Biển báo ôtô ngang và dọc có ý nghĩa gì? Chấp hành sai có thể bị phạt tiền lên đến 22 triệu đồng

Khi lưu thông trên đường, bạn sẽ thấy có những biển báo giao thông thể hiện hình ảnh xe con nằm ngang hoặc nằm dọc. Vậy những biển báo này mang ý nghĩa gì? Người tham gia giao thông chấp hành ra sao cho đúng?

Cả hai loại biển báo có hình đầu xe và hình chiếc xe quay ngang đều thể hiện làn đường dành riêng cho ô tô. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở loại phương tiện ô tô nào được phép lưu thông trên làn đường đó.

Cụ thể, biển có hình đầu xe biểu thị làn đường dành cho mọi loại ô tô, bao gồm cả xe con, xe tải, xe buýt, đầu kéo... Trong khi đó, biển có hình xe quay ngang lại chỉ rõ làn đường dành riêng cho một loại ô tô cụ thể, phụ thuộc vào hình dáng phương tiện được thể hiện trên biển.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ – Quy chuẩn 41/2019, nhóm biển báo phân làn theo phương tiện được ký hiệu là nhóm R.412. Mỗi loại biển trong nhóm này tương ứng với từng loại phương tiện cụ thể. Đáng chú ý, biển R.412f được sử dụng để chỉ làn đường dành riêng cho tất cả các loại ô tô, không phân biệt chủng loại.

luat-giao-thong-1
luat-giao-thong-3
Biển báo hình đầu xe và chiếc xe quay ngang có ý nghĩa gì? (Ảnh minh họa)

Bộ biển báo R.412 được sử dụng để quy định làn đường dành riêng cho từng loại phương tiện, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và điều tiết hợp lý lưu lượng xe. Cụ thể như sau:

  • Biển R.412a: Làn đường dành cho ô tô khách, bao gồm cả xe buýt. Trường hợp cần phân loại thêm theo số chỗ ngồi, số chỗ cho phép sẽ được ghi rõ trên thân xe trong hình vẽ của biển báo.

  • Biển R.412b: Làn đường dành riêng cho ô tô con.

  • Biển R.412c: Làn đường dành cho ô tô tải. Nếu cần phân chia theo khối lượng chuyên chở, trị số khối lượng cho phép của xe tải sẽ được thể hiện trên hình vẽ của biển báo.

  • Biển R.412d: Làn đường dành riêng cho xe máy và xe gắn máy (loại có dung tích dưới 50 phân khối).

  • Biển R.412e: Làn đường dành cho xe buýt. Trong đó, nếu vạch sơn phân làn là nét đứt, các phương tiện khác được phép lưu thông nhưng phải nhường đường, không cản trở hoạt động của xe buýt. Ngược lại, nếu vạch phân làn là nét liền, các phương tiện khác không được phép đi vào làn này.

  • Biển R.412g: Làn đường dành cho xe máy và xe đạp.

  • Biển R.412h: Làn đường dành riêng cho xe đạp, bao gồm cả xe thô sơ.

Trong trường hợp một làn đường cho phép nhiều loại phương tiện lưu thông cùng lúc, biển báo sẽ được thiết kế dạng gộp — ví dụ, làn đường dành cho cả ô tô con và xe buýt — để người tham gia giao thông dễ nhận biết và chấp hành.

luat-giao-thong-2

Theo quy định tại Nghị định 168/2024, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đi không đúng phần đường, làn đường sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, tùy theo loại phương tiện và mức độ vi phạm.

Đối với xe máy: Người điều khiển môtô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện) đi không đúng phần đường, làn đường quy định sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp vi phạm gây tai nạn giao thông, mức phạt tăng lên từ 10 đến 14 triệu đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.

Đối với ôtô: Lái xe ôtô đi sai phần đường, làn đường bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng. Nếu vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian từ 2 đến 4 tháng.

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Người điều khiển phương tiện đi không đúng làn, phần đường sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng. Trường hợp gây tai nạn giao thông, mức xử phạt tăng lên từ 20 đến 22 triệu đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.

Hằng