Vàng ô là một chất cấm không được phép dùng trong chăn nuôi, trồng trọt. Thế nhưng trên thực tế trong nhiều năm qua, không ít lần dư luận lo ngại vì thực phẩm nhiễm vàng ô.
Gần đây, Trung Quốc siết chặt kiểm tra sầu riêng vì lo ngại vàng ô khi nhập sầu riêng vào nước này lại lần nữa dấy lên lo ngại ô nhiễm chất này.
Vàng ô là gì, nguy hiểm thế nào?
Vàng ô là một loại hóa chất công nghiệp bị cấm trong thực phẩm, thường được dùng trong công nghiệp để tạo màu như sợi vải, sơn quét tường...
Vàng ô (Auramine O) bị Tổ chức ung thư thế giới xếp vào nhóm các chất có khả năng gây ung thư cao.
Chất này tuyệt đối không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm hay chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng ở một số nơi, vì lợi nhuận, chất này vẫn bị lạm dụng để tạo màu vàng bắt mắt cho măng, cải chua, thịt gà, trồng trọt và chống nhiễm nấm nhiễm khuẩn.

Khi đi vào cơ thể người, vàng ô có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng. Người tiếp xúc hoặc ăn phải thực phẩm chứa vàng ô có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Nếu hít phải, chất này gây ho, khó thở, viêm đường hô hấp, co thắt phế quản. Ngoài ra, tiếp xúc qua da cũng có thể gây kích ứng, mẩn đỏ, sưng đau, thậm chí hoại tử.
Các nghiên cứu cho thấy vàng ô là một chất tan trong mỡ, vì thế nó tích tụ trong gan và phá hủy gan đầu tiên, sau đó ảnh hưởng đến thận và các cơ quan nội tạng khác. Nguy cơ ung thư gan, thận và các bệnh lý mạn tính là cực kỳ cao nếu cơ thể tích lũy chất này trong thời gian dài.
Người ta dùng vàng ô thế nào?
Vàng ô có thể được trộn vào thức ăn chăn nuôi, đặc biệt gà vịt là nhóm động vật có thể bị dùng chất này. Bởi vì nuôi gà được trộn thức ăn chứa vàng ô sẽ có da và lòng, mỡ vàng đậm bắt mắt hơn bình thường. Vàng ô còn có thể bị quét lên ngoài da gà để chúng lên màu đẹp.
Trong trồng trọt có thể cho chất vàng ô vào chăm bón và ngâm khi thu hoạch để màu quả đẹp hơn. Ví dụ sầu riêng nhiễm vàng ô sẽ cho màu vàng đẹp bắt mắt. Hoặc trái cây ngâm vàng ô để bảo quản vì vàng ô có thể chống nấm, vi khuẩn.
Trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn có thể bị dùng vàng ô để cho chúng lên màu đẹp lâu hỏng, điển hình là cải muối chua và măng ngâm có nguy cơ cao.
Măng ngâm vàng ô có màu vàng óng. Cải muối dưa có vàng ô cho màu vàng đẹp không bị thâm khú.

Mách bạn cách nhận biết thực phẩm nhiễm vàng ô để tránh
Để tránh mua phải thực phẩm chứa chất vàng ô, người tiêu dùng cần tỉnh táo và cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn:
Đối với thịt gà: Nên chọn gà có da màu vàng nhạt tự nhiên, phần ức – cánh – lưng có thể vàng hơn đôi chút. Da gà mỏng, mịn, không bầm tím, có độ đàn hồi tốt. Mỡ dưới da gà bình thường có màu vàng tươi, không trắng bệch hoặc không vàng óng lạ thường.
Nếu da gà vàng bất thường mà phần mỡ gà lại trắng thì đó có thể là bị quét vàng ô bên ngoài. Nếu toàn bộ mỡ lòng, da gà vàng óng đậm màu bất thường thì có thể là gà được cho ăn chất vàng ô trong quá trình nuôi, chất này tích tụ trong nội tạng và không đào thải được ra ngoài nên dù có mua gà sống về nuôi thêm tại nhà thì cũng không thải được chất độc ra.
Với măng: Măng tự nhiên có màu vàng nhạt hoặc hơi ngả trắng, dai và khó bẻ gãy. Măng ngâm hóa chất thường vàng đậm, giòn và dễ gãy vụn.
Các loại thực phẩm khác như sầu riêng, cải chua...: Không nên mua thực phẩm có màu sắc quá đẹp, bắt mắt, vì có thể đã được nhuộm hóa chất. Hãy ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm định.
Vàng ô là chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm và đã bị cấm sử dụng trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế, một số cơ sở vẫn bất chấp sử dụng để "làm đẹp" cho thực phẩm, gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Việc nâng cao nhận thức, chọn thực phẩm kỹ lưỡng và yêu cầu minh bạch nguồn gốc sẽ là cách tốt nhất để chúng ta tự bảo vệ bản thân và gia đình khỏi “chất độc vô hình” đang len lỏi trong từng bữa ăn hằng ngày.