Cơm là món không thể thiếu trong các bữa ăn của người Việt. Nấu cơm đối với nhiều người là việc hết sức đơn giản. Tuy nhiên, nấu cơm thế nào để cơm dẻo thơm và lâu thiu cũng cần có bí quyết.
Cơm lâu thiu có phải do gạo?
Trong quá trình nấu ăn, nhiều người nhận thấy tình trạng có loại gạo nấu cơm nhanh thiu, có loại lại lâu thiu hơn. Vậy loại gạo có ảnh hưởng gì đến việc cơm nhanh thiu không?
Theo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lúa, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho biết cơm lâu hay nhanh thiu không phải do giống lúa mà do quá trình xay xát, chết biến.
Với loại gạo được xát kỹ, hạt gạo sẽ không còn quá nhiêu vitamin. Thành phần chính của hạt gạo lúc này là tinh bột nên cơm sẽ lâu thiu hơn. Trong khi đó, hạt gạo còn nguyên vỏ cám, chứa nhiều chất dinh dưỡng chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển. Vì vậy, bạn có thể thấy rằng khi nấu cơm làm rượu, người ta thường sử dụng loại gạo còn nguyên vỏ cám để quá trình lên men diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
Mẹo nấu cơm dẻo thơm, lâu thiu khi trời nắng nóng
- Rửa sạch nồi và nắp nồi trước khi nấu cơm
Đây là bước quan trọng giúp cơm thơm ngon, lâu thiu hơn mà nhiều người bỏ qua. Trước khi nấu cơm, bạn cần phải đảm bảo nồi và nắp nồi cơm đều được rửa sạch sẽ. Nếu phần cơm cũ vẫn còn bám lại trên các bộ phận này, nó sẽ làm cơm mới nấu rất nhanh thiu.
Muôi xới cơm cũng cần được rửa sạch và để khô ráo trước khi sử dụng.
- Vo gạo
Khi vo gạo, bạn nên cho gạo ra rổ/rá để loại bỏ bụi bẩn. Vo nhẹ tay, tránh chà xát mạnh làm mất đi một phần dinh dưỡng có trong gạo.

- Thêm giấm trắng
Khi nấu cơm, bạn có thể cho thêm một chút giấm trắng (mỗi 1kg gạo chỉ cần thêm 2ml giấm là đủ). Giấm sẽ giúp gạo có vị ngọt, giữ màu sáng đẹp. Ngoài ra, nó còn giúp cơm lâu thiu hơn.
- Thêm muối
Muối không chỉ dùng để nêm nếm trong các món ăn mà khi nấu cơm bạn cũng có thể sử dụng loại gia vị này. Thêm một vài hạt muối vào nồi cơm sẽ giúp cơm đậm đà hơn. Ngoài ra, muối cũng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giữ cho cơm lâu thiu hơn.
Với cơm nguội còn thừa từ bữa trước, trước khi đem đi hâm nóng, bạn có thể trộn với một chút nước muối loãng. Nước muối loãng giúp cơm dẻo, đậm đà và loại bỏ mùi của cơm cũ.
- Dùng dụng cụ sạch để xới cơm
Khi cơm chín, hãy dùng muỗng hoặc đũa sạch để đánh tơi cơm. Làm như vậy, hạt cơm sẽ tơi đều, ngon hơn.
Đặc biệt, khi xới cơm, hãy dùng muỗng, đũa sạch, không ráo, không dính nước hay bất cứ loại thức ăn nào.
- Bảo quản cơm thừa
Không nên để cơm thừa trong nồi và đậy kín nắp. Nhiệt độ cao trong nồi sẽ khiến cơm nhanh bị chua, bị thiu.
Cơm thừa không ăn hết nên cho ra hộp, mở nắp và để thật nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với những ngày trời mát mẻ hoặc trời lạnh, bạn có thể để cơm ở ngoài nhiệt độ thường nhưng cần dùng rổ thưa hoặc lồng bàn để che chắn, tránh để côn trùng bò vào. Tuy nhiên, không nên để cơm ở ngoài nhiệt độ phòng quá lâu. Nếu muốn bảo quản cơm được lâu hơn, hạn chế vi khuẩn phát triển, tốt nhất vẫn cần phải để cơm trong ngăn mát tủ lạnh.
Nên hâm nóng cơm nguội trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn. Bạn có thể làm nóng cơm bằng cách dùng lò vi sóng, hâm nóng cùng cơm mới nấu, đem hấp cách thủy.
Trên đây là một số mẹo nấu cơm dẻo thơm, lâu thiu khi trời nắng nóng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc nấu nướng thường ngày.