Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông

Trong 2 ngày 15 và 16/3, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại huyện Tu Mơ Rông. Tại đây, nhiều vấn đề, vướng mắc của cơ sở đã được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết sát sao và chỉ ra hướng phát triển.

Không được để dân nghèo đói trên mảnh đất giàu có 

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại buổi làm việc với Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông vào sáng 15/3.

Cách trung tâm huyện Tu Mơ Rông 50km, xã Đăk Na có tổng diện tích tự nhiên gần 8.500ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Toàn xã có gần 560ha cây lương thực; trên 704ha cây lâu năm, thành lập được 2 HTX. Xã có 12 thôn với 792hộ/2.969 khẩu (chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng), trong đó hộ nghèo chiếm trên 44%, hộ cận nghèo trên 23%.

kom-tum-1-1615979308.jpg
kom-tum-2-1615979308.jpg
Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum làm việc tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Đăk Na cùng các ngành liên quan đã làm rõ một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao; định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2021. 

Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư cầu bê tông qua ngầm Ba Ham - Long Tum; đầu tư 4 cầu treo vào khu sản xuất tập trung; đường vào khu sản xuất, trồng cây dược liệu kết hợp du lịch cộng đồng thác Siu Puông; quy hoạch đầu tư trồng dược liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao và đầu tư sửa chữa, xây mới trụ sở xã.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, xã Đăk Na được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng dược liệu, trồng rừng, vì vậy không được để dân nghèo đói trên mảnh đất giàu có, hệ thống chính trị của huyện, xã phải chỉ đạo, lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con vào tổ hợp tác, HTX; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong năm nay, liên kết với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng mới 20ha sâm Ngọc Linh; vận động bà con vay vốn trồng mới 10ha sâm dây và từ 3-5ha lan kim tuyến; ngoài dược liệu phát triển thêm cây ăn quả, trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì nhân rộng.

Đồng chí đề nghị xã nghiên cứu thành lập Tổ hợp tác nuôi ong rừng dưới tán rừng kết hợp trồng sâm Ngọc Linh; xây dựng kế hoạch, triển khai cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con DTTS như nuôi trâu bò theo hướng kinh tế hàng hóa, chăm lo lao động sản xuất trên chính mảnh đất của mình để thoát nghèo.

Đồng chí đề nghị Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện giúp đỡ người dân trên địa bàn mở rộng diện tích dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh.

Phát triển kinh tế từ thế mạnh du lịch

Tiếp tục chuyến công tác tại huyện Tu Mơ Rông; chiều 15-3, đoàn công tác khảo sát điểm du lịch thác Siu Puông. Đây là thác nước với cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẻ hoang sơ, hùng vĩ, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Thác Siu Puông hay còn gọi là thác đa tầng, nằm lưng chừng dãy núi Văn Peo, thuộc địa phận xã Đăk Na, cách trung tâm xã khoảng 7km. Thác có chiều cao 240m. Thác nước đổ xuống chân thác với nhiều dòng chảy đã tạo nên các tầng thác khác nhau. 

kom-tum-3-1615979308.jpg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác khảo sát thác Siu Puông.

Điều thú vị là khu vực quanh thác nước có 20ha cây ngũ vị tử mọc thành từng khóm leo trên những thân cây cùng hàng chục cây sơn tra cổ thụ tự nhiên, mọc thành một quần thể. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển thác nước Siu Puông thành khu du lịch sinh thái.

Để thác nước Siu Puông thành điểm tham quan, du lịch, xã Đăk Na đề nghị tỉnh, huyện quan tâm có cơ chế thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng thác Siu Puông thành điểm du lịch sinh thái, kết hợp du lịch cộng đồng để tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương; ngoài ra còn thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá văn hóa địa phương và tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của huyện được nhiều người biết đến, phát triển.

Sau khi đi khảo sát thực tế điểm du lịch thác Siu Puông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đầu tư hạ tầng giao thông; có kế hoạch xây dựng thác Siu Puông thành điểm du lịch sinh thái. 

Phát triển dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh gắn với chế biến

Kết thúc chuyến công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông. Trong những năm qua, KT-XH của huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, QP-AN được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 27,3 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi tại cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, cùng với huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông có tiềm năng, lợi thế về phát triển sâm quý Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; phát triển chè, cà phê xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn chậm phát triển so với tiềm năng, thế mạnh.

kom-tum-4-1615979308.jpg
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông.

Các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục hạn chế như: Phát triển dược liệu manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể; dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất chưa quyết liệt; phát triển sâm Ngọc Linh trong dân còn gặp nhiều khó khăn; công tác xây dựng NTM chưa đạt mục tiêu; quy hoạch và phát triển trung tâm huyện chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng giáo dục còn thấp; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người thấp; mô hình của một số HTX, THT hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự là đầu mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ; ứng dụng KHKT vào sản xuất hạn chế; việc bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Tu Mơ Rông còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị hệ thống chính trị huyện Tu Mơ Rông vào cuộc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng lợi thế của huyện. Trước hết, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc giữ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm mang thương hiệu của Tu Mơ Rông; xác định hướng đi trọng điểm trong phát triển kinh tế của huyện từ nay trở đi là phát triển dược liệu, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh gắn với chế biến; phát triển rừng, quản lý bảo vệ rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng, góp phần giảm mạnh hộ nghèo trong thời gian tới.
Đồng chí gợi mở huyện Tu Mơ Rông phải rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX kiểu mới trên địa bàn; làm điểm, làm mẫu, cho ra đời HTX kiểu mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn, không để xảy ra mất rừng, mất đất rừng; đề nghị cơ quan chức năng công nhận giống sâm Ngọc Linh cho người dân thông qua các mô hình HTX.

Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng huyện nhà trong nhiệm kỳ này phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.