Kiên Giang: Những chiến sĩ bận rộn nhất 'mùa' cấm trại

Ngoài việc thực hiện nghiêm mệnh lệnh cấm trại để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh còn tập chung chăm lo nơi ăn, ở, lo mọi sinh hoạt cho tất cả cán bộ, chiến sĩ khối cơ quan.

Đã hơn 60 ngày trôi qua, kể từ khi cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhận lệnh cấm trại 100% quân số. Do chưa từng có tiền lệ, lại thực hiện lệnh cấm trại kéo dài, nên mọi việc phát sinh từ lớn, đến nhỏ cần khắc phục. Trong đó, có những việc nhỏ như: Hớt tóc, nấu ăn… nhưng đã trở thành những việc làm đáng trân trọng.

Chiến sĩ bất đắc dĩ trở thành anh thợ Hớt tóc “làm đẹp” cho anh em

Mọi thứ có thể thiếu hoặc thừa, nhưng việc mũ, tóc đối với một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là phải chuẩn mực. Cho dù có cấm trại, không một ai được tiếp xúc với bên ngoài, nhưng mọi quân nhân đều phải hành động theo điều lệnh. Trong lúc không được vào tiệm hớt tóc chuyên nghiệp, nhưng nhu cầu “làm đẹp” của anh em trong toàn đơn vị càng nhiều. 

Hiểu được điều này, Đại úy Trần Như Ý - Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị - Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã đặt qua mạng online mua một bộ dao, kéo, tông đơ để phục vụ việc cắt tóc “làm đẹp” cho anh em toàn đơn vị.

bo-doi-bien-phong-kg-1627704186.jpg
Đại úy Trần Như Ý, trợ lý công tác quần chúng cắt tóc cho anh em tại đơn vị. Ảnh: Tiến Vinh.

Đại úy Trần Như Ý cho biết, bản thân rất yêu thích cái công việc cắt tóc từ thuở bé, đến khi là sinh viên ở Học viện Biên phòng, tôi đã tập tành cắt cho đồng đội cùng khóa. Thấy tôi cắt tóc cũng được được, nên anh em cũng ít còn ra tiệm, vừa mất tiền, mà không được đòi hỏi nhiều. Thế là tan học anh em lại kéo ghế ra góc sân trường nhờ tôi cắt tóc hộ. Có nhiều cái thuận lợi không mất tiền, nhưng lại được tha hồ chê khen, yêu cầu tôi hớt kiểu này, kiểu nọ. Hồi nào tới giờ làm thợ bất đắc dĩ, nên không có lấy công. Nhưng đổi lại được thỏa đam mê, được anh em, đồng đội quý mến là tôi thấy rất vui.

Lệnh cấm trại kéo dài vì dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, nên hiện tại nhu cầu hớt tóc của anh em trong đơn vị tăng cao. Chiều nào cũng vậy, bắt đầu từ 17 giờ, tại góc sân đơn vị có khá đông cán bộ, chiến sĩ quây quần nhờ Đại úy Trần Như Ý cắt tóc, cạo râu. Nhìn hình ảnh đồng chí, đồng đội quây quần, không phân biệt quân hàm, tuổi tác, mà mọi người đến đây là muốn được nhờ đồng chí Ý làm đẹp dùm, làm cho tình anh em, tình đồng chí, đồng đội càng thêm khắng khít.

Câu chuyện của “Anh nuôi” Tiểu đội nấu ăn 

Câu chuyện “Làm dâu trăm họ” mà tập thể cán bộ, chiến sĩ ở Tiểu đội nấu ăn, thuộc bếp ăn cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang lại dài thêm kể từ khi thực hiện lệnh cấm trại toàn đơn vị. 

Đột ngột quân số ăn tại bếp tăng gấp nhiều lần, nhưng theo quy định không tăng quân số biên chế Tiểu đội nấu ăn. Từ đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại bếp cũng đột ngột tăng thời gian làm việc lên gấp nhiều lần. Thức khuya, dậy sớm, ngủ nghỉ sau mọi người là chuyện thường ngày của quản lý, anh nuôi, tiếp phẩm. Nhưng đổi lại là các “anh nuôi” đã được lo cho đồng chí mình những bữa cơm chín, canh ngọt, thịt cá vừa miệng, đầy dinh dưỡng…

3bo-doi-bien-phong-kg-1627704369.JPG
Các “Anh nuôi” chuẩn bị gia vị cho bữa cơm trưa của đơn vị. Ảnh Tiến Vinh.

Binh nhất Huỳnh Nhật Trường, Tiểu đội nấu ăn cơ quan chia sẻ, nấu ăn quân số đông, nên phải chia cơm, thức ăn sớm mới kịp bữa. Nhiều khi đến lúc các cán bộ, chiến sĩ chơi thể thao ăn sau, thức ăn hơi nguội. Biết anh em ăn mất ngon, nhưng chúng em cũng không biết phải làm sao. Còn việc chê khen là chuyện thường ngày. Nghề tụi em là “làm dâu trăm họ” mà, cũng có đôi lúc thấy buồn. Nhưng nghĩ lại anh em có thương mới phê bình để mình làm tốt hơn, nên chúng em cần tiếp thu và cố gắng làm cho tốt hơn nữa trong các bữa ăn tới.

4-bo-doi-bien-phong-kg-1627704418.JPG
Bộ phận nuôi quân chế biến thức ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại bếp ăn cơ quan Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh. Ảnh: Tiến Vinh.

Ngoài việc bận rộn lo ngày 3 bữa cơm cho tập thể đơn vị, nhưng anh em trong Tiểu đội nấu ăn còn tranh thủ tăng gia tại đơn vị. Do ít có thời gian, nên vườn trồng của các cán bộ, chiến sĩ ấy chủ yếu là những cây gia vị như ớt, sả, hành, gừng, nghệ, lá lốt… Theo các đồng chí thì đây là các cây gia vị cần cho mỗi bữa ăn và anh em có thể tự hái trước mỗi bữa cơm. 

2-bo-doi-bien-phong-kg-1627704281.JPG
Tận dụng những chậu kiểng không để trồng rau tăng gia cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Ảnh: Tiến Vinh.

Dịch COVID-19 chưa biết đến khi nào mới qua để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, mệnh lệnh cấm trại của cấp trên vẫn còn đang thực hiện. Đồng nghĩa với câu chuyện cắt tóc, nuôi quân vẫn tiếp tục. Vất vả là vậy, nhưng các anh vẫn thầm lặng với công việc mà mình yêu thích, đó chính là niềm vui của riêng họ.