Thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
Đó là chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2020; phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Sa Thầy là huyện miền núi, biên giới, giáp Campuchia 31,6 km. Huyện có 10 xã và 1 thị trấn, với 64 thôn, làng; diện tích tự nhiên trên 143.000ha; dân số khoảng 51 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 58,82%. Đảng bộ huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 1.792 đảng viên.
Năm 2020, Sa Thầy đã tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt gần 3.400 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,88 triệu đồng năm 2019 lên 40,02 triệu đồng năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 129 tỷ 893 triệu đồng, vượt 44,7% dự toán tỉnh giao.
Huyện chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại xã Mô Rai.
Diện tích cây cao su, cà phê, sắn, cây ăn quả tiếp tục được đầu tư, nâng cao năng suất đảm bảo phục vụ các nhà máy chế biến nông sản. Công tác trồng rừng, phủ xanh được đẩy mạnh; trong năm trồng mới được 500 ha rừng.
Toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, có 62 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, với tổng số vốn đăng ký 633 tỷ đồng, 12 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 71,54 tỷ đồng. Đến nay, có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,97% và cận nghèo 4,95%.
Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng các đề án hỗ trợ, bổ sung quy hoạch, đầu tư phát triển ngành thể thao Dù lượn gắn du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy trong thời gian qua.
Đồng chí Bí thư lưu ý Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy phải đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là hộ ĐBDTTS để tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận, giải quyết vấn đề thoát nghèo.
“Quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, để phấn đấu đến năm 2025, thị trấn Sa Thầy cơ bản đạt một số tiêu chí đô thị loại IV làm tiền đề nhiệm kỳ 2025 - 2030. Về xây dựng Đảng, năm 2021 tiếp tục nêu cao trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, phấn đấu 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên đạt 75% trở lên. Ngay từ bây giờ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng ngay cuộc vận động thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tuyệt đối không được “bắt tay” hay “bật đèn xanh” cho lâm tặc
Tiếp tục chuyến công tác, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và huyện Sa Thầy đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
BQL Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 56.249ha, thuộc địa bàn 9 xã thị trấn thuộc 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý đã tổ nhiều đợt tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng tại cộng đồng. Duy trì 21 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao; triển khai các hoạt động PCCCR mùa khô 2020-2021, đến thời điểm hiện tại VQG chưa xảy ra cháy rừng.
Ban Quản lý đã trồng mới được 50 ha rừng; thực hiện tái sinh tự nhiên 11 ha; thực hiện 3 đề tài nghiên cứu. Tiếp nhận cứu hộ 67 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao.
Tại buổi làm việc Ban Quản lý đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đơn vị thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và duy trì trả lương cho 24 hợp đồng lao động bảo vệ rừng; giao thêm 20 chỉ tiêu hợp đồng bảo vệ rừng hoặc hỗ trợ kinh phí cho đơn vị hợp đồng bảo vệ rừng vì diện tích rừng lớn, lực lượng hiện tại mỏng; sớm giao kế hoạch vốn để đơn vị triển khai trồng mới 100ha rừng đặc dụng kịp mùa vụ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên VQG Chư Mom Ray trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển lâm sản trong khu vực Vườn Quốc gia và vùng đệm thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu cán bộ, nhân viên Ban Quản lý tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng không để xảy ra tình trạng mất rừng.
Ban Quản lý thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên tham gia bảo vệ rừng, tuyệt đối không được “bắt tay” hay “bật đèn xanh” cho lâm tặc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chính quyền huyện Sa Thầy tăng cường trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý trong bảo vệ tài sản Quốc gia; đồng thời, tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm rẫy, đặt bẫy muông thú, không chứa chấp lâm tặc; khi phát hiện vi phạm, phối hợp với cơ quan liên quan đưa vụ việc ra xét xử nghiêm minh. Yêu cầu Sở NN&PTNT báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh tình hình khó khăn, vướng mắc của VQG hiện nay về kinh phí và biên chế để kịp thời tháo gỡ.
Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Sa Thầy, đoàn công tác đã đến thăm Khu Tưởng niệm Chư Tan Kra thuộc xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy. Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành viên đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.