Sóc Trăng sở hữu văn hoá bản địa độc đáo
Có đến 31,5% trên tổng 1,4 triệu người Khmer sinh sống tại Sóc Trăng, biến nơi đây trở thành địa phương có nhiều người dân tộc Khmer sinh sống nhất, đồng thời cũng mang đến cho mảnh đất này nét văn hoá không thể lẫn vào đâu được.
Nhắc đến đồng bào người Khmer không thể không nhắc đến nghệ thuật hát Rô Băm đã vinh dự được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vào tháng 10 Âm lịch, nhất là thời điểm rằm, Sóc Trăng lại càng đông khách du lịch thập phương nhờ hai lễ hội lớn là Ok Om Bok và đua ghe ngo.
![]() |
Điệu múa Rô Băm luôn xuất hiện trong các lễ hội của người Khmer |
Đúng với thời điểm diễn ra, Ok Om Bok được xem là lễ hội cúng trăng của người dân vì với đồng bào Khmer, mặt trăng được xem là vị thần điều tiết mùa màng, giúp họ ấm no trong suốt năm sau. Lễ hội được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 10 Âm lịch hàng năm, được xem là lễ hội tưng bừng và được chờ đợi nhất trong năm của người Khmer ở Nam Bộ, trong đó đặc biệt nhất ở Sóc Trăng và Trà Vinh.
![]() |
Các tăng lữ thả đèn cầu nguyện tại lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng |
Tục đua ghe ngo sẽ được tổ chức tiếp theo sau đó. Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước về với biển cả sau mùa gieo trồng, cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ thần rắn Naga xưa biến thành khúc gỗ để đưa Đức Phật qua sông.
Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa như thả đèn nước, cờ ốc, bi sắt, múa Rom Vong. Những lễ hội này thu hút khách du lịch muốn khám phá những đặc trưng của địa phương.
![]() |
Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng |
Bên cạnh đó, du lịch tâm linh cũng rất được ưa chuộng tại đây dựa vào văn hoá tín ngưỡng tôn giáo. Chùa Bốn Mặt và chùa Dơi được xây dựng lâu đời không chỉ là điểm đến hành hương của Phật tử mà còn là điểm tham quan không thể thiếu khi đến với Sóc Trăng.
Những điểm đến không thể bỏ qua ở Sóc Trăng
Bên cạnh chùa Bốn Mặt và chùa Dơi, Sóc Trăng cũng có không ít điểm đến đặc sắc. Cụ thể, như chùa Som Rong sở hữu tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với gương mặt phúc hậu, kích thước dài 63m, cao 22,5m và đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất. Đây là ngôi chùa mang nhiều nét của Phật Giáo Nam Tông. Kiến trúc đặc trưng với mái chùa sơn xám thay vì màu vàng truyền thống cũng giúp cho ngôi chùa trở nên độc đáo.
![]() |
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn tại chùa Som Rong Sóc Trăng |
Nếu Cần Thơ nổi tiếng với chợ nổi Cái Răng thì Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm là nơi giao thương của các thuyền bè, thương lái, nơi thể hiện rõ nhất “hơi thở” cuộc sống sông nước nơi đây. Ngày thường, chợ họp buổi sáng. Nếu đến đây vào dịp Tết, đặc biệt sau ngày 23 tháng Chạp, chợ nổi Ngã Năm hầu như không nghỉ. Du khách sẽ dễ dàng thấy những ghe hoa quả đủ màu sắc, tấp nập sáng tối.
Nếu yêu thích thiên nhiên, vườn cò Tân Long, Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước hay biển Hồ Bể... là những điểm đến lý tưởng cho du khách. Vườn cò Tân Long là điểm du lịch sinh thái được người dân địa phương quản lý. Đây là nơi trú ngụ của hàng chục ngàn cá thể cò. Chúng làm tổ, sinh sản, di trú, tạo nên hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu cảnh quan xanh mướt một màu, sự bình yên, tĩnh lặng rất đáng để ghé đến trong hành trình du lịch Sóc Trăng.
![]() |
Chợ nổi Ngã Năm vào một sáng bình minh |
Cồn Mỹ Phước có tổng diện tích hơn 1.000 ha trong đó khoảng 300 ha trồng các loại cây ăn trái nhiệt đới như chôm chôm, nhãn, sầu riêng, xoài… Ngoài ra, nơi đây đang phát triển mô hình trang trại nuôi ong lấy mật. Hầu hết du khách nước ngoài rất yêu chuộng điểm đến này vì nơi đây cho thấy được cách thức chăm sóc cũng như trải nghiệm thu hoạch hoa quả.
Biển Hồ Bể là bãi biển tọa lạc ở hạ lưu sông Hậu. Không giống những bãi biển tự nhiên khác, nơi đây được hình thành từ bãi bồi và quá trình xâm lấn của nước biển, làm nên một vùng hồ trũng rộng. Bãi biển này có một bờ cát trắng trải dài. Đây là địa điểm đón bình minh và cắm trại ưa thích của khách du lịch và cả người dân địa phương. Nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ và tự nhiên, mang lại sự yên bình, tự do cho du khách.
![]() |
Biển Hồ Bể Sóc Trăng khi chiều xuống |
Ẩm thực phong phú tại Sóc Trăng
Người dân Khmer sinh sống tại vùng đất này cũng mang đến đây sự phong phú trong văn hoá ẩm thực. Bên cạnh những món ăn quen thuộc như bánh cống, bún nước lèo, bánh khọt… cũng không ít những món ăn nghe lạ tai, chỉ có thể tìm thấy được tại Sóc Trăng như mì sụa, bún gỏi dà, bánh mè láo…
Mì sụa và bánh mè láo đều là những món ăn gốc Hoa. Với mì sụa, sợi mì được làm từ đậu nành thay vì bột và trứng như thông thường. Sợi mì có màu vàng và được phân thành 2 loại: mặn và không mặn. Với 2 loại sợi mì này, món mì cũng được chế biến thành 2 cách khác nhau. Loại không mặn dùng để nấu chè, loại mặn làm các món xào. Món này ăn kèm với nước tương ớt hoặc mắm chanh ớt tùy theo khẩu vị.
![]() |
Mì sụa của Sóc Trăng nhìn sơ qua giống với mì trứng ta thường ăn |
Bánh mè láo được làm từ các nguyên liệu quen thuộc như bột nếp, khoai môn, mè và mạch nha. Bánh có vị thơm ngon, béo và xốp của nhân bánh cùng vỏ giòn bên ngoài, thơm mùi mè được phủ đầy vỏ bánh. Loại bánh này lý tưởng cho việc mua về làm quà.
![]() |
Bún gỏi dà Sóc Trăng đặc biệt với mắm ruốc và sốt nếp |
Nếu 2 món ăn trên mang nguồn gốc người Hoa di dân thì bún gỏi dà lại là món ăn rặc miền Tây. Cách giải thích cho món ăn này rất đơn giản. Thay vì là gỏi cuốn thì tất cả thành phần của món gỏi sẽ để chung lại với nhau trong tô, dùng kèm với nước lèo. Nhìn chung, món ăn này sẽ có phần giống bún mắm. Từ “dà” trong tên món ăn xuất phát bởi từ “và”, chỉ hành động lùa thức ăn vào miệng bằng đũa.