Tờ Đại đoàn kết đưa tin, với đề thi giảm độ khó so với năm 2019, nên phổ điểm các môn thi năm nay đều nhỉnh hơn. Số lượng thí sinh được điểm trung bình trở lên nhiều hơn các năm trước. Hầu hết phổ điểm các môn đều trên mức trung bình, ở ngưỡng 5-7 là nhận định chung của nhiều chuyên gia về kỳ thi năm nay.
Phân tích phổ điểm cụ thể của môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) nhận định điểm thi năm nay khá cao.
Với tổ hợp A01 (Toán, Lí, Anh), điểm trung bình là 20 điểm; điểm trung vị là 20 điểm; tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất là 21 điểm (34.999, chiếm 12.6%). Từ 16 điểm trở lên có tới 246.042 thí sinh (chiếm 89%). Từ 17 điểm trở lên có 229.643 (chiếm 83%). Như vậy, thí sinh dưới 17 điểm khối A01 có khả năng đỗ đại học thấp.
Những thí sinh đăng ký vào tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) cần lưu ý khi điểm trung bình là 20,36 điểm; điểm trung vị là 20,55 điểm. Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất là 22 điểm (37.945 thí sinh chiếm 13,4%). Từ 16 điểm trở lên có 259.236 (chiếm 91%). Từ 17 điểm trở lên có 243.322 (chiếm 86%). Từ kết quả này dự đoán, thí sinh dưới 17 điểm khối B00 khả năng đỗ đại học thấp hơn.
Tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) có khả năng đỗ đại học khả quan hơn. Điểm trung bình của tổ hợp là 18,19 điểm; điểm trung vị là 18,3 điểm. Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất là 19 điểm (77.686 thí sinh, chiếm 10,4%). Có 536.232 thí sinh đạt từ 16 điểm trở lên (chiếm 72%). Số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên là 593.913 thí sinh (chiếm 80%).
Ngoài tổng điểm các khối thi năm nay đều nhích hơn đáng kể so với năm ngoái là một nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng cao hơn, nguyên nhân thứ 2 là phổ điểm có độ dốc đều, chứng tỏ điểm được phân bố đều sẽ khiến các trường có thể phải dùng đến tiêu chí phụ để xét tuyển. Tuy nhiên, không có nhiều thí sinh đạt 29,30 điểm nên thầy Tùng nhận định, sẽ không có chuyện 29 điểm vẫn trượt đại học.
Từ những phân tích trên, thầy Tùng cho rằng, điểm chuẩn đại học năm 2020 sẽ tăng mạnh. Các trường đại học, đặc biệt là trường top trên sẽ phải dùng đến tiêu chí phụ, thậm chí là nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển…
Tờ Lao động thông tin thêm, nhận định chung là điểm thi năm 2020, nam giáo viên đánh giá điểm thi rất cao, điểm chuẩn cũng cao. Tuy nhiên, điều này không phản ánh chất lượng tuyển sinh được nâng cao.
Đây cũng là năm đầu tiên có hiện tượng “lấy điểm tốt nghiệp để xét vào đại học”, trong khi đó, số câu hỏi phân hóa rất ít, lại thi trắc nghiệm (trừ môn Văn) nên năm nay cũng khó chọn được người tài đúng nghĩa, thầy Tùng chia sẻ với Lao Động.
Thầy Tùng nhận định, các trường đại học chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ các phương án xét tuyển, vì điểm thật sự của năm nay phải trừ đi 2-3 điểm, nhất là các trường ở top 2, 3.
Trong một dự đoán khác của thầy Tùng, tỉ lệ tốt nghiệp của năm nay chắc chắn cũng sẽ cao hơn năm ngoái. Thầy Tùng mạnh dạn đưa mức tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không dưới 96%, tăng khá nhiều so với năm 2019 là 94,06%.