Mối nguy chực chờ đằng sau quan niệm ‘trẻ con mập mạp mới đáng yêu’

Tâm lý thích trẻ bụ bẫm, chiều chuộng sở thích ăn uống của con là nguyên nhân gián tiếp khiến nhiều trẻ mắc bệnh béo phì.

[caption id="" align="aligncenter" width="960"] "Con nít phải mũm mĩm tí mới xinh" là nguyên nhân gián tiếp khiến nhiều trẻ em Việt béo phì. Ảnh: Bestkid.[/caption]

Khám cho một bệnh nhi là con gái của đồng nghiệp, thạc sĩ, bác sĩ Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ngạc nhiên khi bé mới chỉ 14 tuổi nhưng nặng tới 83 kg.

Thậm chí, dù cơ thể nặng trịch, sinh hoạt khó khăn, bé chỉ được đưa đi khám khi vùng da cổ chi chít gai đen. Đây là biểu hiện của biến chứng béo phì ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.

"Trẻ con mập mạp, bụ bẫm mới đáng yêu"

Theo chia sẻ, bác sĩ Mai cho hay rất nhiều trẻ em được đưa đến khám khi đang ở giai đoạn béo phì nặng. Điều này là do quan điểm của nhiều bố mẹ Việt thích trẻ em mũm mĩm.

"Mọi người có xu hướng lo lắng nhiều hơn khi con mình còi xương, biếng ăn, nhẹ cân. Ngược lại, ai cũng thích trẻ con mập mạp, bụ bẫm mới đáng yêu, đi học không bị bạn bè bắt nạt. Chỉ đến khi trẻ quá mập hoặc có dấu hiệu không ổn về sức khỏe mới đưa đi khám", bác sĩ Mai chia sẻ.

Theo bác sĩ Mai, trẻ bị béo phì do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ăn uống quá nhiều năng lượng nhưng tiêu hao rất ít. "Trẻ em thời nay do bố mẹ không có thời gian chơi cùng nên được cho sử dụng TV, máy tính bảng, điện thoại quá nhiều, không có điều kiện ra ngoài chơi dẫn đến lười vận động", bác sĩ Mai nhận xét.

[caption id="" align="aligncenter" width="1920"]beo phi o tre em anh 1 Bác sĩ Mai khám dinh dương cho một bệnh nhi. Ảnh: BSCC.[/caption]

Ngoài ra, các bé lớn hơn phải thường xuyên đi học thêm, không có điều kiện ăn uống ở nhà. Việc liên tục ăn đồ ăn ở ngoài, ăn vặt có thể khiến trẻ nạp nhiều thực phẩm xấu, gây ra tình trạng thừa cân.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Quốc Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng nhận định nhiều trẻ em béo phì hiện nay do ăn thừa năng lượng nhưng ít vi chất dinh dưỡng. "Điều này gây ra tình trạng mất cân bằng vi chất trong cơ thể. Cơ thể thiếu vi chất sẽ không tiêu thụ được hết năng lượng, dẫn đến tồn dư và gây ra béo phì", bác sĩ Hào phân tích.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hào, một số phụ huynh còn có quan điểm cho con ăn nhiều để nhanh tăng chiều cao, sau này giảm cân sau. Tuy nhiên, việc ăn nhiều không giúp ích cho trẻ tăng chiều cao. Ngược lại, điều này khiến bé tăng cân mất kiểm soát, ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của trẻ.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhìn nhận thừa cân ở trẻ vị thành niên Việt Nam là do chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động. Cơ quan này đánh giá trẻ em Việt Nam đang tiêu thụ quá mức các thực phẩm chế biến sẵn (chứa nhiều đường, muối và chất béo), nước ngọt và thức ăn nhanh. Trong khi đó, khẩu phần ăn không đủ trái cây, rau quả, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, các em thiếu sự vận động thể chất.

Cụ thể, theo thống kê của UNICEF, 35% trẻ em 13-17 tuổi uống nước ngọt có gas hơn 1 lần/ngày. Cũng trong độ tuổi này, 17% các em ăn đồ ăn nhanh ít nhất 1 lần/tuần và 76% hoạt động thể lực dưới 1 giờ/ngày. Trong khi đó, ở nhóm trẻ 2-5 tuổi, 12% ăn bánh kẹo mỗi ngày.

"Con béo phì, lỗi nhiều ở người lớn"

Theo bác sĩ Mai, chữa bệnh béo phì cho trẻ em rất khó vì trẻ khó kiểm soát việc ăn uống, do chưa nhận thức đầy đủ được hậu quả cũng như tác hại do bệnh gây ra. "Người lớn phải nhận ra được hậu quả sớm để định hướng cho con. Con béo phì, lỗi lớn là ở cha mẹ, ông bà và người lớn xung quanh", nữ bác sĩ nhận định.

Để chữa bệnh cũng như ngăn ngừa béo phì cho trẻ, bác sĩ Mai cho rằng điều đầu tiên là người lớn phải thay đổi suy nghĩ trẻ con mập mạp mới đáng yêu. "Đừng bao giờ nghĩ trẻ con mũm mĩm mới đẹp. Người lớn trong nhà đừng lo sợ khi con mình không tăng cân, bỏ ăn chỉ một bữa trong khi bé đã quá cân", bác sĩ phân tích.

Song song với đó, để giúp trẻ ngừa béo phì, chính bố mẹ và người thân trong gia đình cần tạo lối sống lành mạnh. Người lớn cũng cần phải làm gương. Theo bàbác sĩ Mai, đây là quá trình rất gian nan và khó khăn, cần sự kiên nhẫn và kiên trì trong khoảng thời gian dài, đòi hỏi cả gia đình phải đồng hành cùng trẻ.

"Phụ huynh không thể bảo con ra ngoài vận động trong khi chính mình lại nằm nhà ôm điện thoại và hay máy tính", bác sĩ Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, nữ bác sĩ khuyên các các phụ huynh dành nhiều thời gian cho con hơn. Không chỉ cùng con vận động, mọi người nên dành thời gian chuẩn bị bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, sắp xếp lịch học, lịch vận động hợp lý cho trẻ, tránh để con ăn ngoài đường quá nhiều.

Theo Linh Thùy (znews) - Ảnh: T.H