Chàng trai 21 tuổi bàng hoàng phát hiện sự thật về thân thế của mình sau khi mẹ qua đời

Câu chuyện đang được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào.

Mới đây, một bài đăng của Phước Cường (23 tuổi), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM, đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Trong bài viết, Phước Cường chia sẻ rất nhiều hình ảnh về mẹ và bắt đầu bằng dòng: “Chấm điểm những điều mẹ tôi đã làm”. Ban đầu, nhiều người tưởng rằng anh đang đu trend vui vẻ và khoe về người mẹ tuyệt vời của mình. Tuy nhiên, khi lướt sang bức ảnh thứ hai, cộng đồng mạng bỗng chững lại vì câu chuyện đầy bất ngờ.

“-100000000/10 điểm vì bà ấy đã giấu tôi suốt 21 năm về một sự thật rằng bà ấy không phải mẹ ruột tôi”, Phước Cường viết.

chang-trai-21-tuoi-bang-hoang-phat-hien-than-the-cua-minh-sau-khi-me-qua-doi-1
chang-trai-21-tuoi-bang-hoang-phat-hien-than-the-cua-minh-sau-khi-me-qua-doi-2
Câu chuyện của chàng trai sau khi chia sẻ khiến nhiều người không khỏi nghẹn lòng (Ảnh: Báo Đời sống Pháp luật)

Những dòng chia sẻ này khiến không ít người ngỡ ngàng và xúc động, khi họ dần đoán ra câu chuyện mà Phước Cường muốn kể. Cũng có nhiều người không kìm được nước mắt, vì tưởng rằng những tình huống éo le như vậy chỉ xuất hiện trong phim, không ngờ lại xảy ra ngoài đời thực.

Chia sẻ với Báo Đời sống Pháp luật, Phước Cường cho biết câu chuyện này hoàn toàn là sự thật, mẹ của anh đã qua đời gần một năm. Cường kể, hai mẹ con anh quê gốc ở Đà Lạt, và khi anh lên 9 tuổi, cả gia đình chuyển xuống TP.HCM để sinh sống và lập nghiệp. Từ nhỏ đến năm 21 tuổi, dù chỉ có hai mẹ con, cuộc sống của Cường vẫn vui vẻ và bình yên như bao bạn trẻ khác. Anh chỉ biết đó là mẹ của mình.

Phước Cường nghẹn ngào chia sẻ rằng: “Xuống TP.HCM, lúc khỏe thì sáng bưng cháo, chiều mẹ phụ người ta bưng hủ tiếu kiếm tiền nuôi mình ăn học. Nhà chỉ có 2 mẹ con nên đi đâu làm gì cũng có nhau. Mẹ nuôi nấng, chăm sóc mình và khi mình lớn hơn, mình đi làm để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Cuối năm ngoái, mẹ bị trúng gió dẫn đến tai biến phải ở nhà 1 - 2 tháng. 

Lúc bệnh, mẹ giống như một đứa trẻ, khi thì tỉnh khi thì mơ. Mọi ngày, buổi sáng mình đều mua thức ăn đút cho mẹ ăn rồi chào đi làm. Trưa về thì nấu cơm hoặc mua gì đó dễ ăn cho mẹ. Mọi thứ cứ diễn ra như thế cho đến 1 ngày, mẹ nói cần một bình trà, muốn ăn hủ tiếu. Mình chuẩn bị đầy đủ, đút mẹ ăn rồi chào đi làm như mọi ngày. Hôm đó mẹ còn dặn dò mình đi cẩn thận. Nhưng tới trưa khi về nhà, bình trà đổ đầy nhà còn mẹ nằm im ở đó…”.

chang-trai-21-tuoi-bang-hoang-phat-hien-than-the-cua-minh-sau-khi-me-qua-doi-3
chang-trai-21-tuoi-bang-hoang-phat-hien-than-the-cua-minh-sau-khi-me-qua-doi-4
Tấm ảnh hồi nhỏ của Phước Cường và mẹ

Khi được hỏi về sự thật mà mẹ đã giấu suốt 21 năm qua, Phước Cường chia sẻ anh biết được thông tin này qua sư thầy khi làm lễ cúng thất tuần cho mẹ. Cường kể lại rằng: “Thầy hỏi mình là khi còn sống, mẹ có nói bí mật gì không. Mình cũng nhớ lại mẹ hay nói rằng khi nào mẹ mất, mẹ sẽ cho con biết một bí mật. Và khi ấy thầy nó cho mình rằng mẹ không phải mẹ ruột, mẹ không sinh mình ra. Nghe xong mình chỉ biết quỳ gối và bật khóc, không nghĩ ngợi được gì”.

Sau khi bình tĩnh lại, Phước Cường nhận được sự an ủi từ các hàng xóm. Anh cũng đã gọi điện cho người chị gái của mẹ ở nước ngoài để tìm hiểu rõ sự việc. Người họ hàng ở đầu dây bên kia không kìm được nước mắt khi kể lại sự thật. “Mẹ đã nhặt mình ở bệnh viện Đà Lạt, do một người mặc áo đỏ nào đó để mình lại trong bụi cỏ. Mẹ đã khóc và cầu xin đừng ai tiết lộ sự thật này cho mình,” Cường chia sẻ.

Gần một năm sau sự việc, Phước Cường dần ổn định lại tinh thần. Anh không có ý định tìm lại gốc gác của mình và chọn sống một mình ở thành phố. Anh cũng cho biết vẫn đang để tang mẹ. Phước Cường bày tỏ tình cảm sâu sắc với mẹ, nói rằng mọi ký ức và kỷ niệm về mẹ đều luôn in đậm trong tâm trí anh. “Nếu phải nói về mẹ, có lẽ nói mãi cũng không hết. Mình vẫn nợ mẹ cả một cuộc đời,” Cường chia sẻ.

Cuối cùng, khi được hỏi về việc nhiều người có ý kiến trái chiều về cách anh gọi mẹ là “bà ấy”, khiến một số người cảm thấy có sự xa cách, Cường giải thích với Báo Pháp luật Đời sống rằng: “Bình thường khi nói chuyện mình vẫn xưng là con và mẹ chứ. Mình dùng từ ‘bà ấy’ là theo thói quen nói chuyện của nơi mình sống, khi kể về mẹ với người ngoài thôi. Còn với mình, mình chỉ có duy nhất mẹ, dù mẹ không sinh ra mình nhưng công nuôi dưỡng mình trả cả đời không hết. Nếu có kiếp sau, mình vẫn mong có thể ‘làm phiền’ mẹ thêm một lần nữa, và càng mong rằng mình sẽ được làm con ruột của mẹ. Mẹ luôn là người vĩ đại nhất mà mình từng biết”.

Hằng