Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ ngập nợ: Hơn 1,14 tỷ euro đè nặng 4 ông lớn

Các đại gia Thổ Nhĩ Kỳ chi đậm, thu ít, lún sâu vào khủng hoảng tài chính với tổng nợ vượt 1,14 tỷ euro tính đến đầu 2025.
Fenerbahce, Galatasaray đang nợ rất nhiều tiền
Fenerbahce, Galatasaray đang nợ rất nhiều tiền

Tình trạng tài chính của bốn ông lớn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ – Besiktas, Fenerbahce, Galatasaray và Trabzonspor – đang ngày càng trở nên bấp bênh. Tính đến đầu năm 2025, tổng số nợ của họ đã vượt mốc 1,14 tỷ euro. 

Trong đó, khoản nợ với Hiệp hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 200,4 triệu euro, còn lại là nợ ngoài hệ thống ngân hàng – chủ yếu phát sinh từ chuyển nhượng kém hiệu quả và chi phí lương cầu thủ cao ngất ngưởng.

Galatasaray hiện có khoản nợ ngoài ngân hàng lớn nhất với 293,9 triệu euro, tiếp theo là Fenerbahce (255,5 triệu euro), Besiktas (209,3 triệu euro) và Trabzonspor (184,6 triệu euro).

Dù từng đầu tư mạnh vào thị trường chuyển nhượng, cả bốn đội đều ghi nhận lỗ ròng. Riêng Besiktas thua lỗ tới 74,94 triệu euro sau năm mùa giải, Galatasaray lỗ 66,35 triệu euro, trong khi Fenerbahce và Trabzonspor cũng lần lượt âm 60,78 và 59,19 triệu euro.

Đáng chú ý, mức lương các cầu thủ đang trở thành gánh nặng chính. Victor Osimhen, cái tên đến Thổ Nhĩ Kỳ từ Napoli, CLB xếp nhì Serie A, Mauro Icardi và Rafa Silva đều nhận lương ròng khoảng 6 triệu euro mỗi mùa, chưa kể các khoản thưởng và thuế thu nhập. Chỉ riêng tiền đạo Immobile, Besiktas phải chi tổng cộng 10,5 triệu euro/năm. Ngoài ra, CLB này vẫn phải trả 4,6 triệu euro cho Aboubakar dù đã cho mượn. Tổng chi phí chỉ cho vị trí tiền đạo có thể lên tới 17 triệu euro – con số vượt xa khả năng cân đối tài chính.

Dù có những bản hợp đồng đình đám như Victor Osimhen, mục tiêu của Manchester United, (giá trị thị trường 70 triệu euro) hay Gabriel Sara (22 triệu euro), nhưng doanh thu chuyển nhượng không đủ để duy trì sự bền vững. Các thương vụ như Arda Guler đến Real Madrid (20 triệu euro) hay Kim Min-jae, người đang gặp khó tại Bayern Munich, (19 triệu euro) được coi là thành công hiếm hoi trong một thị trường xuất khẩu cầu thủ kém hiệu quả.

Guler được bán tới Real với giá 20 triệu euro
Guler được bán tới Real với giá 20 triệu euro

Một điểm sáng hiếm hoi là Fenerbahce, khi CLB này đã bán 4,8% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm trả nợ và cải thiện cấu trúc tài chính. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để giải quyết gốc rễ khủng hoảng.

Tình hình hiện tại đặt bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ trước thách thức sống còn. Nếu không sớm tái cấu trúc tài chính và thay đổi chiến lược chuyển nhượng, tương lai của các CLB lớn sẽ tiếp tục bị đe dọa, cả trong lẫn ngoài sân cỏ.