Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Viet Foot Travel - một trong những công ty đang đẩy mạnh việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam - bày tỏ sự vui mừng trước thông tin hộ chiếu vaccine được xem xét.
"Hộ chiếu vaccine có thể tạo nên cú hích cho ngành du lịch khi được áp dụng rộng rãi trong tương lai", ông Nghĩa nói.
Cần 3-4 tháng
Trước nhiều lo ngại việc đưa khách du lịch có thể làm bùng phát dịch trở lại, ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng: "Nếu muốn làm, chúng ta cần đi từng bước".
"Khi tâm lý chưa yên tâm về dịch bệnh, thông tin đưa khách vào Việt Nam khiến nhiều người lo sợ. Chúng ta nên để việc này sau 3, 4 tháng nữa, khi tình hình hình dịch trên thế giới giảm, người dân các nước đã được tiêm vaccine. Lúc đấy mới là thời điểm công bố thích hợp". Theo ông Nghĩa: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là vậy".
Đại diện công ty này nhấn mạnh việc mở cửa thị trường khách quốc tế không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Vấn đề này chỉ thành công nếu dịch bệnh được khống chế, tâm lý người dân cởi mở hơn.
"Khi mọi thứ đã bình ổn, người dân sẽ nghĩ đến việc phát triển kinh tế", giám đốc đơn vị này chia sẻ quan điểm
Khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh từ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không thể thiếu khách quốc tế
Trả lời Zing, tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) nhận xét thị trường khách quốc tế khó có thể phục hồi trong bối cảnh hiện tại.
"Mọi dự báo đều rất khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ mất 3-5 năm để khôi phục trở lại mức trước đại dịch. Ngoài rào cản du lịch quốc tế về chính sách xuất/nhập cảnh, đại dịch còn ảnh hưởng đến tâm lý của du khách.
Đại dịch bùng nổ, kinh tế khó khăn, người ta có thể cắt giảm nhu cầu du lịch quốc tế hoặc chuyển sang du lịch nội địa, du lịch quốc tế gần. Thời gian và chi tiêu trong chuyến đi cũng bị cắt giảm theo", ông Nam nêu quan điểm.
Thị trường khách nước ngoài có vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Getty. |
Từ khi khách du lịch quốc tế "sạch bóng", thị trường du lịch nội địa lại lên ngôi. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường du lịch nội địa cũng không thể khỏa lấp "nỗi nhớ" du khách nước ngoài.
Theo đại diện TAB, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường du lịch nội địa đã đạt 90 triệu lượt khách, gần bằng tổng dân số cả nước. Trong năm 2020, dù bị sụt giảm hơn 34%, thị trường này vẫn ghi nhận 56 triệu lượt khách. Đây là con số mang đến nhiều giá trị cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện này.
"Bản thân thị trường du lịch nội địa còn sụt giảm 1/3 so với trước dịch. Vậy nói gì việc thị trường này sẽ bù đắp cho phân khúc kia. Tuy nhiên, không có chuyện trước dịch, các doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm khách nội địa. Sẽ là thảm họa với ngành du lịch nếu không có thị trường này", ông Nam nhấn mạnh.
Trên quan điểm của một người kinh doanh du lịch, đại diện Viet Foot Travel nhấn mạnh cả ba thị trường gồm inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam), outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) và domestic (du lịch nội địa) cần được phát triển đồng đều.
Đại diện Viet Foot Travel nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường inbound. Ảnh: Anh Tú. |
Tuy nhiên, thị trường inbound có vai trò rất lớn trong việc thu hút ngoại tệ. Về tỷ suất lợi nhuận, ông Nam nhấn mạnh thị trường khách quốc tế đem lại doanh thu lớn hơn rất nhiều so với nội địa.
"Tôi có so sánh đơn giản thế này: 30 khách nội địa bằng 10 khách Việt Nam đi nước ngoài và bằng 3 khách nước ngoài vào Việt Nam. Con số này xét về cả chi tiêu lẫn lợi nhuận cuối cùng mà doanh nghiệp nhận được.
Trong khi du lịch outbound là chảy ngoại tệ, Việt Nam muốn thu ngoại tệ thì sẽ cần thị trường inbound. Thị trường nội địa giúp duy trì ổn định ngành du lịch nhưng khó đem đến sự bùng nổ hay tài chính cho các đơn vị lữ hành, bên cung cấp dịch vụ", ông Nghĩa nói.
Đại diện công ty lữ hành này dự đoán từ đầu năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu đón khách nước ngoài với tỷ lệ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ hàng năm. Đó sẽ là bàn đạp để dỡ bỏ nhiều rào cản hiện tại. Lúc đó, hộ chiếu vaccine sẽ trở thành bảo bối cho người đi du lịch.
corona_counter.css