Nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Tiền thân là trường Mỹ thuật Đông Dương, VTV6 - Một kênh truyền hình lớn của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã giới thiệu phim phục dựng cảnh họa sỹ Nam Sơn vẽ bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” (Tonkinoise à l’éventail) vào khoảng năm 1935 - 1936 của Đạo diễn Trần Quốc Trọng, nhằm giới thiệu hành trình 95 năm xây dựng, phát triển và trở thành trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực Mỹ thuật. Trên chặng đường vẻ vang này, tên tuổi của nhiều nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật… đã được ghi danh. Đặc biệt trong số đó, cố hoạ sư Nam Sơn.
THÂN THẾ SỰ NGHIỆP
Họa sư Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973), quê gốc ở Vĩnh Yên, nhưng được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình dòng dõi gia thế, là con trai duy nhất của nhà Nho Nguyễn Văn Khang (1871 - 1894) - Thư ký phủ Thống sứ Bắc kỳ. Khi Nguyễn Vạn Thọ lên 4 tuổi thì cha lâm trọng bệnh qua đời. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lân (1870 - 1951) là người phụ nữ ôn nhu, hiền thục, sống trong cảnh mẹ goá con côi, bà gánh vác hết công việc của người chồng quá cố, tần tảo nuôi con ăn học, trưởng thành. Bà được dân làng quý trọng, tiếng đồn tiết hạnh của bà được truyền tụng khắp làng trên xóm dưới gần xa, vang đến tận triều đình, được vua Bảo Đại ngự ban Kim khánh khắc 4 chữ “Tiết Hạnh Khả Phong” để biểu dương. Sau này Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ trở thành một tên tuổi lớn cũng nhờ “Phúc Đức tại Mẫu”.
Trong truyền thống đặt tên của người Việt, con trai thường tên đệm là "Văn", vì vậy có một số tài liệu ghi tên ông là Nguyễn Văn Thọ là không chính xác. Cách đặt tên đệm của dòng họ Nguyễn Yên Lãng (Vĩnh Yên) kể từ đời cụ Nguyễn Vạn Thọ, được đặt theo trình tự cố định là: Vạn, An, Thế, Đức, Long, Quang, Mỹ, Vũ, Dũng, Uy, Nghi, Bách, Triệu, Niên...14 đời nối tiếp, để khi xướng tên biết ngay người ấy ở đời nào, hàng trên, hay hàng dưới, không bị nhầm lẫn trật tự ngôi thứ; nên ông là Nguyễn Vạn Thọ, con trai ông phải là Nguyễn An Kiều… Ông được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Vạn Thọ với hy vọng một sự "Vạn an Thế đức", đến khi trưởng thành ông được thầy giáo là nhà Nho Phạm Như Bình tặng cho tên hiệu là Nam Sơn hàm ý một sự vững vàng và trường thọ (Thọ tỉ Nam Sơn). Từ đấy Nam Sơn trở thành tên thường dùng thay vì Nguyễn Vạn Thọ. Nam Sơn lập gia đình và có 8 người con, 2 trai, 6 gái. (Trong đó, ông An Kiều người cung cấp phần lớn tài liệu cho chúng tôi là con thứ 6 của họa sư Nam Sơn).
Nam Sơn có năng khiếu hội họa bẩm sinh và ham mê hội họa từ nhỏ. Ông được các nhà Nho nổi tiếng thời ấy là Phạm Như Bình và Nguyễn Sỹ Đức (một nhà Nho tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục) dạy chữ Nho và dạy vẽ. Nam Sơn sớm tiếp xúc với nền nghệ thuật hội họa cổ phương Đông: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… và được thầy dẫn đi thăm các đình, đền, chùa, miếu mạo… với sự giảng giải cặn kẽ về văn hoá và đạo lý, do đó ông sớm có lòng say mê nghệ thuật và văn hóa dân tộc. Năm lên 10 tuổi, Nam Sơn bắt đầu học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Hàng Vôi (Amiral Courbet, nay là trường Nguyễn Du - Hà Nội). Rồi tiếp tục học đến khi tốt nghiệp trung học tại trường Bưởi (trường Bảo hộ, lycée du Protectorat nay là Trường Chu Văn An Hà Nội),
Năm 18 tuổi, với tấm bằng Cử tú Pháp - Việt, Nam Sơn được nhận vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương (Direction des Finances) cùng thời với người bạn Hồ Trọng Hiếu (nhà thơ Tú Mỡ). Tuy là một công chức, nhưng tâm trí ông vẫn dành cho hội họa. Nên mặc dù việc ở nhiệm sở rất bận rộn, Nam Sơn vẫn tranh thủ ngoài giờ vẽ tranh minh họa cho các báo và sách giáo khoa. Nhiều người ở Hà Nội hồi đó đã biết đến tài vẽ của ông, các học giả như Trần Trọng Kim và Đỗ Thận khi cho in những công trình Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm và Đông Dương tạp chí do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đều tìm đến nhờ Nam Sơn vẽ minh họa. Đặc biệt, ông đã được Nha Học Chính mời chuyên trách việc trình bày các sách giáo khoa.
Vào khoảng những năm 1920 - 1921, Nam Sơn tham gia trang trí cho Hội quán Sinh viên An Nam (Foyer des Étudiants annamites), được thành lập bởi Paul Monet. Cảm tình với người họa sỹ trẻ Nam Sơn, Paul Monet đã nhờ Chủ tịch Danh dự của Hội quán là Louis Marty giới thiệu Nam Sơn với Victor Tardieu, một hoạ sĩ người Pháp, trường phái “Tân cổ điển” là trào lưu nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thị giác, lấy cảm hứng từ văn hóa và nghệ thuật cổ điển phương Tây. Về mặt nghệ thuật, trào lưu này được khuôn mẫu theo những tác phẩm của thế giới cổ điển và thống trị bắc Âu từ giữa thế kỷ 18 tới cuối thế kỷ 19. Tardieu hơn Nam Sơn 20 tuổi, đã từng 7 lần đoạt giải thưởng hội họa trong đó có Giải thưởng quốc gia Pháp, hiện đang làm việc tại Hà Nội, để giúp đỡ Nam Sơn trong hội họa, và Tardieu đã vui vẻ nhận lời. V.Tardieu dành riêng cho Nam Sơn một góc trong xưởng họa để chỉ dẫn phương pháp, học thuật vẽ tranh sơn dầu.
Những ngày đầu, Tardieu chỉ hướng dẫn Nam Sơn trong vòng một giờ vào mỗi chiều chủ nhật hằng tuần. Sau đó Tardieu phát hiện được năng khiếu hội họa của Nam Sơn, nên ông đã tận tình chỉ dẫn, giúp Nam Sơn làm quen với kỹ thuật và các chất liệu hội họa phương Tây, từ pha sơn, căng toan lên xat-xi (chassis), đến luật điều tiết ánh sáng, xa gần… Và sau đó, vào năm 1923, Nam Sơn đã là người đầu tiên ở Đông Dương vẽ những tác phẩm sơn dầu theo trường phái tân cổ điển, đó là các tác phẩm: Chân dung nhà nho Nguyễn Sỹ Đức, Tĩnh vật và Cô gái Việt Nam, được bày tại nhà Đấu Xảo, “sáng rực cả một bức tường”, như Nam Phong tạp chí và một số tờ báo đương thời ca ngợi…
Một sự kiện gây tiếng vang ngày ấy là Victor Tardieu ký được hợp đồng thực hiện bức tranh sơn dầu trang trí trên tường Đại giảng đường Viện Đại học Đông Dương, (Nay là, Giảng đường Ngụy Như Kon Tum, tòa nhà 19 Lê Thánh Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội), do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế theo phong cách Đông Dương, bao gồm nhiều tòa nhà với các giảng đường rộng lớn. Một đại giảng đường ở tòa trung tâm có kiến trúc hiện đại với những cửa vòm cao tương đương hai tầng nhà, được trang trí bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau; những cột trụ và mái vòm với hoa văn độc đáo. Đặc biệt, trên tường đại giảng đường là bức tranh của Victor Tardieu được vẽ bằng sơn dầu trên toan và thuê một công ty Kỹ nghệ Pháp dán lên bức tường “hình vòng cung” có diện tích tranh 77 m², với chiều rộng khoảng 11 mét và cao khoảng 7 mét.
Đây là một tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Đông Dương ngày đó. Victor Tardieu cùng các cộng sự thể hiện ròng rã trong thời gian từ năm 1921 đến năm 1927 mới hoàn thành. Nội dung tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, với 200 nhân vật, trong đó họa sĩ cho phục hoạt một cách sinh động chân dung những con người đương thời gồm nhiều tầng lớp, cả người Pháp lẫn những cư dân bản xứ. Mỗi nhân vật xuất hiện với một gương mặt, một tính cách và biểu hiện cảm xúc khác nhau… Tên gốc của tác phẩm là La France Apportant à sa Colonie les Bienfaits de la Civilisation - nghĩa là "Nước Pháp mang cho Thuộc địa các lợi ích của nền Văn minh".
Nam Sơn đã hỗ trợ họa sĩ Tardieu tìm người mẫu và nhiều khi ông tình nguyện làm mẫu cho Tardieu trong những lốt trang phục khác nhau như phẩm phục, triều phục hoặc nông phục…đồng thời Tardieu cũng giao cho Nam Sơn trực tiếp vẽ một số nhân vật trong bức tranh trong đó có chân dung hai cha con Tardieu. Nam Sơn còn là người thông thạo chữ Hán trong số các cộng sự, ông đã góp phần thể hiện một số chi tiết chữ Hán trong tranh như: Bức hoành phi có bốn chữ: 升堂入室 (Thăng đường nhập thất) nghĩa là "Chỉ dạy tới nới tới chốn" ở vị trí trung tâm tác phẩm nơi vẽ cổng tam quan giống như cổng làng truyền thống ở thôn quê Việt Nam. Cùng với đôi câu đối ở hai bên cột của cổng chính trong tranh: 人才國家之原氣 (Nhân tài quốc gia chi nguyên khí) - 大學教化之本元 (Đại học giáo hóa chi bản nguyên).
Với ý nghĩa: Nhân tài là nguyên khí quốc gia - Đại học là gốc của giáo hóa. Đặc biệt bức tranh còn nổi bật hình tượng Allégorie du Progrès - Bà mẹ của trí tuệ, tay cầm sách, hướng mọi người đến tri thức và nhân ái; đó cũng là tư tưởng của tác phẩm này. (Nói thêm về bức tranh này: Do thời gian quá lâu lại bị khí hậu khắc nghiệt xâm hại, bức tranh đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; cùng với tư duy và điều kiện hạn chế nên bức tranh đã bị dỡ bỏ. Đến năm 2006, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, một bức bích họa với kích thước tương tự, được phục dựng lại ở đúng bức tường cũ tại hội trường Ngụy Như Kon Tum, trong vòng 3 tháng, do hoạ sĩ Hoàng Hưng cùng các cộng sự thể hiện, với sự giúp đỡ về hình ảnh của bà Alix Turolla Tardieu cháu nội họa sĩ Victor Tardieu).
Trong suốt thời gian cùng làm việc với họa sỹ Victor Tardieu, trong đầu họa sỹ Nam Sơn lớn dần một suy nghĩ: Nếu Victor Tardieu có thể hướng dẫn mình học vẽ, thì cũng có thể hướng dẫn những người Việt Nam có tài khác vẽ được bởi Việt Nam còn nhiều người thông minh và có năng khiếu mỹ thuật, nếu được học hành hội họa một cách bài bản sẽ không thua kém gì người châu Âu. Ông mơ ước thành lập một trường dạy vẽ cho người Việt Nam tại Hà Nội. Sau nhiều ngày hết mình giúp Tardieu vẽ bức tranh khổ lớn tại giảng đường Viện Đại học Đông Dương, Nam Sơn đã nói về mơ ước đó với họa sĩ tài danh người Pháp Tardieu và ông ấy không phản đối, nhưng còn lưỡng lự…
Để có cơ sở thuyết phục Victor Tardieu thêm quyết tâm, Nam Sơn đã trình bày với Tardieu bản “Đề cương thành lập Trường Mỹ thuật Việt Nam” do ông soạn thảo ngay trong năm 1923. (Bản Đề cương mỹ thuật Việt Nam – do Nam Sơn soạn thảo 1923, đã giới thiệu trên tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam - Hà Nội, ngày 21/3/2001). Trong bản đề cương này, Nam Sơn không chỉ nêu rõ việc cần thiết phải thành lập một trường đại học mỹ thuật gồm tới “7 ban”, mà còn phân tích thấu đáo sở trường, sở đoản của hội họa phương Đông, phương Tây để đạt tới mục đích “Tạo nên một nền nghệ thuật cho Quốc gia Việt Nam”. Nam Sơn còn tiên đoán “Cứ như thế tuần tự mà tiến, độ mươi, hai mươi, ba mươi năm nữa quốc thuật của nước Nam sẽ hình thành”. Quả vậy, bản Đề cương ấy đã đi vào cuộc sống và dần trở thành hiện thực.
Ngày 27 tháng 10 năm 1924, Toàn quyền Martial Merlin Ký Nghị định chấp thuận đề xuất của Victor Tardieu, thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, và ấn định khai giảng vào ngày 01 tháng 10 năm 1925. Đây là mốc son trong cuộc đời Nam Sơn, ngày ông đón trên tay tờ công báo về việc Chính phủ Pháp ra Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, do chính Victor Tardieu làm giám đốc. Vào những năm cuối thế kỷ XX, sách báo Pháp còn viết: “Người tác động chủ yếu để Tardieu quyết định và xúc tiến mở trường là họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ”. Cuốn sách Paris - Hà Nội - Sài Gòn - Cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam do Bảo tàng Paris xuất bản tháng 5 năm 1998, có đoạn: “Chính thức thành lập do một Nghị định thư của Toàn quyền Merlin, trường này (Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai con người (V. Tardieu và Nam Sơn)… Nam Sơn thuyết phục V.Tardieu tiến hành những vận động cần thiết để có thể khai giảng và điều hành nhà trường… những bước đầu tiên đầy khó khăn, nhưng đã thành công, như ta đã biết”.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1937 (Les écoles d’art de l’Indochine, hiện còn bản lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội), phần giới thiệu về Trường Mỹ thuật Đông Dương có ghi ở trang 16: “… M. Nam Son, qui est un des deux fondateurs de l’École - ông Nam Sơn là một trong hai người sáng lập Trường”.
Nam Sơn được bổ nhiệm là "cộng sự của Victor Tardieu", có trách nhiệm giúp đỡ Tardieu trong việc mua dụng cụ và tìm giáo sư cho trường. Sau đó Tardieu và Nam Sơn được Chính phủ Bảo hộ cử sang Pháp để tìm giảng viên và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho ngày khai trường. Cũng là thời gian Nam Sơn tu nghiệp chuyên sâu để nâng cao trình độ về hội họa phương Tây tại Paris.
Đầu năm 1925, Nam Sơn đến Paris, được Victor Tardieu đón về ăn nghỉ tại tư gia của ông ở số 3, đường Chaptal thuộc quận 9, thành phố Paris. Ở đây, buổi sáng Nam Sơn học tại trường Mỹ thuật Quốc gia trong xưởng họa của họa sỹ Jean-Pierre Laurens, buổi chiều học tại trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia trong xưởng họa sỹ Félix Aubert, buổi tối học hình họa cùng giáo sư Séguin và Maire. Chủ nhật, Nam Sơn đọc tài liệu ở thư phòng của Victor Tardieu và thăm viếng các Bảo tàng cùng danh lam thắng cảnh của Paris… Chính nhờ chuyến đi chuẩn bị cơ sở cho trường Mỹ thuật Đông Dương và tu nghiệp này mà Nam Sơn đã dốc hết sức, chuyên cần suốt ngày đêm để tiếp thu những kỹ năng của hội họa châu Âu ngay tại Paris - Thủ đô của nghệ thuật thế giới.
Trong thời gian học tại trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp, Nam Sơn đã có cơ duyên gặp gỡ và kết bạn với hai danh họa lớn nhất châu Á là Từ Bi Hồng (1895 - 1953) và Fujita Tsuguharu (1886 - 1968). Danh họa Từ Bi Hồng được cả thế giới biết đến với biệt tài vẽ ngựa, cũng là đề tài nổi bật trong hàng nghìn bức tranh của ông. Từ Bi Hồng là họa sĩ kiệt xuất của nền Mỹ thuật Trung Hoa hiện đại. Ông đã để lại hàng ngàn tác phẩm, đồng thời cũng đã đào tạo được nhiều họa sĩ tên tuổi đại diện cho nền mỹ thuật đương đại của Trung Quốc. Và Léonard Tsuguharu Foujita (Fojita Tsuguharu) là họa sĩ người Pháp gốc Nhật Bản, được mệnh danh là "hoạ sĩ vẽ mèo" đẹp nhất thế giới. Ông được giới chuyên môn và những người yêu thích nghệ thuật biết đến và khâm phục do sử dụng điêu luyện phương pháp vẽ tranh truyền thống của Nhật Bản theo phong cách phương Tây và rất nổi tiếng trong lĩnh vực tranh khắc (printmaker) và tranh mực. Foujita được đánh giá là "Họa sĩ Nhật Bản quan trọng nhất làm việc ở phương Tây thế kỷ XX". Đặc biệt ấn phẩm "Sách về Mèo" (Book of Cats) được Covici Friede xuất bản ở New York năm 1930, với 20 bản vẽ khắc, là một trong 500 cuốn sách quý hiếm xếp hàng đầu thế giới về chủ đề này được xuất bản.
Victor Tardieu và Nam Sơn đã hoàn thành công việc ở Paris, dự định trở về Việt Nam vào tháng 9 năm 1925. Nhưng đúng thời điểm này, không may họa sĩ Tardieu đột ngột ngã bệnh, phải ở lại điều trị tại bệnh viện Paris. Vì vậy, Nam Sơn cùng với Joseph Inguimberty vội vã trở về Việt Nam trước, để kịp thời gian khai trường đúng kế hoạch đã ấn định.
Về đến Hà Nội, Nam Sơn và Joseph Inguimberty phải gồng mình làm mọi công việc, từ tổ chức hành chính, coi thi, chấm bài… Hai ông đã cùng Hội đồng chuẩn bị tuyển sinh được tổ chức cùng một lúc tại 5 địa điểm: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Pênh và Vientiane, với sự tham dự của 270 thí sinh, được xét tuyển từ 522 bộ hồ sơ toàn Đông Dương và chỉ chọn được 10 (mười) người trúng tuyển, để kịp ngày khai giảng Khóa I, (1925 - 1930). Có một việc hy hữu xảy ra, đó là thí sinh Công Văn Trung do không gửi hồ sơ dự thi tới địa chỉ Hà Nội mà gửi đến Bộ Giáo dục Pháp ở Paris, nên hồ sơ trở lại Hà Nội bị chậm, vì vậy đến ngày thi, trong số 270 thí sinh được gọi vào phòng thi, không có tên Công Văn Trung. Họa sĩ Nam Sơn làm chủ khảo cuộc thi, đã đặc cách cho thí sinh Trung thi ngày cuối và thi các môn còn lại một mình, do chính Nam Sơn coi thi. Công Văn Trung đã đỗ thứ 5 trong 10 thí sinh trúng tuyển. Trong số 10 người trúng tuyển thì 2 người học kiến trúc, còn lại 8 người học hội họa. Qua 5 năm học khóa I, thì 2 người bỏ ngang. Cả 6 người còn lại, sau này đều là những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Nhớ ơn hoạ sư Nam Sơn, Năm 2003, nhân ngày giỗ thầy Nam Sơn, họa sĩ lão thành 96 tuổi Công Văn Trung đã nói với con cháu và các học trò của mình rằng: nếu “Không có thầy Nam Sơn thì không có trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng như không có thầy Nam Sơn thì không có họa sĩ Công Văn Trung ngày nay!”
Ban đầu tên trường là: École des Beaux-Arts de l'Indochine, viết tắt là “E.D.B.A.I” (Trường Mỹ thuật Đông Dương), do V.Tardieu làm hiệu trưởng, sau khi ông qua đơi (12/6/1937), KTS. Roger làm Quyền Hiệu trưởng, tiếp theo là KTS. Évariste Jonchère làm Hiệu trưởng, mới đổi tên thành “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, tên trường được duy trì cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử vào năm 1945.
Tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu đã không áp đặt cho sinh viên của mình một trường phái nào mà chỉ truyền cho họ lòng say mê và những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu. Bên cạnh những ví dụ mẫu mực của các họa sĩ nổi tiếng phương Tây, Victor Tardieu lại nhấn mạnh nhiều hơn tới truyền thống nghệ thuật của Việt Nam như là điểm khởi đầu cho sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới.
Họa sư Nam Sơn trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Nam Sơn là Giáo sư giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong vòng 20 năm (1925 - 1945), từ khoá đầu đến khoá cuối, tất cả 18 khoá. Ông đã tham gia đào tạo hơn 150 họa sĩ, nhà điêu khắc - một thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng của nền hội họa đương đại Việt Nam, thường gọi là thời “Mỹ thuật Đông Dương”. Học trò của ông có nhiều người thành đạt, một số người ngay sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm làm thế giới hội họa phương Tây phải thán phục. Có thể kể đến những tên tuổi họa sĩ danh tiếng như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Thang Trần Phềnh, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Diệp Minh Châu, Phạm Hậu, Trịnh Hữu Ngọc, Trần Duy, Lê Quốc Lộc, Lê Thanh Đức, Tôn Đức Lượng, Phan Kế An,…
Trong cuốn sách: Les Écoles d' Art de l'Indochine (Những trường nghệ thuật Đông Dương) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937, trang 16 sách có đoạn viết: “Việc dạy hình họa và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương”. Họa sư Nam Sơn cũng là người có tên trong sách “Souverains et notabilités d'Indochine” (Vua chúa và danh nhân Đông Dương) xuất bản năm 1943.
Năm 1940, khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Vào thời Nhật chiếm (1940-1945) hoạt động của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị hạn chế, rất eo hẹp. Với những cố gắng của họa sư Nam Sơn và các thầy khác, trường vẫn tổ chức tuyển sinh. Lúc này, Tô Ngọc Vân một sinh viên cũ của trường đã là một họa sĩ rất nổi tiếng, cũng được mời về trường giảng dạy.
Tháng 12/1943, Mỹ ném bom Hà Nội, theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương các trường phải sơ tán khỏi Hà Nội, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chia thành 3 bộ phận sơ tán 3 nơi:
- Các lớp mỹ nghệ sơ tán ở Phủ Lý do Georges Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách.
- Khoa kiến trúc và phần lớn khoa điêu khắc vào Đà Lạt do E.Jonchère phụ trách. Năm 1944, Khoa Kiến trúc ở Đà Lạt được nâng thành Trường Kiến trúc, nhưng vẫn trực thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Nghị định ngày 22-2-1944).
- Khoa hội họa và một bộ phận nhỏ khoa điêu khắc lên Sơn Tây do giáo sư Inguimberty, họa sư Nam Sơn và Tô Ngọc Vân đảm nhiệm.
Đến năm 1945, Họa sư Nam Sơn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giao nhiệm vụ quản lý trường với cương vị, trọng trách là quyền Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó là thời kỳ từ tháng 3 năm 1945 đến cuối năm 1945, tức là giai đoạn sau khi Nhật đảo chính Pháp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tạm thời chuyển địa điểm lên thị xã Sơn Tây (Thủ phủ của tỉnh Sơn Tây) nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, cách trung tâm thành phố 35 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 32. Do hoàn cảnh không có trường lớp, ký tức xá đàng hoàng nên sinh viên phải ở trọ nhà dân; còn lớp học được bố trí ở tiền sảnh Văn Miếu Sơn Tây, nơi đây được xây dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 3, tọa lạc tại làng Mông Phụ (nay là làng Cam Giá Thịnh), Để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng của xứ Đoài, cũng là nơi ghi dấu những buổi đàm văn, đàm đạo về đạo Khổng, của các danh nho xứ Đoài. Cho nên việc dạy và học rất nghiêm cẩn không khác gì học ở trường Yết Kiêu.
Trong thời gian đó, các giáo sư người Pháp hầu hết bị bắt giam hoặc buộc phải về nước. Đến tháng 8 năm 1945 trường bị đóng cửa, nhưng sang năm 1946, trường Mỹ thuật vẫn tiếp tục hoạt động ở Phố Lò Đúc (Hà Nội), do họa sỹ Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân… dạy được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến 19/12/1946; Kể từ đây, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới hoàn toàn ngừng hoạt động tại Hà Nội. Sau đó theo Quyết Định của Bộ Giáo Dục Trường Mỹ thuật được chuyển ra chiến khu Việt Bắc với sứ mệnh lịch sử mới và mang tên “Khóa Mỹ thuật Kháng chiến” (Khóa I), tập trung đào tạo lớp họa sĩ - cán bộ và họa sĩ - chiến sĩ, do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Sau Hòa bình lập lại, khóa Mỹ thuật thứ II (1955-1957) được mang tên “Khóa Tô Ngọc Vân” và cũng là khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về Thủ đô giải phóng.
Khi nước nhà giành được độc lập, họa sư Nam Sơn cũng là người đầu tiên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe xác nhận vị trí là Giáo sư Thượng hạng - hạng nhất (Quyết định ngày 1/12/1945). Đến năm 1946, họa sư Nam Sơn được Bộ Quốc gia Giáo dục Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mời vào Hội đồng cố vấn học viện Đông phương bác cổ.
Rồi kháng chiến bùng nổ, Hà Nội bị tạm chiếm. Năm 1952, chính quyền Bảo Đại đã mời Nam Sơn đứng ra tái lập lại Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông đã từ chối, mà lui về dạy vẽ tại một trường trung học ở Hà Nội.
Năm 1957, Khi Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập; Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam gồm 21 thành viên trong đó có Nam Sơn cùng các hoạ sĩ: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Mai Văn Hiến, Nguyễn Trọng Hợp, Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Nguyễn Khang, Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Kiệt, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Kao Thương, Lê Vinh và các nhà điêu khắc: Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim. Họa sư Nam Sơn giữ chức vụ này trong suốt thời gian 16 năm, cho đến khi qua đời (năm 1973).
Nhà văn hóa Hữu Ngọc viết: "Nam Sơn xuất phát từ hội họa phương Đông đã gặp Tardieu nên tạo ra một phong cách hiện đại Á - Âu. Tardieu xuất phát từ nghệ thuật phương Tây gặp Nam Sơn nên được dẫn dắt vào văn hóa phương Đông. Họ trở thành đôi bạn, có lẽ gần như họa sĩ Pháp Gauguin và Kỳ Đồng ở Tahiti". Nhưng theo tôi (ĐQT): Tuy họ đều hơn kém nhau 20 tuổi, nhưng Kỳ Đồng và Danh họa Gauguin là một cái kết buồn và cô đơn; Còn Nam Sơn và Tardieu là cơ duyên “châu về hợp phố”, là khai sáng ra “ngôi đền Mỹ thuật Việt Nam” - TRƯỜNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG, một di sản Văn hóa nghệ thuật nổi tiếng.
TÁC PHẨM HỘI HỌA
Sự nghiệp sáng tác của họa sư Nam Sơn với số lượng đồ sộ trên 400 tác phẩm với nội dung và hình thức phong phú, gồm các thể loại: tranh sơn dầu, lụa, thuốc nước, mực nho, khắc gỗ, phấn tiên (pastel)… về cuối đời ông thường dùng chì son (sanguine) là chủ yếu. Đối với Việt Nam, có thể nói: một số chất liệu như tranh lụa, sơn dầu, mực nho trên vải, họa sư Nam Sơn là người đầu tiên thể hiện thành công và có nhiều tác phẩm rất nổi tiếng.
Đầu năm 2002, Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp công bố một danh sách các họa sĩ danh tiếng thế giới từ xưa đến đầu thế kỷ XXI và đã được Nhà nước Pháp mua tác phẩm đưa vào các Bảo tàng quốc gia Pháp. Trong đó có nhiều tên tuổi vĩ đại, như Léonard de Vinci, Cézanne, Titien, Degas, Gauguin, Matisse, Goya, Raphael, Rembrandt, Rodin, Delacroix… trong đó có tên Nam Sơn - Người đặt nền móng đầu tiên cho mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, những tác phẩm sáng tác theo phong cách độc đáo riêng biệt của họa sư Nam Sơn đã sớm gây tiếng vang trong nhiều cuộc triển lãm tại Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Ông đã giành Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội các Nghệ sĩ Pháp năm 1932 với tác phẩm sơn dầu "Chân dung mẹ tôi", Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 với tranh khắc gỗ "Cò trắng cá vàng". Một điều đáng lưu ý là bức tranh mực nho "Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng" của Nam Sơn là bức tranh Việt Nam đầu tiên đã được Chính phủ Pháp mua vào năm 1930. Năm 1998, tại triển lãm "Mùa xuân Việt Nam" ở Paris do Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam và Toà Thị chính Paris tổ chức để giới thiệu về sự nghiệp mỹ thuật mới Việt Nam, 3 tác phẩm của Nam Sơn đã được tuyển chọn.
Họa sư Nam Sơn luôn có những bước đi đầu tiên với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, như: Năm 1930, tại Hà Nội, cuốn sách “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa) của ông được nhà in Lê Văn Phúc xuất bản bằng tiếng Pháp. Đây là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về mỹ thuật.
Xin điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của họa sư Nam Sơn đã được giải thưởng cao, được Bảo tàng nước ngoài mua hoặc trên sàn đấu giá uy tín quốc tế:
- “Chân dung Nhà Nho xứ Bắc” (1923), tranh sơn dầu. Tác phẩm được đánh giá là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của họa sĩ Việt Nam. Bức tranh mô tả chân dung nhà Nho Nguyễn Sỹ Đức - người thầy chữ Nho và hội họa Á Đông của Nam Sơn. Cụ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Đầu chít khăn trắng để tang cho nước mất nhà tan và Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp. Bức tranh thể hiện một bút pháp già dặn, bố cục chặt chẽ, chịu ảnh hưởng của trường phái Tân cổ điển vì đã sử dụng cả các màu xanh da trời, màu tím, xanh lá cây một cách điêu luyện, mang đẳng cấp châu Âu.
- “Sự cám dỗ Đức Phật” (La Tentation du Boudda) 1927, là một trong những bức tranh khỏa thân quý hiếm mà ít người được biết. Tranh vẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới tán cây bồ đề, xung quanh là các Ma nữ khỏa thân nhảy múa mong cám dỗ Đức Phật… Nam Sơn là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh khỏa thân ở thời điểm mà quan niệm Nho giáo còn nặng nề, cho là dung tục. Nên Nam Sơn nghĩ ra cách vẽ đức Phật ngồi thiền, xung quanh là 7 con yêu tinh hóa thành những mỹ nữ khỏa thân để quyến rũ.
- Tác phẩm: "Chợ gạo bên Hữu ngạn Sông Hồng" với chất liệu mực nho trên toile, là một trong những chất liệu ưa thích của Nam Sơn. Tác phẩm đã được Chính phủ Pháp mua để đưa vào Bảo tàng Quốc gia. Năm 1930, tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm của Hội Nghệ sĩ Pháp tại Cung điện Champs-Élysées, đại lộ Alexandre III Paris ngày 30/4/1930.
- "Chân dung mẹ tôi" - Gia từ cận tượng (1930), là tranh sơn dầu vẽ thân mẫu Nguyễn Thị Lân. Nam Sơn là họa sĩ Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng quốc tế. Năm 1932, triển lãm tại Cung điện lớn Grand Palais ở đường Champs Elysées (Pháp), tác phẩm đã giành Huy chương Bạc (Médaille d’Argent). Ông Sambuc - Chủ tịch Hội những người Pháp ở Đông Dương đã mua tác phẩm này. Họa sư Nam Sơn xúc động viết: “Khi tôi được giải thưởng huy chương bạc, có 25 người được thưởng trong hàng vạn bức họa, tôi được xếp hàng thứ tư, tôi lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam đã ganh đua với nhiều nước ở Paris và báo chí đã khen ngợi mỹ thuật Việt Nam…”
- “Thiếu nữ cầm quạt” (Tonkinoise à l'éventail) (1935-1936) là tranh màu nước trên lụa, kích thước (61,5 x 43)cm, thể hiện chân dung một phụ nữ Bắc Kỳ đang ngồi trên phản, tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, trên quạt có vẽ cành lan, chân trái xếp bằng, chân phải co lên, mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng. Gương mặt cô toát lên vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo, thanh lịch và tao nhã, phong cách tỏa ra dáng dấp của một cô gái thị thành. Ngày 22/10/2018, tranh được đấu giá tại Nhà đấu giá Aguttes, Trung tâm Drouot thủ đô Paris (Pháp) với giá kỷ lục, tính cả thuế là 565.000 euro (tương đương trên 15 tỷ đồng VNĐ).
Và nhiều tác phẩm khác như: “Về chợ” ra mắt năm 1927, với tác phẩm này họa sư Nam Sơn được coi là người vẽ tranh lụa đầu tiên của Việt Nam và đã được Tổng trưởng Dalimier mua; Tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ”, được đấu giá tại Pháp với giá 205.000 euro (khoảng 6 tỷ VNĐ); Tác phẩm khắc gỗ 7 màu: "Cò trắng và cá vàng" được Bằng khen (Diplome de Mérite) ở Roma năm 1932 ; tác phẩm “Người đàn ông ăn mày mù” (1938) được đánh giá: “nhìn hiên ngang và thần thái hơn tác phẩm “Em bé hành khất” của họa sĩ Tây Ban Nha Murillo thế kỷ 17; Tác phẩm sơn dầu "Nhà sư" đã được nhà đấu giá Sotheby’s nổi tiếng của Hong Kong chốt giá 478.000 HKD Ngày 6/10/2020; Tác phẩm "Chân dung cụ Sùng Ấm Tường" chất liệu phấn tiên pastel, (1927) được đánh giá là bức tranh tiên phong của hội họa Việt Nam trong lĩnh vực này; "Thiếu nữ nông thôn" (1935) tranh lụa đã được Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua; Tác phẩm “Giấc mơ kháng chiến” vẽ bằng chì son rất đẹp, bình dị, an yên nhưng cũng rất tươi tắn và đong đầy xúc cảm…
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật ước đoán số lượng tác phẩm của họa sư Nam Sơn rất đồ sộ, có khoảng trên 400 tác phẩm, nhưng phần lớn tranh nằm trong các bảo tàng và các bộ sưu tập ở nước ngoài. Số còn lại, sau khi họa sư Nam Sơn qua đời, gia đình đã phân chia theo thừa kế tài sản để các con lưu giữ và bảo quản; số tranh này rất ít bán và cũng rất hạn chế tiếp khách trực tiếp đến xem tranh. Bởi vậy tranh của Nam Sơn rất khan hiếm trên thị trường, đã trở thành hiện tượng truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập trong nước và quốc tế. Tranh của Nam Sơn ngày một tăng giá vì những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn chưa xuất hiện. Sàn đấu giá tranh từ lâu đã được so sánh với sự kiện đại nhạc kịch vì sự hồi hộp và quyến rũ vốn có của nó. Bất chấp sự gia tăng của thương mại điện tử, nếu các tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị của họa sư Nam Sơn được công bố trên sàn giao dịch truyền thống, sẽ thu hút rất nhiều nhà sưu tập tranh trên thế giới có mặt trong những sàn đấu giá nổi tiếng này.
*
Họa sĩ Nam Sơn là người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong hội họa nước nhà. Về thân thế, sự nghiệp và nhất là việc “Đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương” của họa sư Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ) với Victor Tardieu, nhiều chục năm chưa được làm sáng tỏ và đánh giá đúng mức, thậm chí còn bị phủ nhận và quên lãng trong một thời gia rất dài. Thậm chí, sau 25 năm, khi Nam Sơn đã qua đời, mãi đến năm 1998 Hội Mỹ thuật Việt Nam mới truy tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam”. Cho đến 2008 người ta mới biết rộng rãi và công nhận thành tựu của họa sư Nam Sơn, do nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo, các cơ quan có trách nhiệm… trong và ngoài nước; nhất là tư liệu (phần nhiều là bản gốc) rất quý hiếm của họa sư Nam Sơn do Kỹ sư Nguyễn An Kiều - con trai của họa sư đã nhiều năm công phu sưu tầm từ nước ngoài cùng với lưu niệm của gia đình cung cấp đã được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, nên mọi vấn đề đã được sáng tỏ, đánh giá một cách đúng đắn, có sở cứ khoa học, tin cậy và thuyết phục, khẳng định sự nghiệp của họa sư Nam Sơn.
Họa sư Nam Sơn là người sống khiêm nhường, trung thực và nhân hậu, đã từng tự hào nói với các con rằng: “Ông đã được một Giải thưởng lớn, đó là sự ra đời và hoạt động trong 20 năm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tạo nên một đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng, mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam! vậy là mãn nguyện rồi!”
Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước vận động rất quan trọng. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Việc nhấn mạnh đến vấn đề con người thể hiện sự phù hợp với quan điểm tiến bộ về văn hóa trên thế giới hiện nay.
Một tin vui, rất phấn khởi và tự hào cho Ngành Mỹ thuật Việt Nam, cho công chúng yêu mến nghệ thuật và gia đình họa sư Nam Sơn là ngày 09 tháng 12 năm 2020, Hội Đồng Nhân Dân thành phố Hà Nội Khóa XV, Kỳ họp thứ 18 đã ra Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, đã đặt tên phố Nam Sơn tại Khu Đô thị bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là minh chứng sinh động cho đường lối đổi mới của Đảng về định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững.
Để vinh danh Họa sư Nam Sơn cần có nhiều hoạt động tri ân hơn nữa như: Vận động thành lập Quỹ Phát triển Tài năng Nghệ thuật, hoặc Giải thưởng Mỹ thuật màng tên họa sư Nam Sơn…để xứng đáng với tầm vóc người có công lớn trong sự nghiệp phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại - Nhà sư phạm nghệ thuật nổi tiếng - Người nghệ sĩ sáng tạo tài năng và uyên bác Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ.