Tăng hình thức học trực tuyến
Ngày 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố hoạt động đồng hành, hỗ trợ của ngành thông tin và Truyền thông (TT&TT) với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.
Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Chuyển đổi số được bàn rất nhiều và được thực hiện rất quyết liệt, khái niệm thông tin số, quốc gia số cũng đã được thực hiện một cách mạnh mẽ. Điều này, phản ánh một xu hướng rất rõ, mạnh về ứng dụng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bộ GD&ĐT cũng không nằm ngoài xu hướng này”.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT là một trong những ngành rất quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của mình, chuyển đổi số trong ngành giáo dục có vai trò hết sức quan trọng. Có tác động lớn với đất nước trước mắt và lâu dài.
Do vậy, nếu con người được đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, thực hành trong các ngành khác nhau thì đóng góp vào chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh.
Trong ngành giáo dục, chuyển đổi số trước hết là số hoá các thông tin dữ liệu quản lý tạo thành cơ sở dữ liệu lớn trong ngành. Đặc biệt, các hệ thống học liệu, kiến thức, phân tích ngành và dựa trên các chỉ số phát triển để đưa ra những chính sách dựa trên minh chứng và trong các quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô, vi mô ngành quản trị các trường học. Đồng thời, trong giáo dục sẽ rút ngắn được khoảng cách lớn về phát triển, xây dựng các mô hình bài giảng thông minh, rút ngắn khoảng cách không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, ngành giáo dục ý thức được có nhiều yếu tố, có nhiều điều kiện để thành công trong đó tập trung 4 nội dung:
“Thứ nhất, thống nhất nhận thức của đội ngũ giáo viên, học sinh để sẵn sàng thực hiện chủ động thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục; Thứ hai, phải có nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, thiếu không vận hành được; Thứ ba, cơ chế chính sách cũng rất quan trọng, như chính sách với giáo viên (chuẩn giáo viên công nghệ thông tin), phát triển hệ thống dạy và học công nghệ thông tin ở các trường đại học, THPT… đã ban hành thông tư hướng dẫn dạy và học trực tuyến trên truyền hình; Thứ ba, cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia, đóng góp vào GD&ĐT trong ứng dụng công nghệ thông tin; Thứ 4, người trong ngành phải có am hiểu, kỹ năng về ứng dụng công nghệ số, tới đây sẽ hướng dẫn cho giáo viên, thậm chí ngay cả phụ huynh cũng đều có hướng dẫn…”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.
Để thực hiện việc chuyển đổi số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, ngành đã rà soát ban hành một số văn bản, đồng thời đề xuất với Chính Phủ ban hành đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành năm 2017.
Ứng dụng trong khung kiến trúc điện tử, trong quản lý đã xây dựng cơ sở dữ liệu trong toàn ngành. 53.000 các cơ sở giáo dục, khoảng 1 triệu 500 giáo viên và cán bộ quản lý, 23 triệu học sinh xây dựng hồ sơ và số hoá để tạo ra cơ sở dữ liệu phân tích trong toàn ngành…
Về học liệu số, cùng các bộ ngành khác tham gia số hoá, có nhiều tài liệu trong đó có 5.000 bài giảng điện tử…
Tiếp đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu về thách thức trong quá trình dịch Covid-19, Bộ trưởng nói: “Cũng như nhiều ngành khác, ngành giáo dục ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19, lúc đầu chúng ta kiểm soát rất tốt và tình hình dịch không đến mức phức tạp như hiện nay. Ban đầu, ngành giáo dục đã có giải pháp là lùi thời gian học, nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp đặc biệt tình hình tới đây thì chúng tôi tập trung giải pháp không phải lùi thời gian học mà rà soát nội dung các môn học học kỳ 2 từ lớp 1 đến lớp 12, trên cơ sở rà soát đó, tinh gọn lại, giảm các nội dung mà chưa nhất thiết phải ưu tiên. Trên cơ sở tinh gọn, tổ chức bài giảng điện tử, hoặc các bài giảng ứng dụng trên các hạ tầng công nghệ, phải được thẩm định thống nhất.
Đồng thời, ban hành bài thi minh hoạ tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020, nguyên tắc của chúng tôi là giảm những nội dung có thể giảm được, nhưng giữ được chất lượng. Trong tình huống này, ngành giáo dục vẫn đảm bảo kiểm soát được, không đặt vấn đề lùi thời gian nhưng tăng hình thức học trực tiếp thành học trực tuyến vẫn đảm bảo nội dung cơ bản, củng cố và tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng, trong hôm nay chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn này”.
Bộ trưởng bộ GD&ĐT nhấn mạnh, chủ trương ứng phó với diễn biến dịch bệnh tới đây sẽ tập trung vào đổi mới hình thức dạy và học trên truyền hình đối với bậc THPT, và mở rộng, củng cố kiểm soát chất lượng học internet đối với bậc đại học.
“Đến nay, bên cạnh những chính sách, những cố gắng của các địa phương vai trò của các tập đoàn công nghệ tích cực tham gia vào công tác dạy và học internet. Ngành giáo dục cùng các bên liên quan cố gắng thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường không dừng việc học”, việc học phải mọi lúc mọi nơi. Trong mùa dịch này tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn phải duy trì. Phương thức tổ chức dạy và học qua internet và trên truyền hình rất hiệu quả”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Khi triển khai phương thức học mới, Bộ trưởng Nhạ cho rằng có mặt tích cực nhưng cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi mới thực hiện: “Nhưng, chúng ta phải kiên định chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, không chỉ trong mùa dịch mà qua mùa dịch sẽ tạo nề nếp, nền tảng để phát triển sau, chúng ta phải quan niệm “biến nguy thành cơ””.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng việc học qua internet cần phải có một hạ tầng, điều kiện về tài chính, Bộ trưởng Nhạ cũng rất mừng và có niềm tin khi ngành thông tin và truyền thông phối hợp với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch Covid-19. Tạo ra đột phá trong giáo dục, tạo ra cuộc cách mạng trong việc chuyển đổi phương thức giáo dục đào tạo truyền thống để tiếp cận nhanh hơn với cuộc cách mạng 4.0 và nguồn nhân lực của chúng ta nhanh chóng trở thành công dân toàn cầu.
Ngành TT&TT luôn đồng hành cùng ngành GD&ĐT
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, ngành TT&TT đã luôn đồng hành cùng ngành GD&ĐT, có thể kể đến chương trình internet miễn phí cho các trường học, đây là chương trình đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có ITU - Liên minh Viễn thông Thế giới, đưa thành Case Study để phổ biến ra toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu: “Trong chiến lược chuyển đổi số Quốc gia thì ngành GD&ĐT được ưu tiên số 1. Một quốc gia chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải thành công trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Vì chính ngành này chuẩn bị lực lượng công dân và nhân lực có kỹ năng số.
Trong Chỉ thị thứ 2 của ngành TT&TT về việc hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới, vừa được ban hành ngày hôm qua, ngày 25/3/2020, ngành giáo dục và đào tạo cũng được nhắc đến đầu tiên, được tập trung chỉ đạo đầu tiên”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ chính những khó khăn, Covid-19 lại tạo ra cơ hội mà chỉ trong khó khăn mới xuất hiện cho chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục. Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ mới để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên.
Việt Nam có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có năng lực, có tiềm lực, có đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp công nghệ số rất sáng tạo. Các doanh nghiệp này đang chuyển hướng Make in Vietnam, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số. Hầu hết các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số đều có thể do các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển.
Các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành TT&TT cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong thời covid-19: Đưa các chương trình giáo dục lên truyền hình; báo chí sẽ tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; các doanh nghiệp viễn thông, MXH Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến mọi người dân liên quan về các thông báo quan trọng của bộ Giáo dục và Đào tạo; các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thầy cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học; gói hỗ trợ mùa Covid này ước tính hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo, sẽ là những nền tảng khác nữa, các ứng dụng khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Sự hợp tác giữa ngành TT&TT và ngành GD&DT sẽ là liên tục và mãi mãi.
Bộ TT&TT và bộ GD&ĐT cũng sẽ hợp tác với nhau để ra các tiêu chuẩn về CNTT và ATTT để đảm bảo tính mở của các nền tảng, đảm bảo tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Đảm bảo không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.
“Chúng tôi mong muốn bộ GD&ĐT, tiếp tục đặt hàng nhiều hơn nữa, đưa ra nhiều yêu cầu thách thức hơn nữa cho ngành TT&TT. Vì chúng tôi luôn nhận thức rằng, ngành CNTT nước nhà chỉ có thể mạnh lên, nếu ngành giáo dục và đào tạo, cũng như mọi ngành khác, đặt ra các yêu cầu cao, càng cao càng tốt, càng thách thức càng tốt. Việc lớn đến đâu thì sẽ tạo ra người lớn đến đó. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn bất cứ ai đưa ra yêu cầu cao cho ngành của chúng tôi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bộ TT&TT và bộ GD&DT bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với các doanh nghiệp số Việt Nam, tới Viettel, VNPT, Mobiphone, Vietnamobile, đã có những hỗ trợ ban đầu cho ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng, tiếp theo sẽ là nhiều các doanh nghiệp khác nữa, nhất là các doanh nghiệp phát triển ứng dụng sẽ tích cực tham gia chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, và đặc biệt là các ứng dụng kịp thời cho thời covid-19.
“Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ số Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Và đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số làm để bao mạng sống mà Covid-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Cuối buổi lễ, các đại biểu đã chứng kiến phần ký kết các nội dung đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.