Kỹ sư công chánh tài hoa Phạm Đình Biều và chuyện bốn lần bị ám sát hụt

Trong bài viết này, chúng tôi dành nói về thân thế và sự nghiệp của kỹ sư công chánh Phạm Đình Biều và đặc biệt những “người trong cuộc” kể về 4 lần ông bị ám sát mà vẫn bảo toàn được tính mạng. Câu chuyện thật ly kỳ và bí ẩn, việc đời thường mà cứ như phim trinh thám vậy.

Thủ đô Hà Nội từ một thành phố bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến nay đã và đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực và thế giới. Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Để có được thành tựu vẻ vang ấy, không thể không kể đến công cuộc đô thị hóa qua các thời kỳ lịch sử làm nền tảng cho sự phát triển thủ đô hôm nay.

Trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, thường nhắc đến tên hai trí thức nổi tiếng là bác sỹ Trần Văn Lai (1894 - 1975), từng giữ chức Thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim. Bằng uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng của mình, sau năm 1954, ông là một trong bốn nhân sĩ Hà Nội vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quà là một chiếc radio. Ngày 4/11/1954, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau đó ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội (nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Năm 1964, ông là đại biểu khu vực Hà Nội trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa III. Thị trưởng Trần Văn Lai là người có công đặt lại tên đường cho hầu hết các con phố Hà Nội sau khi Nhật đảo chính Pháp, những con phố ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Để ghi nhớ công lao của một vị nhân sĩ, trí thức yêu nước, tháng 12 năm 2011, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố Trần Văn Lai tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Người thứ hai là Phạm Đình Biều. Ông quê gốc làng Châu Khê (Hải Dương) nức tiếng thành Thăng Long với nghề khảm bạc, luyện vàng đã lập ra phố Hàng Bạc từ cách đây hơn 500 năm... Ông là kỹ sư công chánh được Pháp đào tạo ở bậc đại học. Vốn là người yêu công việc, nghiêm túc, mẫn cán và đức độ, Phạm Đình Biều được chính quyền thuộc địa rất tín nhiệm và trọng dụng. Những năm trước 1954, ông được giao trọng trách Giám đốc Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ. Sau ngày Giải phóng Thủ đô 10 tháng 10 năm 1954, ông được nhà nước bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Công chánh và Kiến thiết cơ bản Hà Nội (tiền thân của Sở Xây dựng Hà Nội ngày nay). Với kiến thức sâu rộng về kiến thiết đô thị nói chung, cùng với những am hiểu sâu sắc về thành phố Hà Nội nói riêng, ông đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc kiến thiết, mở rộng, quản lý thành phố Hà Nội.

anh-02-1628152101.jpg

Kỹ sư công chánh Phạm Đình Biều.

Trong bài viết này, chúng tôi dành nói về thân thế và sự nghiệp của kỹ sư công chánh Phạm Đình Biều và đặc biệt những “người trong cuộc” kể về 4 lần ông bị ám sát mà vẫn bảo toàn được tính mạng. Câu chuyện thật ly kỳ và bí ẩn, việc đời thường mà cứ như phim trinh thám vậy.

Ông Phạm Đình Biều, một trong 40 kỹ sư đầu tiên của Đông Dương thuộc Pháp. Trong kỳ thi lấy bằng kỹ sư đầu tiên của Đông Dương, ông đạt điểm chuyên môn cao nhất. Tuy nhiên, ông Trần Đăng Khoa (sau này từng làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) đạt điểm công tác cao hơn ông Biều, do đó tổng số điểm của ông Trần Đăng Khoa cao nhất. Nói cách khác, ông Trần Đăng Khoa đỗ đầu, ông Phạm Đình Biều đỗ thứ nhì.

Trong những năm 1930, kỹ sư Phạm Đình Biều cùng kỹ sư Trần Đăng Khoa là 2 trong nhóm 4 kỹ sư Việt Nam làm việc dưới quyền một Tổng Công trình sư người Pháp (gốc Do Thái) trong công trình xây dựng những đường hầm (tunnels) xuyên núi ở khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam. Vào những năm 1930, ông Biều là một trong những người đầu tiên tham gia khai phá con đường xuyên Việt - là một phần quan trọng nằm trong dự án lớn của Việt Nam thời đó - Dự án Đường Xe Lửa Bắc Nam Việt Nam.

Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam theo hiệp định Genève. Thủ đô được giải phóng là một sự kiện mang ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử thời đại Hồ Chí Minh. Giải phóng Thủ đô là thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân lao động của Thủ đô được làm chủ vận mệnh của mình, họ phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau chiến tranh, việc tiếp quản thành phố Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về kiến thiết cơ bản và hạ tầng kỹ thuật của thủ đô. Trước tình hình đó, để thu hút đội ngũ trí thức cũ, nhà nước đã có chính sách đặc biệt ưu đãi gọi là “công chức lưu dung” với mức lương xấp xỉ lương công chức cũ, nhằm khuyến khích và trọng dụng các nhân sĩ, trí thức của chế độ bảo hộ tự nguyện giúp chính quyền non trẻ điều hành đất nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.

Là người thân quen, hiểu biết về gia thế và trình độ chuyên môn của kỹ sư Phạm Đình Biều, theo bác sĩ Trần Duy Hưng thì vào thời đó khó có thể kiếm được ai sở hữu kiến thức sâu rộng và hiểu biết tường tận về Hà nội như kỹ sư Phạm Đình Biều. Nên ông Trần Duy Hưng - chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội lúc bấy giờ đã trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được cụ Hồ đồng ý tiến cử kỹ sư Phạm Đình Biều tham gia quản lý công việc kiến thiết cơ bản của thành phố, hướng dẫn các Kiến trúc sư trẻ về kết cấu nền móng Hà Nội. Ông đảm nhận chức vụ phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nha Công chánh và Kiến thiết cơ bản thành phố Hà Nội (tiền thân của Sở xây dựng Hà Nội ngày nay); cùng với mức lương ngang với mức mà chính quyền cũ trả cho ông.

Ông Phạm Đình Biều rất vinh dự, tự hào khi được đích thân cụ Hồ giao nhiệm vụ, được nhà nước tín nhiệm, nên ông vô cùng phấn khởi và tin tưởng, đã cùng đồng nghiệp hối hả bắt tay vào công việc như để bù đắp nỗi chờ đợi và khát khao được đem sức mình công hiến cho sự nghiệp kiến thiết xây dựng thủ đô Hà Nội sau bao năm bị chiến tranh tàn phá. Với ông, đây thực sự là chuỗi thời gian có ý nghĩa nhất trong đời, tuy gian nan thử thách nhưng được cống hiến hết mình để góp phần vào công cuộc hình thành một nền kiến trúc Việt Nam mới mang tính hiện đại và dân tộc. Đặc biệt, vào năm 1957, sự kiện vỡ đê Mai Lâm, có thể ảnh hưởng tới sự an nguy của Hà Nội. kỹ sư Biều cùng các chuyên gia đã họp bàn, với sự có mặt của cụ Hồ Chí Minh. Kỹ sư Phạm Đình Biều nêu ý kiến làm các rọ lưới thép đựng đá, gọi là những “rồng đá” ném xuống dòng chảy đê Chèm để tránh vỡ hệ thống đê bao quanh Hà Nội. Kết quả ngoài mong đợi và Hà Nội vẫn được an toàn!

Những năm tháng sau Hiệp định Genève, miền Bắc đang trong thời kỳ phục hồi các vết thương chiến tranh. Nước ta đứng trước những khó khăn to lớn về kinh tế, lại vừa phải đối phó với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó, toàn miền Bắc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam. Bởi vậy, ít lâu sau, tổ chức mời ông lên nói chuyện về tình hình khó khăn chung của đất nước mà mỗi người dân phải có trách nhiệm chia sẻ với chính phủ. Tổ chức đề nghị được trả lương cho ông và các công chức lưu dung khác theo thang lương như tất cả cán bộ công chức khác trong chính quyền mới. Ông vui vẻ chấp thuận và từ đó trở đi, gia đình ông hơn mười miệng ăn bắt đầu cuộc sống bươn chải vất vả như hàng ngàn, hàng vạn gia đình cán bộ, công chức khác trong thời bao cấp, kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù đời sống vật chất vô cùng khó khăn nhưng ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ giám đốc Nha Công chánh và Kiến thiết cơ bản Hà Nội, hay Cục phó Cục Thiết kế dân dụng (thuộc Bộ Thủy lợi và Kiến trúc), ông cũng luôn tận tâm với công việc, nhiệt huyết và trung thành. Những công trình kiến trúc quy mô, mà hình ảnh đã đi cùng năm tháng đều có bóng dáng của kỹ sư Phạm Đình Biều như: Trụ sở của Bộ Xây dựng, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc… là những điểm sáng kiến trúc của thủ đô Hà Nội một thời.

*

*      *

Lại kể về thời kỳ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đây là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn thử thách: vừa lo đối phó với giặc đói, giặc dốt, vừa phải tập trung phá thế “thù trong - giặc ngoài” để bảo vệ thành quả cách mạng. Các thế lực ngoại xâm núp bóng quân Đồng Minh và các đối tượng phản động từ bên trong đua nhau ngóc đầu dậy, câu kết chặt chẽ với nhau thành những liên minh phản cách mạng, chúng ráo riết và trắng trợn chống phá nhà nước ta. Những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch ở bên trong và từ bên ngoài, đặt dân tộc ta trước những thử thách cực kỳ khó khăn. Chính quyền cách mạng non trẻ ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này của Đảng ta là phải giữ vững chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Trước tình hình đó, lực lượng an ninh của ta phát triển và hoạt động mạnh mẽ, đạt nhiều chiến công vang dội. Thắng lợi của việc khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu và nhiều chuyên án phức tạp khác đã đập tan mọi hoạt động thâm độc, táo tợn của địch, chúng phải nhận thất bại trước ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sự khôn khéo của lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng trinh sát của Công an Hà Nội.

Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, ông Phạm Đình Biều với chức vụ Giám đốc Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ, được nhà nước bảo hộ cho hưởng nhiều đặc lợi, có “xe hơi, nhà lầu”… Với phận sự của mình, ông quảng giao rộng rãi và tiếp xúc với nhiều quan chức, trong đó có cả người Pháp. Chính vì lẽ đó mà ông đã bị lọt vào “tầm ngắm” của Đội trinh sát đặc biệt Công an Hà Nội…Trong quá trình điều tra, phát hiện và thực thi nhiều chuyên án không tránh khỏi những nhầm lẫn và thất bại. Câu chuyện “4 lần ám sát hụt” dưới đây là một “thất bại” hy hữu, nhưng lại là cái kết có hậu và trọn vẹn đôi đường.

Chết hụt lần thứ nhất

Vào một buổi chiều khi tan nhiệm sở, chiếc xe hơi đưa ông Phạm Đình Biều - Giám đốc Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ từ nơi làm việc về nhà riêng tại ngôi biệt thự trên đường Mongrand (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền) đầu phố đâm ra hồ Thiền Quang, đầu kia nối với phố Khâm Thiên. Đây là một con phố nhỏ yên ả, với những tán cây xum xuê, tĩnh lặng.,. Nhà của ông Biều không ở sát hồ, mà ở vị trí đúng ngã 3, trước mặt là phố Yết Kiêu. Khi xe ô tô chở ông Biều từ từ giảm tốc độ, chờ cho cánh cổng lớn mở hết để xe rẽ vào nhà thì bỗng một người phóng xe đạp tới. Anh ta rút trong người ra một trái lựu đạn, nhanh như cắt bật kíp nổ quăng thẳng vào trong xe… Vào thời bấy giờ, các loại xe hơi nhập cảng từ Pháp đều chưa có máy lạnh nên thường người ta phải mở hết các cửa kính để lấy gió mát. Trong cái khoảnh khắc kinh hoàng đó, không ai hiểu điều gì đang xảy ra, và dù có biết đi chăng nữa thì cũng chẳng thể trở tay kịp. Như có một phép màu, trái lựu đạn thay vì lọt vào trong xe thì nó lại bay vụt từ cửa bên này, rồi chui tọt qua cửa phía đối diện, rơi xuống đường nổ tung chát chúa. Không có án mạng! Ông Biều thoát chết chỉ trong gang tấc, nhưng tinh thần hoang mang cực độ.

Sau lần kinh hoàng đó người nhà của ông canh giờ thật kỹ, đúng khi xe về đến nơi cũng là lúc hai cánh cổng mở rộng để chiếc xe chở ông chạy nhanh vào sân, rồi đóng kín cổng lại để bảo đảm an toàn. Nhận thấy nơi đây nguy hiểm, ít lâu sau gia đình ông chuyển về ngôi nhà kín đáo ở phố Cao Bá Quát, đối diện nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Đây là con phố nhỏ, nhiều cây xanh với những ngôi biệt thự biệt lập, khá đẹp và yên tĩnh.

Chết hụt lần thứ hai

Vào một đêm hè, trời về khuya, ve sầu cũng tắt tiếng, cả phố Cao Bá Quát đang chìm trong giấc ngủ, bỗng có tiếng la lớn thất thanh. Tất cả mọi người trong nhà đều giật mình tỉnh giấc, hốt hoảng chưa kịp định thần bởi tiếng hét của anh Phạm Kim Chương con trai lớn của ông Biều (sau này anh Chương tham gia quân đội và là liệt sĩ). May thay đêm hôm ấy anh Chương đang trằn trọc trên giường chợt tỉnh hẳn khi nghe có tiếng động bất thường bên ngoài cửa sổ buồng ngủ, tiếng động nghe mơ hồ tựa như tiếng gãy của một nhánh cây khô hoặc như tiếng rơi của một viên gạch. Trấn tĩnh lại, anh nhìn ra ngoài, thấy một bóng đen lom khom trên thành ban công. Dưới ánh sáng mờ nhạt của đèn đường, anh chợt nhìn thấy ánh sáng lóe lên phản chiếu từ một khẩu súng ngắn trong tay kẻ lạ mặt. Tiếng la hoảng giữa đêm của anh Chương khiến cho sát thủ giật mình biết đã bị lộ, bóng đen đã vụt chuyền từ ban công tầng hai, vọt qua tường rào rồi nhảy xuống đường, chạy mất hút vào bóng đêm. Ông Biều đã thoát chết lần hai!

Chết hụt lần thứ ba,

Chuyện do ông Phạm Việt Hưng, một trong các con của kỹ sư Phạm Đình Biều, được nghe từ chính người thực hiện vụ ám sát này kể lại trong cuộc gặp mặt năm 1991 tại buổi khai mạc Văn phòng Kiến trúc của KTS Tạ Xuân Vạn, tác giả công trình “Hàm Cá Mập” số 1 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Người kể chuyện tự giới thiệu là Hiệu phó Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông kể rằng, việc ám sát ông Biều được sắp đặt tại một buổi lễ có sự hiện diện của một viên quan người Pháp. Chất nổ “hẹn giờ” đã được cài sẵn, nhưng không may chuyến máy bay chở viên quan Pháp vì lý do thời tiết nên bị trễ giờ, do đó buổi lễ bị hủy. Để tránh thương vong cho người vô tội, quả bom hẹn giờ đã được vô hiệu. Mà vì vậy, ông Biều cùng viên quan người Pháp đã thoát chết.

Chết hụt lần thứ tư - “Mỹ nhân kế”

Ba lần ám sát ông Biều không thành. “Đội trinh sát đặc biệt” đã công phu chuẩn bị và thực hiện chuyên án “mỹ nhân kế”, rất kỳ công và mạo hiểm. Một phụ nữ trẻ được giao nhiệm vụ tiếp cận để ám sát Giám đốc Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ Phạm Đình Biều. Chuyên án này đòi hỏi điệp viên phải có bản lĩnh và tài năng thực sự mới nắm chắc phần thành công. Chuyên án được bắt đầu bằng việc vận động khôn khéo và mua chuộc tay trong để điệp viên ta lọt vào cơ quan của địch với mục đích hoạt động công khai, công việc bước đầu thành công như kế hoạch đã định.

Văn phòng Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ vào một buổi sáng đầu tuần, bỗng xuất hiện một cô gái trẻ, với vẻ đẹp bình dị, đôi mắt nâu hợp với khuôn mặt trái xoan, mái tóc chải bồng phía trước và búi tó gọn gàng sau gáy, dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, nhân hậu. Với cách ăn mặc giản dị, đoan trang, cô gái tinh thông tiếng Pháp và công việc văn phòng đã ngay lập tức gây được cảm tình của ông Biều và những người cộng sự. Cô xúc động trước lời khen động viên dành cho cô khi ông mượn ý câu nói của J. Barbey Daurevily: “Ðẹp và được yêu ấy mới chỉ là phụ nữ. Xấu mà biết cách làm cho mình được yêu ấy là công chúa, mà cô thì xuất hiện đã là một công chúa xinh đẹp rồi!”.

Suốt mấy tháng làm việc tại văn phòng Nha Giao thông Công chánh Bắc kỳ, người nữ điệp viên trẻ đẹp vẫn chưa có cơ hội thực thi bản án. Thời gian kéo dài hơn dự kiến nên “tổ chức” nhiều lần thúc giục, nhưng đều nhận được câu trả lời của cô là: “chưa có cơ hội, xin được lùi thời gian”…

Ông Phạm Đình Biều là một công chức mẫn cán trong công việc, ông luôn gần gũi, thân thiện và nhân hậu với hết thảy mọi người xung quanh, bất kể họ là người lao công hay người giúp việc có địa vị thấp kém. Chính vì lối sống chân thật, đầy tình thương yêu nơi ông đã lay động tình cảm người phụ nữ xinh đẹp, và không biết từ lúc nào cô đã âm thầm dành cho ông thật nhiều cảm mến chân thành. “Nhân sinh như mộng, yêu từ từ, mà hận cũng từ từ nhạt phai”. Người phụ nữ dũng cảm với thân phận một điệp viên bỗng được trực giác của con tim mách bảo: Hồng nhan tri kỷ của kiếp này, là anh em của kiếp trước, tới sẻ chia tâm sự yêu thương, chứ không phải đến để triệt hạ nhau. Nhân quả có thể đến muộn nhưng nhất định là có. Gieo mầm thiện ắt gặt được quả thiện. Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ! Tấm lòng bao dung nhân hậu của ông Biều đã cảm hóa được người nữ điệp viên xinh đẹp, mà chính ông cũng không kìm được tình cảm đã mang lòng si mê đắm đuối nàng. Tất cả không còn là bí mật trước tình yêu chân thành. Nên cô đã thú nhận hết, không hề giấu diếm việc mình đang thi hành mệnh lệnh ám sát ông. Rùng mình, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông được nghe cô thuật lại tường tận nhiệm vụ được giao, theo một kế hoạch chi tiết đã được sắp đặt hoàn hảo. Đến phút cuối cùng, người phụ nữ lương thiện bỗng thức tỉnh và được cảm hóa.

Từ đó là chuỗi ngày hạnh phúc, ân ái mặn nồng. Người con gái xinh đẹp đã chấp nhận mối tình thầm kín, vụng về với ông Biều. Khi cô mang thai thì Hà Nội chuẩn bị đón đoàn quân về tiếp quản thủ đô. Ngày ấy, mặc dù ông Biều có đủ điều kiện được nhà nước bảo hộ cho gia đình đi định cư tại Pháp nhưng ông đã từ bỏ và cùng nhiều trí thức yêu nước đã từng tham gia trong bộ máy của chính quyền cũ quyết tâm ở lại, náo nức mong chờ được cống hiến, phụng sự cho tổ quốc. Vì vậy mà chuyên án ám sát ông Biều được xem là kết thúc - Lần thứ tư ông thoát chết!

Phật khuyên rằng: “Duyên đến nên quý, hết duyên nên buông”, vì vậy mối tình của ông Biều và cô điệp viên xinh đẹp cũng chia phôi. Người con gái dũng cảm ngày ấy đã rũ bỏ cuộc tình đầy mơ mộng để tìm cho mình một cuộc sống mới, tuy đau xót nhưng bình yên, thầm lặng cho đến cuối đời... Viết đến đây tôi chợt nhớ đến hình ảnh điệp viên hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa đã từ bỏ sự nghiệp, để rồi ôm con trai hai tuổi, đáp máy bay sang Pháp định cư, tìm một lối rẽ khác cho cuộc đời của một trí thức - Việt kiều yêu nước. Ôi! sao số phận của những điệp viên xinh đẹp lại có những mối tình trớ trêu, đắng đót đến vậy… Nghe nói cô sinh hạ cho ông một mụn con gái là kết quả của cuộc tình ngắn ngủi nhưng đẹp như chuyện cổ tích. Là người kín đáo và kiệm nhời, nên ngoài ông Biều và cô điệp viên xinh đẹp ra, chỉ có ông Trời mới thấu hiểu cuộc tình éo le, thầm kín của họ.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Chân - Thiện - Nhẫn là chân lý vĩnh hằng của vũ trụ. Người ta thường nói gieo nhân nào gặt quả nấy. Không biết có ai hồ nghi về ý nghĩa của câu nói “Ở hiền gặp lành” nữa chăng!

Bài viết có sử dụng tư liệu của hai tác giả Phạm Việt Hưng và KTS Luân Thân, xin được cảm ơn hai ông!

Theo Thời báo Văn học nghệ thuật số 31/2021