Khi sáp nhập tỉnh, thành: Người dân có cần làm lại giấy tờ nhà đất không?

Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình xây dựng đề án sáp nhập các tỉnh, thành phố. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là nếu sáp nhập, có cần phải thay đổi các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất hay không?

Người dân có cần phải làm lại giấy tờ nhà đất khi hoàn tất việc sáp nhập tỉnh, thành hay không?

Việt Nam hiện đang triển khai đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính thuộc cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sẽ tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Mục tiêu của đề án này là tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi họp vào ngày 11/3 vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất về dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi tiến hành sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính thuộc cấp tỉnh.

huong_dan_thu_tuc_chuyen_nhuong_quyen_su_dung_dat_nam_0304091040

Bên cạnh đó, giảm khoảng 60 đến 70% cấp xã, từ hơn 10.000 đơn vị cấp xã như hiện nay xuống khoảng 2.500 đơn vị sao cho phù hợp với xu thế, yêu cầu tinh gọn bộ máy và giảm đầu mối, quản lý địa phương.

Quá trình sáp nhập các tỉnh, thành phố đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi nếu sáp nhập, liệu có cần thay đổi các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất hay không?

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực từ thời điểm ngày 19/2/2025.

Cụ thể theo điều 10 thuộc Nghị quyết có nêu các vấn đề về văn bản, giấy tờ đã được các cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp. Theo đó: "Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền."

Như vậy, các cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành sẽ không được yêu cầu tổ chức, cá nhân đi làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cấp trước thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này vẫn chưa hết thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này. Cụ thể như sau: Ở khoản 2 thuộc Điều 133 của luật về Đăng ký biến động có nêu rõ: Đăng ký biến động sẽ được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được gắn liền với đất mà có thay đổi ranh giới, mốc giới, các kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất.

giay-to-de-duoc-cap-so-do_2609232016

Bên cạnh đó, Điều 13 thuộc Thông tư 10/2024/TT-BTNMT cũng có quy định thông tin về việc biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Cụ thể, trường hợp mà thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ thể hiện: "Đổi tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của đơn vị hành chính)".

Như vậy, sổ đỏ đã được cấp trước thời điểm thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính mà vẫn còn giá trị sử dụng thì việc đăng ký biến động hoặc thay đổi các thông tin chỉ thực hiện khi người dân có nhu cầu.