Body Beauty Slim quảng cáo ‘thổi phồng’ công dụng: Không ăn kiêng, không tập luyện dáng vẫn đẹp!? 

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Body Beauty Slim đang được quảng cáo thổi phồng công dụng, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Do thói quen sinh hoạt mất cân bằng giữa yếu tố dinh dưỡng và yếu tố vận động thể lực nên tình trạng thừa cân béo phì ngày càng trở nên phổ biến ở xã hội hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, trên thị trường hiện này xuất hiện rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân dạng viên uống, viên sủi, bột, cao, nước, trà…

Trong khi dược phẩm muốn được lưu hành phải chứng minh khoa học là có tác dụng trị bệnh thật sự và an toàn thì với thực phẩm chức năng lại không có những yêu cầu khắt khe như vậy, nhà sản xuất chỉ cần công bố chất lượng của sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng dễ rơi vào tình huống phải đối mặt với “ma trận” những sản phẩm hỗ trợ giảm cân trên thị trường mà quảng cáo với chất lượng thực tế nhiều khi vẫn là một dấu hỏi.

Theo khảo sát, sản phẩm Body Beauty Slim trên thị trường đang có dấu hiệu quảng cáo “thổi phồng” công dụng. Trên một fanpage Facebook có tên “Viên sủi giảm cân Body Beauty Slim”, sản phẩm đang được quảng cáo với những công dụng như “thần dược": “bay vèo vèo 8-15 kg mỡ thừa”, “không ăn kiêng - nhịn ăn”, “không tập luyện vất vả”, “công nghệ đột phá, cho mọi cơ địa khó và lỳ nhất”, “3 tháng ăn kiêng không bằng một tuần sử dụng”...

body-beauty-slim-1620703493.PNG
body-beauty-slim-3-1620702520.PNG
Nội dung quảng cáo có thể gây hiểu lầm sản phẩm là thuốc giảm cân.

Tất cả nội dung quảng cáo trên như khẳng định người sử dụng không cần ăn kiêng hay tập luyện mà chỉ cần uống Body Beauty Slim là có thể giảm được cân.

Không những vậy, để tăng thêm “niềm tin” với người dùng, nội dung quảng cáo còn được “cài” thêm câu “Bộ Y tế kiểm định cấp phép”, “tiêu chuẩn quốc tế”... như thể hiện các công dụng “thần thánh” nêu trên đều đã được cơ quan kiểm định trong và ngoài nước xác thực.

Thậm chí, nhiều đoạn clip có hình ảnh của người nổi tiếng cũng được sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm Body Beauty Slim. 

Trong một video thời lượng khoảng 8 phút trên Youtube, nam diễn viên tên L. quảng cáo viên sủi giảm cân Body Beauty Slim “thần kỳ” với các thành phần “khắc tinh của mỡ thừa”, có thể “đào thải tất cả các loại mỡ thừa từ bên trong ra bên ngoài”, “đánh tan mỡ thừa, đặc biệt là vùng bụng”, “đẹp dáng đẹp da”, ... Sau 1 tháng sử dụng với liều lượng 2 viên/ngày, nam diễn viên này đã giảm được 4 kg. 

body-beauty-slim-22-1620702492.PNG

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sản phẩm Body Beauty Slim được Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cấp xác nhận quảng cáo số 3668/2020/XNQC-ATTP ngày 12/11/2020, cho Công ty TNHH MIHACO Việt Nam (Số 8 Dãy D1 Khu giãn dân Yên Phúc, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội), người đại diện pháp luật của công ty là ông Vũ Văn Minh. Sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có công dụng hỗ trợ giảm béo chứ không hề có những công dụng “thần kỳ” hay giúp giảm cân nhanh chóng như trong quảng cáo.

Đặc biệt, quá trình cấp phép, Cục ATTP khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc; không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của sản phẩm, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường…

Thế nhưng trong quảng cáo nói trên và rất nhiều quảng cáo khác, không hề nhắc đến những khuyến cáo này mà chỉ nói những từ ngữ ngoài nội dung cho phép như “đào thải tất cả mỡ thừa”, làm “da dẻ hồng hào”.

Tất cả những nội dung quảng cáo trên đều có dấu hiệu lừa dối, hướng tới mục đích “thổi phồng” chất lượng của sản phẩm.

Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Body Beauty Slim hiện nay đang có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.