(Review) Kẻ ẩn danh: Kiều Minh Tuấn trở lại bùng nổ, cân cả hành động lẫn cảm xúc, điểm trừ cho kịch bản

Kẻ Ẩn Danh mang đến trải nghiệm hành động chỉn chu hơn với nhiều cung bậc cảm xúc. Diễn xuất linh hoạt của diễn viên là điểm sáng, đặc biệt là nhân vật của Kiều Minh Tuấn. Song, nội dung phim còn chưa thuyết phục.

Mới đây, làng phim Việt đã chào đón thêm một tựa phim hành động mang tên Kẻ Ẩn Danh (tên tiếng Anh: Bad Blood). Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của nhân vật ông Lâm (Kiều Minh Tuấn) sau khi quy ẩn giang hồ hơn 20 năm. Đang xây dựng cuộc sống ổn định cùng vợ là Hạnh (Vân Trang) và con gái Hiền (Mai Cát Vi) thì đột nhiên sóng gió ập đến. Hiền đi tìm việc và rơi vào bẫy của bọn buôn người khiến ông Lâm buộc lòng tái xuất, xông vào hang ổ tội phạm để cứu con.

KAD1
Ông Lâm đang nỗ lực xây dựng mái ấm nhỏ cùng Hạnh và nuôi dạy Hiền

Yếu tố hành động chiếm trọn cảm tình

So với nhiều đàn anh đi trước, Kẻ Ẩn Danh đã có bước tiến xa và chắc hơn trong mảng hành động. Các chiêu thức và cách ra đòn của dàn diễn viên được trang bị kĩ thuật tốt, có lực và tự nhiên. Song song đó, các góc máy được đặt để tinh tế, không chỉ theo sát mà còn bắt trọn nhiều góc độ khi nhân vật giao đấu, đặc biệt là những cảnh đối kháng. Việc ghép nối các đòn đánh, chém nhau liên tục mà vẫn giữ được sự mạch lạc, không để cảnh phim bị rối là một điểm cộng.

KAD2
Kiều Minh Tuấn đánh đấm liên tục dưới mưa

Sự tiến bộ lần này đã phần nào đưa Kẻ Ẩn Danh vào danh sách những phim Việt hiếm hoi sở hữu độ chỉn chu, tỉ mỉ cho các cảnh phim hành động. Ngoài ra, phim gắn mác 18+ nên độ máu me và tàn nhẫn cũng được nâng cao. Sát thủ trong phim sử dụng đa dạng các vũ khí từ phi tiêu, dao găm, mã tấu,... và cách nhấn nhá khi ra đòn đối kháng cũng tạo cho khán giả sự hồi hộp.

Ý tưởng để nhân vật đánh qua từng ải mang hơi hướng cổ điển kết hợp với các hình tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam trong trận giao đấu ở bảo tàng nghệ thuật khá ấn tượng. Song, phim chưa thể điều tiết tốt cảm xúc này, pha trộn những phân đoạn hài hước chưa phù hợp khiến "điểm mới" ngay lập từ bị phai mờ, không để lại ấn tượng cho khán giả.

KAD3
Phân đoạn đánh nhau ở bảo tàng còn nhiều tiếc nuối

Dàn diễn viên chất lượng, tung hứng tốt

Trong lần trở lại này, Kiều Minh Tuấn mang đến một ông Lâm từng trải, dày dặn kinh nghiệm và "đầm" hơn nhiều so với những vai diễn gần đây của anh. Trong hình tượng ông Lâm, anh phải đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật hành động, đánh đấm nhưng vẫn lột tả tốt diễn biến tâm lý nhân vật. Từ một sát thủ chuyên "đâm thuê, chém mướn" lui về ở ẩn và đi qua biết bao biến cố. Không chỉ một mà nhiều lần đối diện với nỗi đau mất người thân khiến ông Lâm nhiều lần chối bỏ quá khứ.

KAD4
Lâm ẩn mình khỏi cảnh đâm chém, chuyển sang làm thợ "đụng" và siêu sợ vợ

Bên cạnh đó, các nhân vật còn lại do Vân Trang, Quốc Trường, Mạc Văn Khoa,... đảm nhiệm cũng phối hợp với nam chính nhịp nhàng. Chị vợ Vân Trang có phản ứng hóa học tốt, là một trong những chất xúc tác quan trọng kéo lại phần cảm xúc cho một sát thủ vô tình như Lâm. Tiếp đến, Mạc Văn Khoa được đẩy vào nhằm cân bằng lại mức độ "đen tối" của phim. Kẻ Ẩn Danh sẽ không quá nhúng sâu vào những mảng sậm màu mà đâu đó vẫn có sự hài hước nhẹ, vừa phải. Sau cùng, phía phản diện do Quốc Trường thể hiện vừa phải, dù xuất hiện ít những vẫn truyền tải trọn vẹn những điểm cần có.

KAD5
Dàn diễn viên có năng lực ổn định

Kịch bản đơn giản, chưa thể đột phá

Suy cho cùng, yếu điểm lớn nhất của Kẻ Ẩn Danh nằm ở khâu xây dựng kịch bản và tính logic của phim. Đầu tiên, thời lượng 93 phút khiến mạch phim trôi nhanh, gãy gọn nhưng lại chưa có điểm nhấn cụ thể trong suốt câu chuyện. Các tình tiết xảy đến liên tục với mạch phim đều, có cao trào rơi vào giai đoạn cuối nhưng chưa thể cứu cả bộ phim.

Tiếp đến, câu chuyện đi tìm và cứu con của ông Lâm mang nhiều nét tương đồng với Hai Phượng hay Taken. Các mắt xích xâu chuỗi quá khứ đến thực tại cấu thành nên tính cách nhân vật này cũng chưa được làm rõ. Mọi chuyện lướt qua khá nhanh so với kì vọng của khán giả. 

KAD6
Một vài tình tiết còn khá "gượng" trong kịch bản

Sau cùng, âm nhạc trong phim chưa được đầu tư nhiều. Phần âm thanh trong các cảnh phim hành động cũng còn khá thô, chưa thực sự mượt để đồng bộ chất lượng với hình ảnh.

Nhìn chung, Kẻ Ẩn Danh tuy chứa đựng nội dung quen thuộc, còn một số điểm phi logic khiến trải nghiệm xem phim bị lấp lửng. Bù lại, các yếu tố khác như võ thuật, diễn  có sự tiến bộ và vượt trội hơn, khỏa lấp mong đợi của người xem về một tựa phim hành động Việt Nam. Cách diễn xuất linh hoạt và có hồn đã bổ trợ cảm xúc cho phim. Đặc biệt, yếu tố hành động được chăm chút tốt, đủ để khiến thị trường điện ảnh trong nước tự hào với bạn bè về chất lượng làm phim hiện nay.

Thanh Trúc