Một trong những món ăn đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội Việt Nam nhất định không thể không kể đến món gỏi gà măng cụt. Thực chất, gỏi gà măng cụt vốn không phải món ăn mới lạ mà nó là một trong những món đặc sản của người dân vùng Lái Thiêu. Nguyên nhân do nơi đây có diện tích trồng măng cụt lớn. Ngoài những trái măng cụt chín được thu hoạch bán ra thị trường thì măng cụt xanh (măng cụt sống) cũng được người dân tận dụng để tạo nên món ăn vừa ngon miệng vừa có lợi cho sức khỏe.
Khoảng thời gian gần đây, trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện nhiều video của các nhà vườn sơ chế măng cụt xanh và xé gà luộc để trộn gỏi đãi khách. Cảm thấy mới lạ với món ăn này nên nhiều người ở khu vực lân cận cũng bắt đầu tìm hiểu và học theo để chế biến. Nhiều người ở xa hơn thì cảm thấy bất ngờ vì từ trước đến giờ mới biết măng cụt chưa chín vẫn có thể dùng làm món ăn.
Măng cụt trộn gỏi khác với măng cụt chín có màu tím sẫm trên thị trường. Thông thường, đầu bếp lựa chọn những trái măng cụt còn sống có lớp vỏ màu xanh hoặc xanh vàng để đảm bảo độ giòn, ít chua và ngọt nhiều. Nếu không có trái xanh, gỏi măng cụt vẫn có thể dùng trái chín nhưng tất nhiên không mang lại hiệu quả vị giác cao.
Sau khi có được măng cụt sống màu, người ta pha sẵn một thau nước muối loãng để làm sạch mủ măng cụt, sau đó dùng mũi nhọn của dao để gọt từ lớp vỏ bên ngoài, đến khi chạm vào phần ruột màu trắng bên trong thì dừng.
Măng cụt sống được gọt sạch cho vào một thau nước muối lần nữa rồi cắt thành từng khoanh mỏng vừa ăn.
Bước kế tiếp, thả măng cụt đã cắt xong vào một thau nước với nửa thìa đường, nửa thìa muỗng canh giấm. Ngâm măng cụt một lúc rồi cho vào tủ lạnh bảo quản để giữ độ giòn.
Thịt gà được sơ chế như món gà luộc thông thường, sau đó xé thành từng thớ tùy vào ý thích của người dùng.
Ngoài ra, công đoạn pha nước mắm chua ngọt để trộn gỏi cũng được luy ý với 1 quả chanh vắt lấy nước cốt, 3 thìa đường, 1 thìa nước mắm cùng tỏi và ớt băm. Sau đã đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, người ăn chỉ việc cho măng cụt, gà xé và nước mắm chua ngọt vào cùng nhau rồi trộn đều cho đến khi thấm vị. Người dùng nên để thêm ít rau thơm, củ hành để tăng thêm hương vị. Món gỏi gà măng cụt có thể ăn kèm với bánh phồng tôm...
Kể từ sau khi món gỏi gà măng cụt nổi lên như một hiện tượng, giá thành măng cụt sống ngoài thị trường cũng tăng vọt để đủ cung ứng nhu cầu người mua. Được biết, măng cụt xanh già ngon dùng để trộn gỏi có giá bán 420.000 đồng/kg (đã gọt vỏ) và 220.000 đồng/nửa kg. Trong khi đó, giá bán măng cụt nguyên trái khi chưa gọt vỏ rơi vào khoảng 67.000 đồng/kg. Mặc dù giá cả khá chát nhưng vì món ăn bổ dưỡng, thơm ngon và lạ mắt nên nhiều người vẫn muốn mua dùng thử.
Ảnh: Tổng hợp
Trúc