Sinh năm 1952 tại Hà Đông, Hà Nội, nghệ sĩ Trung Đức xuất thân trong một gia đình làm nông và không có ai theo con đường nghệ thuật. Trước khi đến với âm nhạc, ông từng làm công nhân ở Thái Nguyên và theo học ngành Văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, NSND Trung Đức đã lựa chọn gác lại giảng đường đại học để viết đơn tình nguyện ra trận. Dù thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự do là con trai duy nhất trong gia đình và từng có chị gái hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nhưng ông vẫn quyết tâm lên đường.
Giai đoạn đầu, ông gia nhập Binh đoàn 559 (tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn), Trung Đức được giao nhiệm vụ vận chuyển lương thực, muối, mì chính và các nhu yếu phẩm từ Nghệ An vào chiến trường Quảng Trị. Dù đi trên những cung đường rừng núi đầy bom đạn và điều kiện chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, trong cabin xe của ông luôn có một người bạn đặc biệt là cây đàn guitar.
Từ thời điểm đó, âm nhạc đã trở thành thứ gắn bó với ông như một phần không thể thiếu. Giữa rừng già Trường Sơn, những ca khúc như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây trở thành ngọn lửa tinh thần, kết nối tình đồng đội và gieo hy vọng giữa những tháng ngày sống còn.
Sau một thời gian chiến đấu, ông tiếp tục được huấn luyện đặc công và chuyển sang Sư đoàn 305 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Đặc công ngày nay). Trong một trận đánh tại sân bay Quảng Trị, trong số 12 chiến sĩ tham gia, chỉ một mình ông còn sống. Ký ức về những người đồng đội hy sinh vẫn luôn là điều khiến ông trân quý cuộc sống hiện tại và càng thêm trọn vẹn với từng nốt nhạc mình cất lên.
Sau khi giải ngũ, Trung Đức trở về quê, làm nhiều công việc để mưu sinh. Một lần tình cờ, ông tham gia cuộc thi hát và giành giải Nhất. Từ dấu mốc ấy, con đường âm nhạc mở ra. Ông được nhận vào Đoàn Ca múa nhạc Hà Tây, sau đó theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Từ năm 1981, NSND Trung Đức trở thành giọng ca chủ lực của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với những bản hùng ca bất hủ như Trên đỉnh Trường Sơn, Chào em cô gái Lam Hồng, Gửi em ở cuối sông Hồng… Với chất giọng nam cao, ấm, truyền cảm và đầy nội lực, ông nhanh chóng trở thành biểu tượng của dòng nhạc cách mạng.
Đặc biệt, sự kết hợp ăn ý giữa ông và NSND Thu Hiền đã tạo nên một trong những cặp song ca huyền thoại của âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1970 đến 1990. Cả hai không chỉ hòa quyện trên sân khấu mà còn có tình bạn đẹp ngoài đời, dù giờ đây mỗi người một phương trời.
Không chỉ là người thể hiện, NSND Trung Đức còn sáng tác những ca khúc giàu cảm xúc như Em đi chùa Hương, Chân quê, Nhớ về hội Lim, Gọi em...
Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp âm thầm nhưng đầy nội lực trong suốt sự nghiệp.
Dù đã bước qua tuổi 70, ông vẫn duy trì thói quen luyện thanh 30 phút mỗi ngày, tập thể thao đều đặn và vẫn nhận lời tham gia các chương trình phù hợp. Ông cũng nhận dạy thanh nhạc tại nhà, đặc biệt sẵn sàng dạy miễn phí cho những học trò trẻ có đam mê và nghiêm túc với nghề.
Phía sau ánh đèn sân khấu, NSND Trung Đức có một mái ấm hạnh phúc bên người vợ hiền là bà Phạm Phương. Suốt hơn 35 năm chung sống, bà luôn là hậu phương vững chắc và luôn đồng hành trong mọi thăng trầm cuộc sống của nam nghệ sĩ.
Hai vợ chồng hiện sống cùng con gái và các cháu tại Hà Nội. Khi không đi biểu diễn, ông dành thời gian chơi với cháu, trò chuyện với vợ, đọc sách và tận hưởng một cuộc sống nhẹ nhàng, đầy viên mãn. Ông từng chia sẻ chân thành:
“Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ngoài lương hưu, tôi vẫn có thể kiếm thêm cát-sê khi biểu diễn. Quan trọng nhất là tôi tự lập, sống vui và chưa bao giờ làm phiền đến con cháu.”
Quỳnh Trâm