Purnima Ekanayake sinh năm 1987 tại thành phố Bakamuna phía bắc Sri Lanka, cách Kelaniya 145 dặm. Bố cô là hiệu trưởng một trường cấp 1, mẹ cô là giáo viên ở đó. Khi còn nhỏ, Purnima nhiều lần nói: "Những người lái xe cán qua người khác là những người xấu" và hỏi mẹ mình: "Mẹ không nghĩ những người gây ra tai nạn là người xấu sao?".
Khi thấy mẹ đau buồn vì một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần nhà, Purnima an ủi: "Đừng nghĩ về tai nạn này. Con đến với mẹ sau một vụ tai nạn như vậy". Purnima nói rằng sau vụ tai nạn, cô bé dã nhắm mắt và đến "đây". Khi mẹ hỏi cô có được điều trị sau vụ tai nạn hay không, Purnima kể rằng cô bé không được đưa đến bệnh viện vì "có một đống sắt đè trên người con". Purnima cho biết cô bé đã bị một "chiếc xe lớn" tông trúng.
Cô gái nhỏ khi ấy giải thích thêm rằng sau vụ tai nạn, cô thấy mình lơ lửng vài ngày trong khung cảnh thiếu sáng và thấy nhiều người khác cũng trôi nổi xung quanh mình. Từ cõi linh hồn, Purnima quan sát được đám tang của chính mình, nhìn thấy người thân đang than khóc. Sau đó, Purnima nhìn thấy một luồng ánh sáng, cô đi đến và sau đó tới được "đây", nghĩa là tới nhà cha mẹ ở Bakamuma.
Purnima nói rằng kiếp trước cô là đàn ông và gia đình cô làm hương, cụ thể là hai loại hương Ambiga và Geta Pichcha. Hơn nữa, cô ấy nói rằng gia đình thuê người bên ngoài làm nhang và cô sẽ giám sát những người này. Purnima còn tái hiện lại thói quen vừa đi vừa chắp tay sau lưng, quan sát tiến độ của công nhân.
Theo lời kể lại, xưởng sản xuất nhang của gia đình họ nằm gần một nhà máy gạch và một cái ao. Purnima kể gia đình có hai xe tải và một ô tô. Cô ấy nói rằng tên của mẹ cô ấy là Simona. Purnima còn nhớ được kiếp trước mình học trường Rahula và chỉ học đến lớp 5. Cô cũng nhớ mình kết hôn với người phụ nữ tên Kusumi và có tới 2 đời vợ.
Khi Purnima 4 tuổi, cả gia đình xem một chương trình truyền hình về ngôi đền Kelaniya. Ngay lập tức cô bé nhận ra ngôi đền này. Sau đó, bố mẹ đã cùng Purnima thực hiện chuyến tham quan đến đền Kelaniya, cách Bakamuna 145km. Khi tới khuôn viên ngôi đền, Purnima nói với bố mẹ rằng kiếp trước mình từng sống bên kia sông, đối diện ngôi đền.
Cơ hội để điều tra về ký ức của Purnima nảy sinh vào tháng 1/1993 khi bố cô thuê một giáo viên mới. Thầy giáo này cuối tuần thường về Kelaniya vì vợ con ở đó. Người thầy tên WG Sumanasiri đã đồng ý điều tra những lời kể của Purnima về cuộc sống tiền kiếp bên kia đền Kelaniya. Thông tin gồm: Purnima từng là một người đàn ông bán nhang trên xe đạp, mất vì tai nạn giao thông do xe lớn gây ra. Ngoài ra, 2 loại hương người đàn ông này bán tên Ambiga và Geta Pichcha.
Khi trở về Kelaniya, Sumanasiri phát hiện ra rằng có ba người làm hương đang ở bên kia sông đối diện ngôi đền. Một trong những người này là LA Wijisiri, đã tạo ra nhãn hiệu Ambiga và Geta Pichcha. Sumanasiri cũng biết được người em rể kiêm đối tác kinh doanh của Wijisiri là Jinadasa Perera, đã thiệt mạng khi anh ta bị một chiếc xe buýt đâm trong lúc đạp xe đi bán nhang ở chợ. Tai nạn xảy ra năm 1985, khoảng 2 năm trước khi Purnima ra đời.
Ngay sau khi Sumanasiri truyền đạt những phát hiện của mình, Purnima, cha mẹ cô, Sumanasri và anh rể của anh ấy đã có một chuyến thăm không báo trước tới gia đình Wijisiri. Khi họ đến gần nơi ở, Purnima thì thầm với mẹ: "Người buôn nhang này (ám chỉ kiếp trước của mình) có 2 vợ. Đây là một bí mật. Đừng cho họ địa chỉ của con. Họ có thể làm phiền con".
Lúc ấy, Wijisiri không có nhà, các cô con gái ông đã cho khách vào nhà. Một lát sau, Wijisiri trở về, Purnima nói với mọi người: "Đây là Wijisiri, anh ấy đang đến. Anh ấy là anh rể của tôi".
Purnima kiểm tra những gói nhang tại nhà Wijisiri sau đó hỏi: "Anh đã thay đổi vỏ ngoài của những gói này à?". Wijisiri thực sự đã thay đổi màu sắc và thiết kế các gói nhang khoảng 2 năm một lần. Purnima còn nói rằng Wijisiri bị chấn thương ở đầu gối nên không gập người lại được. Cô nói chính mình ở kiếp trước (tức Jinadasa) đã bôi thuốc lên vết thương cho anh.
Sau đó, Purnima đã hỏi Wijisiri về những người bạn của mình ở kiếp trước, trong đó có Somasiri, người đã thắp hương cho Jinadasa ở Weliggama và Padmasiri, anh trai của Wijisiri. Cô ấy cũng hỏi về người chị gái tiền kiếp của mình, người đã kết hôn với Wijisiri và người mẹ kiếp trước. Cô cũng cho biết gia đình Wijisiri có nhà và xưởng ở nơi khác lúc Jinadasa còn sống. Những gì mà Purnima biết về Jinadasa đã thuyết phục Wijisiri tin rằng cô thực sự là tái sinh của ông.
Sau đó, Purnima còn cho Wijisiri xem vết bớt của mình. Cô nói: "Đây là vết bớt tôi có sau khi bị xe buýt đâm". Cô nói rằng vụ tai nạn xay ra ở Nugegoda, đó là sự thật.
Trong chuyến thăm này, một số người đã đứng bên ngoài ngôi nhà Wijisiri, trong đó có Somariri. Purnima nhìn thấy anh và nói: "Đây là bạn tôi". Nhìn thấy Violet, Purnima cũng nói luôn: "Đây là em gái tôi".
Mọi người hỏi Purnima có nhớ cách làm nhang không, cô trả lời rằng có 2 phương pháp, một cái sử dụng phân bò, cái còn lại sử dụng tro than củi. Dùng 2 nguyên liệu này trộn thêm những phụ gia khác, cuộn vào thanh tre để tạo thành một cây nhang. Purnima còn nói rằng kiếp trước, cô dùng than củi làm nhang và tất cả những tuyên bố trên đều chính xác.
Trường hợp tái sinh của Purnima đã được đưa vào cuốn sách I Saw a Light and Came Here, của Tiến sĩ Erlendur Haraldsson và Tiến sĩ James G. Matlock. Tác giả Haraldsson cho biết bố của Purnima chỉ nghe nói phân bò được dùng làm nhang, mẹ cô không biết gì về quy trình sản xuất. Ông cũng khẳng định Purnima và gia đình Wijisiri không hề biết nhau trước cuộc gặp gỡ năm 1993.