Nở rộ dòng phim hành động
Thật chẳng khó khăn gì để tìm thấy những bộ phim Việt, từ điện ảnh đến truyền hình có cảnh hành động. Từ phim tâm lý tình cảm xen kẽ hành động như Lấy chồng người ta, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3, cho đến nhiều bộ phim thuần túy hành động như Hai Phượng, Hương Ga, Bụi đời Chợ Lớn, Thập Tam Muội,...
Lật mặt 48h của Lý Hải là ví dụ mới nhất khi những cảnh rượt đuổi, đấm đá, thanh toán... chiếm phần lớn tình tiết và diễn biến của phim.
Trong trailer của phim Chìa khóa trăm tỷ sẽ trình làng tới đây, cảnh hành động võ thuật đã đâm ngay vào cảm nhận của người xem.
Yếu tố hành động đang ngày càng nở rộ, như một làn gió mới. Từ chỗ chỉ điểm xuyết, đan cài ở một số phân đoạn nhất định, chưa đầu tư nhiều cho chất lượng, những cảnh hành động đã xuất hiện nhiều hơn trên phim Việt.
Giới trẻ ưa cảm giác mạnh, họ lại là khán giả chính của điện ảnh. Các nhà sản xuất dòng phim giải trí không thể bỏ qua yếu tố ăn khách này. Nở rộng dòng phim hành động cũng là điều dễ hiểu.
Hành động mãn nhãn thôi đã đủ?
Thừa nhận rằng yếu tố hành động mang đến một sức sống mới cho màn ảnh Việt. Những cảnh quay được đầu tư từ võ thuật tới hiệu ứng, kỹ xảo tăng kịch tính cho phim. Dù đầu tư không khác gì phim Mỹ nhưng cảnh hành động trong phim Việt vẫn bị cho là cơn gió thoảng, “gãi ngứa” cảm xúc.
Trong phim Mỹ, yếu tố hành động có rất nhiều biểu hiện. Đó có thể là những cảnh đấm đá mãn nhãn được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại, những pha hành động bất ngờ, kịch tính, kết hợp với âm thanh, kỹ xảo được đầu tư lớn. Nhưng đằng sau đó còn là sự đấu trí, toan tính cân não, những sắp đặt lạnh lùng, những nước đi không ngờ tới, để rồi dẫn dụ người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nói cách khác, nó lấp lánh trí tuệ ngay từ khâu kịch bản, được nâng tầm bởi diễn xuất của các ngôi sao, được hỗ trợ bằng kỹ xảo hiện đại, và cuối cùng nó làm ta thỏa mãn.
Nhưng ở phim Việt Nam, khán giả mới chỉ nhìn thấy những cảnh đấm đá thuần túy. Dù gần đây đã được đầu tư, trau chuốt hơn, nhưng nó vẫn cho người xem cảm giác thiếu một cái gì đó. Để đọng lại và khắc sâu trong cảm xúc, cần dành cho nó sự đầu tư nhiều hơn về chất xám và sự thông minh.
Rõ ràng, phim hành động Việt cần kén tình tiết giàu giá trị hơn nữa
Đừng nhầm lẫn giữa hành động với bạo lực
Có một ranh giới cần phân định giữa phim hành động với phim bạo lực. Trong sự phát triển thể loại hành động, sự nhầm lẫn giữa yếu tố hành động với bạo lực là tai hại vô cùng
Bụi đời chợ lớn là phim nhận nhiều đánh giá khá nặng nề vì đậm chất bạo lực, có quá nhiều giang hồ và có thể gây sốc cho khán giả. Có thể thảo mãn vì bức tranh giang hồ được dựng nên, nhưng khán dường như chưa nhìn ra một lối thoát tích cực mà chỉ thấy một góc xã hội đầy những vụ thanh toán, tranh giành địa bàn của những kẻ sống ngoài pháp luật.
Bạo lực tình dục cũng là một yếu tố nhạy cảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho bộ phim Bẫy cấp 3 không thể ra rạp.
Trong Lấy chồng người ta, những cảnh bạo lực trong gia đình đã bị cắt xén khá nhiều, tuy nhiên, phim vẫn đầy tính nặng nề với những đánh đấm về thể xác, những hành hạ về mặt tinh thần. Dù phần lớn các phim đều đã bị cắt khá nhiều cảnh bạo lực “nặng” khi ra rạp, nhưng rõ ràng, khán giả vẫn không nào quên được những phân đoạn rượt đuổi, máu me. Và rõ ràng, những bộ phim này không dễ xem với mọi đối tượng khán giả.
Đọng lại gì sau những thước phim hành động?
Nếu chỉ xem hành động thuần túy, có thể mở Netfilx và thưởng thức các bom tấn Holywood. Nhưng khán giả Việt ra rạp chủ yếu vì tò mò và muốn biết người Việt sản xuất phim hành động như thế nào.
Và dù thưởng thức ở góc độ nào, vấn đề không phải hành động nhiều hay ít mà ở chỗ những hành động giết chóc, đánh đấm ấy được trình diễn cho mục đích nào. Sau tất cả những pha đánh đấm ấy, có thông điệp nào giá trị không?
Có quá nhiều cơ hội cho các anh hùng ra tay vì giá trị sống, giá trị nhân văn của xã hội đang bị xâm hại hằng ngày. Và nếu không tinh tế, mọi trò giết chóc, đánh đấm thay vì đề cao cái đẹp, lại tô đậm cái xấu.
Những cảnh bạo lực nếu xuất phát từ hành động tự vệ, hay bảo vệ chính nghĩa của các nhân vật anh hùng trong phim thì nó sẽ có động thái tác động tâm lý tích cực.
Điện ảnh nói chung và phim ảnh nói riêng rất chào đón những nghệ sĩ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân với những pha hành động kịch tính. Song song với câu chuyện trước mắt: có đủ gay cấn, kịch tính, mãn nhãn hay không phải là câu chuyện lâu dài: nó có ý nghĩa gì, tác động ra sao, sức lan tỏa như thế nào.