Trong thị trường xe chạy động cơ đốt trong, Nhật Bản đang chiếm giữ vị trí ngôi vương khi liên tục đứng đầu bảng xếp hạng doanh số trên toàn cầu.
Tuy nhiên, mối đe dọa nhà sản xuất này trong tương lai ngày càng thể hiện rõ ràng hơn ở Trung Quốc - một trong những thị trường ô tô lớn nhất Thế Giới.
Tại đây, cứ 4 chiếc ô tô được bán ra thì có 1 chiếc là xe điện. Doanh số bán xe điện dự báo sẽ tăng lên 9 triệu vào năm 2023, chiếm thị phần toàn thị trường là 35%.
Doanh số bán hàng của Honda và Nissan tại Trung Quốc đã giảm rõ rệt trong 2 năm qua. Toyota cũng không ngoại lệ khi năm 2022 là năm đầu tiên mà doanh số giảm sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng ổn định.
Mặc dù cả 3 nhà sản xuất cho rằng nguyên nhân giảm sút do tình trạng thiếu chip, đóng cửa vì Covod-19 và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khá quan trọng mà cả 3 nhà sản xuất đều thiếu là thiếu dải sản phẩm xe điện hấp dẫn.
Trung Quốc đang cung cấp cho thị trường những dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, từng bước đưa gã khổng lồ Nhật Bản rời khỏi bệ đỡ của họ. Quốc gia này có khả năng thay đổi cục diện ngành sản xuất ô tô toàn cầu trong tương lai không xa.
Theo Bloomberg Intelligence, Tesla là nhà sản xuấ xe điện hàng đầu Thế Giới, tiếp theo là BYD của Trung Quốc. Đứng thứ 3 là Volkswagen.
Đáng chú ý, không có nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào lọt vào TOP 20. Điều này khiến gã khổng lồ như đứng bên lề lĩnh vực đang phát triển nhất của ngành công nghiệp ô tô.
Ông Yale Zhang - Giám đốc Điều hành Công ty Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: "Nếu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiếp tục cách tiếp cận bảo thủ và thiếu quyết đoán đối với xe điện thì việc họ thất bại trên thị trường toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian."
Tại Trung Quốc, ô tô Nhật Bản chủ yếu được sản xuất và bán hàng thông qua liên doanh với các đối tác địa phương. Tập đoàn ô tô Quảng Châu có quan hệ đối tác với Toyota và Honda, trong khi Tập đoàn ô tô Dongfeng do Nhà nước hậu thuẫn có liên doanh với Honda và Nissan.
Những liên doanh này sở hữu một loạt sản phẩm động cơ đốt trong với mức giá khá tốt trong phân khúc xe hạng trung. Nissan có Sylphy, Toyota có Corolla và Honda có Civic.
Từ năm 2020, bộ ba hãng xe Nhật bị dồn ép cả từ 2 phía. Một bên là hãng xe điện đến từ Mỹ - Tesla liên tục lập kỷ lục về doanh số bán hàng. Một bên là hàng loạt các thương hiệu xe điện Trung Quốc mọc lên như nấm.
Những mẫu xe điện Trung Quốc giá rẻ như Hongguang Mini EV trở nên nổi tiếng và được nhiều khách hàng mua xe lần đầu lựa chọn.
Bên cạnh đó, BYD dần khẳng định vị thế trong phân khúc xe hạng trung với Song Plus với giá 20.400 USD. Chiếc crossover cùng một số mẫu xe phổ biến là bàn đạp giúp BYD dành ngôi vị xe điện nội địa bán chạy nhất 2022.
Trong tháng 2 vừa qua, Nissan đã giảm mục tiêu điện hóa ở Trung Quốc từ 40% xuống 35% vào năm 2026. Trong khi đó, hãng từng nói rằng kế hoạch 98% doanh số của hãng ở châu Âu sẽ là xe hybrid hoặc thuần điện vào năm đó.
Về phía Honda, đại diện của hãng đã từng nói các hãng xe Trung Quốc có lợi thế trong việc thu mua chip và linh kiện. Tuy nhiên, việc giảm doanh số một phần do dải sản phẩm dần trở nên kém thu hút với khách hàng Trung Quốc.
Mặc dù Toyota có sẵn một lượng khách hàng trung thành ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng xe này cũng gặp nhiều trở ngại khi liên tục phải giảm giá để nâng cao doanh số xe điện.