Đội bóng Singapore đến Việt Nam, đưa bóng đá phủi lên tầm cao mới

Giống như nhiều cầu thủ bóng đá nghiệp dư khác, vào mỗi cuối tuần, Noah Tan và đồng đội ở Stripes FC thường ra sân để so tài với các đội bóng khác trên khắp Singapore.
Noah Tan (trái) và đối thủ ở Việt Nam.

Tháng 11/2024, niềm đam mê của họ đã vượt biên giới khi họ lên đường đến TP.HCM để tham gia một trải nghiệm bóng đá đặc biệt. Tại thành phố này, Stripes FC đã đá giao hữu với một đội bóng địa phương. Trải nghiệm này mang đến cho họ cảm giác của những cầu thủ chuyên nghiệp, kết hợp giữa tình yêu bóng đá và du lịch.

Dù chỉ là một trận giao hữu, trận đấu được tổ chức chuyên nghiệp với trọng tài chính, trọng tài biên, nhiếp ảnh bên sân và thậm chí là phát sóng trực tiếp có bình luận để bạn bè, gia đình tại Singapore theo dõi.

Noah Tan, 36 tuổi, một nhân viên truyền thông tại Hệ thống Y tế Quốc gia Singapore, cho biết ý tưởng chơi một trận giao hữu ở nước ngoài được khởi xướng bởi một cầu thủ, nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cả đội. Họ đã liên hệ với 1896 Travel, một công ty du lịch thể thao địa phương, để tổ chức chuyến đi kéo dài 4 ngày cho đội bóng gồm 18 người. Mỗi thành viên đóng khoảng 330 USD cho chi phí trận đấu, chỗ ở và di chuyển.

Tan chia sẻ: “Đây giống như trải nghiệm của một trận sân khách thực thụ, khi cả đội cùng nhau ra nước ngoài, ăn uống, ở khách sạn và sau đó thi đấu với đội bóng Việt Nam.”

Trận đấu mang tính cạnh tranh cao bởi đội đã phải mô tả trình độ của mình với công ty du lịch để họ tìm một đối thủ phù hợp: “Trước trận đấu, cả đội đều nghĩ rằng sẽ chơi vui vẻ là chính, nhưng khi vào sân, tinh thần không muốn ‘làm mất mặt Singapore’ đã khiến chúng tôi thi đấu hết mình.”

Kết quả trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 3-3 kịch tính. Nhờ vào việc phát sóng trực tiếp, cả đội có thể xem lại những bàn thắng và pha bỏ lỡ. Dù phần bình luận được phát qua loa trong sân vận động bằng tiếng Việt, bạn bè và gia đình của các cầu thủ vẫn theo dõi qua mạng xã hội.

Hai đội chụp ảnh kỷ niệm.

Aaron Kok, người sáng lập 1896 Travel, cho biết các đội bóng đá nghiệp dư đang có xu hướng tổ chức giao hữu nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Công ty của anh cũng tổ chức các chuyến đi cho người hâm mộ bóng đá tới châu Âu để xem các trận đấu đỉnh cao. Ngoài bóng đá, Kok còn tổ chức các chuyến đi giao hữu cho các đội bóng rổ nghiệp dư đến Đài Loan và đưa nhiều đội bóng khác đến Đông Nam Á. Trong năm 2024, anh đã tổ chức thành công ít nhất 10 chuyến đi cho các đội bóng nghiệp dư.

Một đội bóng khác, Athena Phoenix FC, bao gồm các cầu thủ từ 30 đến 60 tuổi, cũng đã tham gia những chuyến đi kết hợp bóng đá với hoạt động từ thiện, như thăm nhà trẻ em.

Hia, 57 tuổi, một nhân viên ngành logistics, kể lại: “Từ lúc đến TP.HCM, chúng tôi đã cảm nhận được mình như cầu thủ chuyên nghiệp. Có cả biểu ngữ chào đón và chúng tôi được đưa đón bằng xe bus 40 chỗ. Trận đấu thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ.”

Aaron Kok nhận định năm 2025 sẽ là mùa bận rộn với nhiều kế hoạch cho các đội bóng đi thi đấu ở Đông Nam Á và thậm chí là Trung Quốc. Khi nhận thức về loại hình dịch vụ này tăng cao, nhiều đội bóng nghiệp dư sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để sống trọn vẹn với niềm đam mê bóng đá của mình.