Trong đời sống xã hội hiện đại, việc tham dự các buổi tiệc như đám cưới, đám giỗ, tiệc tân gia hay liên hoan là điều không còn xa lạ. Tuy nhiên, một hành vi gây tranh cãi gần đây tại các buổi tiệc và dư luận đó chính là: gói đồ ăn thừa mang về. Có người cho rằng đây là hành vi văn minh, tiết kiệm, tránh lãng phí. Nhưng cũng không ít người xem đó là hình ảnh kém sang, nhếch nhác, thậm chí "mất mặt". Vậy, gói đồ ăn thừa sau tiệc là văn minh hay bê tha? Câu trả lời không nằm ở hành động, mà phụ thuộc vào ngữ cảnh, cách cư xử và thái độ của người tham gia.
1. Vì sao nhiều người gói đồ ăn thừa mang về sau tiệc?
Tại các buổi tiệc ở Việt Nam, đặc biệt là tiệc gia đình như đám cưới quê, đám giỗ, sinh nhật, lượng thức ăn thường được chuẩn bị rất nhiều nhằm thể hiện sự hiếu khách và chu đáo. Tuy nhiên, chính điều đó dẫn đến việc dư thừa lớn. Để tránh lãng phí, chủ nhà hoặc người thân thường chủ động đề nghị khách mang về phần thức ăn còn dư.

Thậm chí ở nhiều vùng quê hiện nay còn chuẩn bị thêm bịch túi nilon sạch chưa dùng để trên mâm tiệc cho khách gói mang về. Điều đó như một phần thể hiện tinh thần hiếu khách từ xa xưa của ông bà ta, thể hiện người đi ăn còn quan tâm tới người ở nhà.
Ngoài ra, nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, có thói quen tiết kiệm, không muốn thức ăn ngon bị bỏ đi. Một số khác lại nghĩ rằng mang về cho người nhà cùng thưởng thức cũng là một cách chia sẻ niềm vui. Vì vậy, hành động gói đồ ăn mang về dần trở thành một thói quen phổ biến ở nhiều vùng quê và kể cả ở thành phố.
Thậm chí nhiều gia chủ còn tha thiết mong khách chịu khó mang về vì để lại phí quá, gia chủ không biết xử lý ra sao: tủ đông lạnh không đủ chỗ chứa, thậm chí bây giờ nhiều nơi còn không có chỗ đổ đồ ăn thừa sao cho thuận tiện (ngày xưa thì bỏ ra ao hồ cho cá ăn, cho trâu bò lợn gà chó mèo ăn hoặc bỏ ngay bãi hoang...).
Tuy nhiên không phải lúc nào việc gói đồ ăn thừa mang về cũng đẹp. Có những nơi khách chưa kịp ăn cỗ thì đã có người đứng lên chia phần mang về. Có người đi ăn cỗ chỉ ăn món canh, còn món khô (thịt gà luộc, giò, tôm...) mặc nhiên là chia phần nên người ngồi cùng mâm mà không cùng thói quen sẽ khó xử.
Có người đi cỗ tiệc đình đám nhưng không ăn mà chỉ mong chia về. Có người cỗ còn nóng ấm đã chia. Có nơi gia chủ không có ý chia phần, không chuẩn bị đồ dùng túi nilon, hộp đựng đồ chia mang về nhưng khách vẫn tự ý mang về.
2. Khi nào là “văn minh”?
Ý kiến nhiều người cho rằng việc gói thức ăn thừa sau tiệc hoàn toàn không xấu, nếu được thực hiện đúng cách:
Có sự đồng thuận hoặc mời gọi từ phía chủ nhà: Nếu gia chủ chủ động bảo khách mang về, điều đó thể hiện sự thân tình và cởi mở. Lúc này, hành động gói đồ ăn không chỉ hợp lý mà còn góp phần tránh lãng phí thực phẩm.
Gói đồ một cách kín đáo, lịch sự: Không phô trương, không tranh giành, không mang dụng cụ lớn đến để “gom” đồ ăn. Việc này sẽ giữ được hình ảnh đẹp trong mắt người khác và thể hiện sự tôn trọng buổi tiệc.
Chỉ lấy phần thức ăn đã còn thừa sau khi các quan khách cùng mâm ăn xong, không chia ngay khi gia chủ lên món.
3. Khi nào là “nhếch nhác, bê tha”?
Hành động gói đồ ăn mang về sẽ trở nên phản cảm nếu:
Chưa được sự đồng ý của chủ tiệc và người cùng ngồi chung mâm, nhưng người dự tiệc vẫn tự tiện đứng lên “thu gom” phần ăn như thể là quyền lợi của mình. Điều này dễ khiến người khác nghĩ bạn kém duyên và vô ý tứ.
Không chịu ăn mà chỉ để mang về khiến người cùng thấy ngại ngùng khi họ ăn.
Việc ăn cỗ thì nên xem là thoải mái, chỉ chia phần còn dư, chứ không phải mặc định phần tôi tôi không ăn tôi mang về, bạn chỉ được ăn trong phần của bạn.
Tham lam, lấy quá nhiều, thậm chí “vét sạch” mâm cỗ, khiến những người khác khó chịu hoặc bữa tiệc trở nên lộn xộn kém vui. Đi dự tiệc không có nghĩa là bạn dùng tiền mừng để "mua cỗ".
Dùng vật dụng mất vệ sinh để gói đồ, hoặc lấy cả những món đã bị đụng đũa, ăn dở dang khiến người khác cảm thấy mất cảm tình.
Làm náo loạn buổi tiệc chỉ để giành phần. Điều này không chỉ làm mất hình ảnh cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của gia chủ.
4. Văn hóa tiệc tùng đang thay đổi ra sao?
Trong xã hội hiện đại, tiêu chí “ăn vừa đủ – không lãng phí” đang được nhiều người ủng hộ. Tại các nhà hàng, khách sạn, hình ảnh nhân viên chủ động chia phần ăn thừa mang về cho khách không còn xa lạ. Ở một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, việc gói đồ ăn thừa (doggy bag) sau bữa ăn tại nhà hàng được xem là bình thường, thậm chí khuyến khích.
Tại Việt Nam, nhiều người trẻ cũng dần thay đổi suy nghĩ: họ không ngại mang về phần ăn chưa dùng hết tại nhà hàng để giảm lãng phí và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc này cần thực hiện một cách tinh tế, tránh để người khác hiểu lầm là keo kiệt hay thiếu tế nhị.
Thực chất việc gói phần mang về sau bữa tiệc có văn minh hay kém văn minh không nằm ở việc “gói hay không gói”, mà nằm ở cách bạn thực hiện và văn hóa ứng xử của bạn trong hoàn cảnh ấy. Hành động nhỏ nhưng thể hiện được nhân cách, cách sống và sự tinh tế của mỗi người.
Nếu làm đúng, gói đồ ăn thừa là văn minh, tiết kiệm, tránh lãng phí, thậm chí còn là giúp gia chủ dọn dẹp một phần nào đó, là sự trân trọng công sức nấu nướng, là hành động tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Nhưng nếu làm sai cách, đó lại là hình ảnh bê tha, thiếu lịch sự, gây mất thiện cảm trong mắt người xung quanh.
Hãy để mỗi bữa tiệc không chỉ là dịp sum vầy mà còn là nơi thể hiện sự khéo léo, văn hóa và tinh thần trân trọng từng hạt gạo, từng miếng ăn.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về việc này?