Bố Già liệu có tiếp tục “làm mưa làm gió” tại thị trường nước ngoài?

Thành công tại thị trường nội địa liệu có tiếp sức để Bố Già tiếp tục “vùng vẫy” tại các phòng vé nước ngoài?

Nhiều tranh cãi nhưng vẫn lập kỷ lục phòng vé Việt

Dù đã đạt những kỷ lục về doanh số phòng vé tại thị trường phim Việt nhưng đến nay, các suất chiếu Bố già vẫn tiếp tục thu về đều đặn 1 tỷ đồng/ngày.

saostar-z5xlfsxt6jpqp3ay-1619581187.jpg
Phim "Bố Già" là phim Việt đầu tiên xác lập kỷ lục bán vượt 5 triệu vé - (Ảnh: Galaxycine.vn)

Nhiều tranh luận trái chiều về thành công của “Bố Già”. Rằng sản phẩm lần này của Trấn Thành có tốt, nhưng mới chỉ dừng lại ở phim chiếu rạp chứ chưa thể chạm ngõ điện ảnh đỉnh cao. Rằng thành công của “Bố Già” là thành công của một chiến lược marketing quá hoàn hảo. Rằng bộ phim hơn những sản phẩm khác của điện ảnh Việt ở yếu tố may mắn, gặp thời. Dù vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh sự thành công của Bố Già nhưng kỷ lục về doanh thu là điều thể phủ nhận.

Sau “cơn sốt” phòng vé ở các cụm rạp tại Việt Nam, khán giả trông chờ liệu “Bố Già” có đủ sức để chinh phục màn ảnh rộng tại thị trường quốc tế hay không? Như cái cách mà những bộ phim Thái, phim Hàn, phim Mỹ,... vẫn càn quét các phòng vé tại thị trường Việt Nam?

Điều gì làm nên sức hấp dẫn của “Bố Già”?

“Bố Già” được làm theo phong cách hài đen đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc và thế giới. Phảng phất đâu đó ta thấy mô-típ này trong siêu phẩm điện ảnh Hàn Quốc Ký Sinh Trùng (Parasite). Có thể nói Bong Joon Ho đã truyền nguồn cảm hứng dồi dào cho điện ảnh Châu Á, không chỉ bởi những thông điệp và còn cả cách làm phim.

Bố già cũng kế thừa nhiều thủ pháp của Ký Sinh Trùng khi mang tới màu sắc hóm hỉnh trong những lời thoại đời thường, nhưng lại đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc, thậm chí nghiệt ngã trong cốt truyện và kịch bản.

Ở đây là xung đột giữa hai thế hệ và các quan niệm về hiện đại và truyền thống, giữa cái hợp lý có tính triết lý và các tập quán làng xã còn rất nặng nề trong đời sống phố thị ở Việt Nam.

Người cha đại diện cho cái cổ hủ, những mối quan hệ gia đình, huyết thống phức tạp, nhức nhối, đầy phi lý, vốn gây ra những hệ luỵ về tinh thần và vật chất. Người con lại tiêu biểu cho một thế hệ trẻ có trí tuệ, năng động và đầy triết lý sống, muốn vươn lên một cuộc sống mới, chất lượng hơn.

Họ quyện chặt vào nhau trong mối quan hệ cha con và đẩy nhau tới tận cùng của ranh giới con người trong các mối quan hệ với họ hàng, gia đình, xã hội thông qua các plot twist liên tục, đầy sáng tạo và bất ngờ. Đan xen là các phân cảnh tự sự đẫm nước mắt, đậm chất Á Đông kiểu Hàn Quốc, khiến người xem bị đẩy đến nhiều trạng thái cảm xúc trái ngược. Hậu quả của mỗi cách sống ở từng người lại cứ xoắn chặt vào nhau. Câu chuyện cứ thế xảy ra một cách rất tự nhiên như ta đang sống.

2176018-1619581347.jpg
Phim ghi điểm với những thông điệp về tình cảm gia đình (Ảnh: Galaxycine.vn)

Và cũng giống như Ký Sinh Trùng, mỗi người đều là nạn nhân và thủ phạm của chính mình. Nhưng vì là con người, ai cũng phải có các mối quan hệ gia đình, xã hội, họ đành để nó cuốn đi dù chọn cho mình lẽ sống nào. Anh không có lựa chọn thoả hiệp, mà chỉ có lựa chọn hướng đích. Chính thông điệp này khiến “Bố Già” được đánh giá là chạm tới những vấn đề cốt lõi của đời sống hiện đại, điều mà ta có thể nhìn ra ở mọi nền văn hoá, nhất là các quốc gia Á Đông.

Lạc quan mang phim Việt “gõ cửa” điện ảnh thế giới

Đưa phim Việt công chiếu ở nước ngoài là hướng đi của nhiều nhà sản xuất gần đây. Ta đã thấy một Ngô Thanh Vân với phim hành động “Hai Phượng” ra mắt thị trường Mỹ vào tháng 3/2019, nâng doanh thu của phim lên hơn 200 tỷ đồng. Hay một Lý Hải với “Lật mặt 4: Nhà có khách” sau khi công chiếu tại Mỹ và Australia đã lọt top 4 tác phẩm ăn khách nhất phòng vé Việt giữa năm 2019 với 120 tỷ đồng doanh thu.

Có tựa quốc tế “Dad! I'm sorry”, giữ nguyên thời lượng 128 phút như bản chiếu nội địa, tác phẩm đã chào sân 2 thị trường Singapore và Malaysia hôm 22/4 vừa qua với những tín hiệu vui đầu tiên. Dù đoàn làm phim không ra nước ngoài tổ chức sự kiện công chiếu do Covid-19 nhưng nhiều suất chiếu đã lấp đầy ghế ngay từ ngày đầu ra mắt.

pic2-1-1619581387.jpg
"Bố già" tại một cụm rạp ở Singapore bán hết vé trước giờ chiếu ngay tối 22/4 với số ghế theo quy định giãn cách (Ảnh: Golden Village)

Trấn Thành cho biết việc ra mắt phim ở thị trường quốc tế nằm trong kế hoạch quảng bá của anh. Sau hai quốc gia đầu tiên, phim đang chờ lịch chiếu ở Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Mỹ...

Với tiếng vang trong nước cùng phong cách hài đen đang thịnh hành, cùng chúc cho “Bố Già” sẽ lập nên những kỷ lục mới khi “gõ cửa” các phòng vé thế giới? Hãy cùng chờ đợi và hy vọng nhé!