Trong một buổi livestream gần đây, khi doanh nhân Phương Hằng có cách gọi “đám nghệ sĩ”, thay vì phản ứng gay gắt như những livestream trước, những bình luận đồng tình với bà lại lấn lướt. Khi mà thời gian gần đây, hiện tượng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng liên tiếp có những phát ngôn lệch lạc, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, hệ lụy đến đạo đức, lối sống của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Là người công chúng, hơn ai hết, phải ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội. Bởi họ chính là những người có sức ảnh hưởng lớn đến một bộ phận công chúng, trong đó có giới trẻ. Xu hướng tâm lý của con người, nhất là giới trẻ là thích những cái mới, độc, lạ và hay tò mò bắt chước theo.
Mỗi nghệ sĩ, người nổi tiếng cần phải tự xác định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận xã hội. Facebook, zalo hay các trang cá nhân của họ luôn thu hút số lượng đông đảo người theo dõi và yêu thích, bởi vậy từng phát ngôn đều có tác dụng định hướng và sức lan tỏa. Phong cách, lối sống và cách ứng xử của những đối tượng này lại càng có sự ảnh hưởng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự nâng cao ý thức gìn giữ hình ảnh của mình, lấy sự chuẩn mực về đạo đức, lối sống làm thước đo.
Trước những cách hành xử, phát ngôn lệch lạc này, cần thiết có những cảnh tỉnh, định hướng kịp thời. Trong đó, tiếng nói phê phán từ dư luận xã hội có vai trò quan trọng. Sự lên án thẳng thắn, không nề hà vì ngại động chạm sẽ khiến cho chính những nghệ sĩ, người của công chúng thức tỉnh để nhìn nhận, điều chỉnh lại bản thân. Hơn ai hết, mỗi nghệ sĩ cần phải nhận thức được rằng, nhờ có công chúng yêu mến tài năng thì họ mới có thể trở nên nổi tiếng. Danh tiếng và tài năng chính là tài sản mà không phải ai cũng dễ dàng có được, cho nên họ không được phép lãng phí.
Công chúng ngày nay rất thông minh. Vì thế, dù đã từng là fan hâm mộ, song công chúng cũng rất rạch ròi thể hiện thái độ, lên án mạnh mẽ chính những văn nghệ sĩ có thái độ ứng xử không đúng đắn, thiếu chuẩn mực. Là người của công chúng, bởi vậy chỉ một phát ngôn sai trái, không đúng đắn thì chính họ đã tự đánh mất điểm trong mắt mọi người. Bởi vậy, để có thể giữ gìn hình ảnh đẹp và sự trân trọng từ phía khán giả, mỗi nghệ sĩ luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, mạnh mẽ thể hiện tiếng nói để truyền tải những điều tốt đẹp.
Hiện nay chưa có điều luật nào quy định người nổi tiếng thì phải sống như thế nào, không phải pháp luật bỏ sót đâu, mà vì luật là để điều chỉnh hành vi của mọi con người trong xã hội nói chung, và nghệ sĩ hay bất kỳ người nổi tiếng nào cũng đều phải bị điều chỉnh bởi pháp luật theo những điều khoản chung nhất.
Không có pháp luật nào có thể bao quát hết được các hành vi của con người, cho nên bên cạnh phạm trù về pháp luật còn có phạm trù về đạo đức để điều chỉnh hành vi con người, đặc biệt là những người nổi tiếng.
Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế, chúng ta lại đang phải chứng kiến nhiều sự xuống dốc về đạo đức xã hội của một bộ phận nghệ sĩ, người của công chúng. Họ bất chấp những rào cản ràng buộc, răn đe về đạo đức, chuẩn mực văn hóa để có những hành vi sai lệch. Đồng thời, cũng cần có những chế tài và hình thức xử phạt nghiêm khắc theo pháp luật để làm gương cho những nghệ sĩ, người nổi tiếng khác. Giữ gìn môi trường nghệ thuật thuần khiết lúc cần “nhu” nhưng cũng nhất thiết phải “cương” khi cần.
(Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM) chia sẻ: “Tôi không lên án ai, tôi biết có những nghệ sĩ phát ngôn để cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật trên trang cá nhân của mình. Vì sao anh lại được quyền nói như thế, cho dù là anh nói trên trang cá nhân của anh thôi, nhưng trang đó có hơn triệu lượt theo dõi, đó là trang công khai. Anh nói những điều đó chính là anh đang hành xử nơi công cộng. Khi anh đăng facebook - mạng xã hội, tức là có tương tác, có người theo dõi chứ không phải là trang nhật ký chỉ mình anh xem. Anh có thể rất ghét điều này điều kia, nhưng khi anh nói ra, phải biết luật pháp cho anh nói đến đâu, đạo đức cho nói mức độ nào. Cho nên tôi muốn nói, hành vi của người nổi tiếng đối với công chúng của mình thì phải rất quan tâm. Trời đã cho tài năng nhưng điều đó không có nghĩa anh hành xử đứng lên trên những chuẩn mực của pháp luật, đạo đức.”
Theo tôi, có 3 phương cách để hạn chế tình trạng này: Một là, xuất phát từ bản thân những người văn nghệ sĩ. Họ phải nhận thức lại chính mình, biết được nghĩa vụ công dân của mình để có thái độ chính trị tốt, ứng xử có văn hóa. Hai là, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh, cương quyết những hành vi vi phạm. Và ba là, công chúng, fan cuồng cần nói KHÔNG, thậm chí tẩy chay ngay thần tượng của mình nếu họ đăng những thông tin không phù hợp với những chuẩn mực của xã hội. Một khi làm tốt “kiềng ba chân” này, chắc chắn hiện tượng trên sẽ giảm.
(TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh TP.HCM)