Căn cước/CCCD là giấy tờ tùy thân của từng cá nhân nhưng không phải người dân thích dùng thế nào thì dùng.
Những hành vi bị cấm liên quan tới căn cước được quy định trong Luật Căn cước
Điều 7 Luật Căn cước ghi những hành vi sau bị nghiêm cấm liên quan tới căn cước:
- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này. (Khoản 2 Điều 19 là: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước)
- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
- Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
- Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Những hành vi bị cấm và mức xử phạt nghiêm khắc khi vi phạm
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, một số hành vi vi phạm liên quan tới dùng căn cước, căn cước công dân sẽ bị xử phạt như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với các hành vi:
+Không xuất trình thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
+ Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử.
+ Không nộp lại thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với các hành vi:
+Chiếm đoạt, sử dụng thẻ CCCD, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
+ Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
+Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ CCCD, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
+Không nộp lại thẻ CCCD hoặc thẻ căn cước cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
+Không nộp lại giấy chứng nhận căn cước khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc xác định có quốc tịch nước ngoài.
- Phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với các hành vi:
+Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp thẻ CCCD, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ CCCD, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước.
+ Giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
- Phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Làm giả thẻ CCCD, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Sử dụng thẻ Căn cước công dân giả, thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại giả.
+ Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước.
+ Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước; Mượn, cho mượn thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Người dân cần chú ý
- Cấp đổi cấp lại kịp thời trước khi thẻ căn cước, CCCD hết thời hạn, khi bị mất, khi bị hư hỏng
-Tuyệt đối cấm không được mang đi cầm cố, thế chấp, mua bán, cho thuê, cho mượn
- Không được làm giả, cố tình tẩy xóa làm sai lệch thông tin
- Khi ra ngoài cần mang theo căn cước/CCCD để xuất trình khi có yêu cầu
- Không cầm cố giữ căn cước/CCCD của người khác (ví dụ như cố tình đòi giữ căn cước/CCCD của người làm thuê, của khách hàng...) và cũng hoàn toàn có quyền không cho người khác giữ căn cước/CCCD của mình trong các trường hợp này.