Lời nói hàng ngày của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ và cách hành xử của con cái. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và cũng là người đồng hành lâu dài nhất trong hành trình trưởng thành của con. Từ tiếng khóc chào đời cho đến khi con trở thành người lớn, mỗi lời nói, hành động của cha mẹ đều để lại dấu ấn trong quá trình hình thành nhân cách và tư duy của con trẻ.
Không khó để nhận ra những điểm tương đồng giữa cha mẹ và con cái – bởi suốt một thời gian dài sống cùng nhau, sự ảnh hưởng qua lại diễn ra một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ.
Vì vậy, khi bước vào tuổi xế chiều, cha mẹ càng cần thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói. Có ba điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nếu tránh được khi trò chuyện với con cái, sẽ giúp giữ gìn mối quan hệ gia đình êm ấm và bền vững hơn.
Thứ nhất: Tránh thiên vị và so sánh giữa các con
Điều khiến con cái luôn trăn trở không phải là được cha mẹ cho bao nhiêu tiền hay giúp đỡ thế nào, mà là cảm giác có được yêu thương công bằng hay không. Dù bên ngoài có thể tỏ ra dửng dưng, nhưng sâu trong lòng, con cái luôn rất nhạy cảm với sự thiên vị. Những lời so sánh vô tình như “con A giỏi hơn”, “con B hiếu thảo hơn”... có thể để lại vết thương âm ỉ, khó lành.
Càng về già, cha mẹ càng nên cẩn trọng trong lời nói và hành động, tuyệt đối tránh tỏ ra ưu ái hay thiên vị một người con nào. Bởi chỉ một chút lệch lạc trong cách cư xử cũng có thể gây ra rạn nứt trong tình cảm anh chị em, tạo nên những mâu thuẫn ngấm ngầm, kéo dài nhiều năm sau đó.
Là người đi trước, cha mẹ cần giữ sự công bằng để làm gốc giữ hòa khí gia đình. Nếu không thể nói điều khiến mọi người vui, thì hãy chọn cách im lặng thay vì vô tình gây tổn thương bằng sự thiên lệch của mình.

Thứ hai: Đừng than phiền về bạn đời trước mặt con cái
Trải qua cả một đời vợ chồng, những va chạm, bất mãn là điều khó tránh. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi già, càng nên học cách buông bỏ và giữ lại cho mình sự bao dung, thay vì thường xuyên than phiền về người bạn đời với con cái.
Những lời chỉ trích hay phàn nàn về “nửa kia” không giúp giải tỏa mà đôi khi còn khiến con cái cảm thấy nặng nề, khó xử. Họ có thể mang trong lòng sự hoang mang, nghi ngờ về giá trị hôn nhân, hoặc rơi vào thế khó xử khi phải nghiêng về một phía.
Thay vì để con cái vô tình trở thành người nghe những chuyện riêng tư không mấy dễ chịu, cha mẹ nên chọn cách giữ cho mối quan hệ vợ chồng sự kín đáo, tôn trọng nhất định. Học cách thấu hiểu và bao dung lẫn nhau ở tuổi xế chiều không chỉ giúp gia đình êm ấm mà còn làm gương cho thế hệ sau.

Thứ ba: Đừng gieo rắc oán trách với thế hệ trước
Nhiều người lớn tuổi thường mang trong lòng những nỗi oán giận chưa nguôi với cha mẹ mình. Họ trách móc rằng mình sinh ra không đúng thời, không được sống trong điều kiện đủ đầy, rằng cha mẹ không quan tâm, không hy sinh đủ... Những lời than phiền ấy, tưởng chỉ để trút bớt nỗi lòng, nhưng lại vô tình gieo vào con cái một thông điệp sai lệch và tiêu cực.
Khi cha mẹ thường xuyên nói xấu ông bà, chỉ trích người đã sinh thành ra mình, con cái sẽ học cách nhìn thế giới qua lăng kính đầy trách móc. Chúng dễ hình thành tâm lý đổ lỗi, thiếu lòng biết ơn, và thậm chí quay lại oán trách chính cha mẹ khi cuộc sống không như ý.
Thay vì truyền cho con sự cảm thông, tử tế và bao dung, những lời chỉ trích thế hệ trước lại gieo mầm bất mãn và lạnh lẽo. Trẻ sẽ học cách sống với tư duy: "Mọi lỗi lầm đều từ cha mẹ mà ra", chứ không học được cách chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Là cha mẹ, nếu mong con cái hiểu chuyện và biết yêu thương, chính mình cần làm gương. Tôn trọng và tha thứ cho thế hệ trước không chỉ là hành động nhân văn, mà còn là cách nuôi dưỡng một thế hệ mới biết trân trọng gốc rễ, sống có tình và biết ơn.