho những người có liên quan.
Sau khi kết thúc, Cơ quan kháng cáo sẽ họp kín trước khi đưa ra phán quyết. Họ có thể duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược quyết định ban đầu của Cơ quan Kiểm soát, Đạo đức và Kỷ luật. Nếu bị cáo là bên duy nhất gửi đơn kháng cáo thì không thể tăng hình phạt. Các quyết định của Cơ quan kháng nghị được UEFA coi là quyết định cuối cùng.
UEFA có quan hệ đối tác với nhóm Bóng đá chống phân biệt chủng tộc ở châu Âu (Fare), tổ chức sẽ đặt các quan sát viên bí mật tại các giải đấu thuộc thẩm quyền của UEFA dựa trên quy trình đánh giá rủi ro.
Điều này đã được trì hoãn vào đầu mùa giải trước khi hai tổ chức đang thảo luận về việc gia hạn hợp đồng, có nghĩa là hiện tại những quan sát viên trên sẽ không có mặt tại sân bóng. Dẫu vậy, điều đó đang được kích hoạt trở lại và những thông tin có liên quan đến các hành vi phân biệt đối xử sẽ ngay lập tức được báo cáo lại và xử lý.
Ten Hag bị 'hành lên bờ xuống ruộng' trước trận gặp Omonia
Liên tục phá lưới đối phương, Erling Haaland bị nghi ngờ