Đi họp lớp: Ôn kỷ niệm hay màn so sánh, khoe khoang khiến những người thua kém thấy tự ti muốn tránh né?

Đi họp lớp là chuyện phổ biến thường xuyên diễn ra nhưng tại sao có người thích tham gia, có người thì không và ý nghĩa thực sự của họp lớp là gì?

Họp lớp – một trong những dịp đặc biệt để bạn bè cũ sau nhiều năm xa cách có cơ hội gặp lại, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời học trò. Thế nhưng, với không ít người, cụm từ “họp lớp” lại là nỗi ám ảnh, ngán ngẩm, thậm chí là điều gì đó khiến họ tránh né. Phải chăng việc gặp lại bạn cũ của nhiều buổi họp lớp chỉ còn là dịp để phô trương, so sánh, hơn thua, khiến những người không thành công thấy lạc lõng và tự ti?

Ý nghĩa của họp lớp – một điều đẹp đẽ

Họp lớp vốn được tổ chức với ý nghĩa tích cực: gắn kết tình bạn, nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, thăm hỏi nhau sau những thăng trầm cuộc sống, cùng nhau sống lại những phút giây thanh xuân. Với nhiều người, đây là cơ hội để trở về tuổi thanh xuân, để cười cùng nhau như thuở học trò ngây dại.

Những buổi gặp gỡ này, nếu được tổ chức chân thành, sẽ mang lại giá trị tinh thần lớn lao:

  • Hỏi thăm sức khỏe, công việc, cuộc sống gia đình.
  • Chia sẻ khó khăn, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nếu có thể.
  • Tạo điều kiện kết nối lại các mối quan hệ cũ phục vụ công việc hoặc mở rộng mạng lưới xã hội.
  • Ôn lại ký ức, "ăn ký ức"...

Thực tế phũ phàng: Nhiều cuộc họp lớp bị “biến tướng” thành nơi khoe mẽ, thành nơi hoài nghi

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, không ít buổi họp lớp đã đánh mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Thay vì là buổi gặp gỡ nhẹ nhàng, chân tình, hỏi thăm hỗ trợ nhau thì họp lớp dần trở thành một “sàn diễn ngầm” để nhiều người khoe giàu, khoe địa vị, khoe nhan sắc, khoe hạnh phúc hôn nhân...

Họp lớp bây giờ có giữ được ý nghĩa đúng nghĩa của họp lớp không? Ảnh minh họa
Họp lớp bây giờ có giữ được ý nghĩa đúng nghĩa của họp lớp không? Ảnh minh họa

Người thành công thường đi xe sang, mặc đồ hiệu, đeo đồng hồ tiền tỷ để “khẳng định đẳng cấp”.

Người có gia đình êm ấm sẽ tranh thủ khoe chồng giỏi, con ngoan.

Người làm chức vụ lớn thường vô tình (hoặc cố ý) để lộ hình ảnh quyền lực.

Việc tổ chức không tế nhị về quy mô và kinh tế có thể khiến nhiều người giàu khoe quyền lực còn nhiều người tài chính hạn hẹp cảm thấy "gánh nặng tài chính khi đóng góp quá nhiều cho 1 buổi gặp gỡ". Nhiều người giàu có ý tốt là "bao" bạn cũ để được tổ chức trong không gian sang trọng nhưng họp lớp thì bạn bè nên bình đẳng, nhiều người không thích cảm giác được bao đó nên cũng không muốn tham gia.

Và từ đó, họp lớp đôi khi không phải là niềm vui nữa. Có những người có cuộc sống bình thường, thậm chí đang gặp khó khăn trong công việc hay gia đình, lại cảm thấy lạc lõng, ngại ngần, thậm chí chọn cách... không tham dự. Nhiều người cũng thành đạt nhưng cách sống khiêm tốn thì không muốn tham gia vì cảm thấy buổi họp lớp không vui không ý nghĩa, nhàm chán, không cảm xúc.

Họp lớp đôi khi cũng lại mang tới sự lấn cấn cho một số người bởi trong lớp ấy có người gọi là người yêu cũ. Đặc biệt có những gia đình sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng khi vợ/chồng nói sẽ đi họp lớp bởi sẽ khởi gợi hoài nghi ghen tuông ở nửa kia.

Tuy nhiên cũng có những buổu họp lớp vui vẻ, được mọi người hưởng ứng vì họp lớp là ôn kỷ niệm, hỏi thăm giúp đỡ nhau, bạn bè chân tình, sống lại một thời tuổi trẻ, gặp nhau là toàn nhắc chuyện ngày xưa, hỏi thăm thầy cô giáo cũ, bạn bè cũ. Đó là những buổi họp lớp giá trị tăng thêm tinh thần cho nhiều người.

Người thành đạt tự hào, người không may tổn thương?

Trong tâm lý học, cảm giác so sánh và tự ti là điều rất phổ biến, đặc biệt khi con người bị đặt trong môi trường nhiều khác biệt. Buổi họp lớp, nếu thiếu sự tinh tế, có thể trở thành “chiếc gương phản chiếu” sự chênh lệch, khiến nhiều người cảm thấy bản thân thua kém, không đáng được chào đón.

Một số người chọn cách im lặng rút lui, lảng tránh họp lớp vì:

  • Không muốn bị hỏi quá nhiều về công việc, lương bổng, đời sống riêng tư.
  • Ngại đối diện với ánh mắt thương hại hoặc dè bỉu.
  • Tự ti khi bản thân chưa “thành công” như mong muốn.

Trong khi đó, nhiều người thành đạt đôi khi không cố ý khoe khoang, nhưng lại vô tình khiến bạn cũ cảm thấy áp lực và xa cách.

Vậy nên hay không nên đi họp lớp?

Với nhiều người, câu trả lời không nằm ở việc “nên” hay “không nên”, mà nằm ở cách buổi họp lớp được tổ chức và tâm thế mỗi người khi tham dự, mối liên hệ tình cảm của các thành viên với nhau.

Nên đi họp lớp nếu:

  • Bạn sẵn sàng đón nhận tất cả – cả những lời khen, những câu hỏi vô tư lẫn... vô duyên.
  • Bạn trân trọng tình bạn, kỷ niệm xưa hơn là những thứ hào nhoáng hiện tại.
  • Bạn muốn kết nối, chia sẻ và tìm lại chút thanh xuân đã qua.

Không nên đi nếu:

  • Bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực, không sẵn sàng đối diện với quá khứ hay sự so sánh.
  • Bạn đang gặp vấn đề tâm lý, tài chính và không muốn bị khơi gợi thêm.

Họp lớp nên là một buổi tự nguyện chẳng ai ép ai, chẳng sợ vì ai đánh giá mà phải đi.

Quan trọng hơn cả, người tổ chức và tham dự họp lớp nên giữ được tinh thần tôn trọng – chân thành – tử tế, muốn gặp nhau. Đừng biến buổi họp lớp thành nơi ganh đua, so sánh, hay diễn trò “ai hơn ai”. Bởi sau tất cả, ai cũng đã mệt mỏi với áp lực cuộc sống, chẳng ai cần thêm một “cuộc đua” ở nơi lẽ ra nên là vùng ký ức bình yên. 

Làm sao để họp lớp thực sự ý nghĩa?

  • Tập trung vào giá trị tinh thần thay vì vật chất. Đừng để nơi gặp gỡ bạn cũ trở thành nơi phân biệt giai cấp.
  • Tôn trọng sự khác biệt. Ai cũng có con đường riêng, định nghĩa thành công khác nhau.
  • Không hỏi sâu chuyện cá nhân. Tránh những câu như: “Lương bao nhiêu?”, “Lấy chồng chưa?”, “Chưa có nhà à?”
  • Khuyến khích sự góp mặt của mọi người, không phân biệt ai thành đạt hay chưa.
  • Biết cảm ơn và giữ liên lạc sau họp lớp. Đừng để họp lớp chỉ là một sự kiện rồi... rơi vào quên lãng.

Bạn có thường xuyên tham dự các buổi họp lớp không? Những buổi họp lớp của lớp bạn có vui không, ý nghĩa không? Bạn cảm thấy thế nào về điều này?