Đa số mọi người có thói quen đổ bỏ nước vo gạo. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng loại nước này trong nhiều việc khác nhau, giúp giải quyết nhiều vấn đề, vừa hữu ích, vừa tiết kiệm. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Làm đẹp da
Sử dụng nước vo gạo để làm đẹp da là một trong những bí quyết chăm sóc sắc đẹp được các bà các mẹ sử dụng từ xa xưa. Nước vo gạo giúp làm sáng da, giảm thâm nám, se khít lỗ chân lông. Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng nước vo gạo chứa nhiều vitamin B và các chất chống oxy hóa có lợi cho da. Bạn chỉ cần để nước vo gạo lắng xuống và lấy phần nước trong để rửa mặt vào buổi sáng hoặc buổi tối. Sử dụng cách này mỗi ngày sẽ làm da sáng hơn, mịn màng hơn.
Với phần cám gạo lắng xuống đáy, bạn có thể trộn thêm một ít mật ong hoặc sữa chua không đường rồi thoa lên da để làm mặt nạ. Loại mặt nạ này giúp tẩy tế bào chết, giúp da sáng mịn. Lưu ý, nên thử thoa hỗn hợp này lên một vùng da nhỏ trước để kiểm tra xem mình có bị dị ứng hay không.

Dưỡng tóc
Nước vo gạo không chỉ giúp chăm sóc da mà còn có tác dụng tốt cho tóc. Bạn có thể để nước vo gạo lên men trong khoảng 1-2 ngày trước khi sử dụng. Dùng nước vo gạo để gội đầu như bình thường, massage nhẹ nhàng cho các dưỡng chất thấm vào tóc sau đó xả lại bằng nước sạch. Nước vo gạo sẽ giúp tóc bóng mượt, không bị xơ rối, giảm gãy dụng. Nước vo gạo lên men sẽ có mùi chua nhẹ nên cần gội lại thật kỹ bằng nước sạch.
Chăm sóc cây cối
Bạn có thể sử dụng nước vo gạo để tưới cây. Loại nước này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để cây cối phát triển, cành lá xanh tốt, ra nhiều hoa. Tuy nhiên, nên ủ cho nước vo gạo lên men rồi mới sử dụng. Tránh đổ trực tiếp nước vo gạo vào gốc cây vì quá trình lên men có thể sinh ra nhiệt, làm ảnh hưởng đến rễ cây. Sau khi nước vo gạo được ủ lên men, hãy pha loãng nước này với nước sạch rồi tưới cho cây.
Làm sạch đồ dùng trong nhà
Bạn có thể sử dụng nước vo gạo để rửa bát đũa, rửa đồ dùng trong nhà. Nước vo gạo có thể giúp làm sạch các vết bẩn, các vết dầu mỡ ở một mức độ nhất định, giúp đồ dùng sáng bóng.
Làm sạch ngao, ốc
Đối với một số loại thủy hải sản có vỏ, bạn sẽ phải ngâm chúng trong nước một thời gian nhất định để loại bỏ đất cát. Thay vì ngâm trong nước lã, hãy sử dụng nước vo gạo.
Ngâm ngao, ốc trong nước vo gạo thêm một ít ớt cắt nhỏ, vài chiếc thìa kim loại sẽ giúp chúng nhả cặn bẩn nhanh hơn.
Khử mùi tanh của cá
Bạn có thể sử dụng nước vo gạo để rửa cá giúp loại bỏ nhớt và khử mùi tanh. Hãy lấy nước vo gạo, pha thêm một chút muối rồi đem cá ngâm trong đó khoảng 10-15 phút. Mùi tanh của cá sẽ giảm đáng kể. Sau đó, vớt cá ra và rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi chế biến.
Đối với cá khô, bạn có thể ngâm trong trong nước vo gạo để khử mùi tanh cũng như giảm độ mặn.
Khử độc của sắn và măng tươi
Sắn và măng tươi đều chứa những chất độc có hại cho cơ thể. Do đó, trước khi ăn, bạn cần phải sơ chế, ngâm rửa chúng kỹ để loại bỏ các chất có hại này.
Đối với sắn, sau khi gọt vỏ, bạn hãy ngâm trong nước vo gạo khoảng 15-20 phút để loại bỏ các chất không tốt. Sau đó, rửa lại sắn bằng nước sạch.
Đối với măng tươi, hãy luộc măng qua 2-3 lần nước rồi đem ngâm nước vo gạo trong khoảng 2 ngày. Trong quá trình này, liên tục thay nước ngâm để măng không bị thối.
Như vậy, bạn có thể thấy nước vo gạo có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Lần sau, khi nấu cơm, bạn có thể giữ lại phần nước vo gạo để sử dụng vào những việc này nhé.