Bách vàng Việt Nam – Báu vật thực vật giữa đại ngàn
Việt Nam là đất nước có thảm thực vật vô cùng phong phú. Trong đó có một loài cây quý hiếm mang giá trị sinh học, kinh tế và sinh thái đặc biệt – đó là bách vàng Việt Nam. Bách vàng được xếp vào một trong những loài cây hiếm nhất trên hành tinh, chỉ được phát hiện cách đây chưa đầy ba thập kỷ, nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới khoa học trong và ngoài nước bởi những đặc điểm độc đáo và tình trạng bảo tồn đáng báo động.

Tại Việt Nam, Bách vàng lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 tại khu vực núi đá vôi thuộc dãy Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Phát hiện này được xem là mang tính đột phá, vì loài cây này không chỉ mới đối với khoa học mà còn thuộc về một chi hoàn toàn mới trong họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Điều này càng làm tăng giá trị khoa học và ý nghĩa của loài bách vàng trong việc nghiên cứu sự đa dạng thực vật trên thế giới.
Sau đó, các cá thể bách vàng khác cũng được phát hiện tại nơi núi cao của tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang. Ngoài lãnh thổ Việt Nam, chỉ duy nhất một cá thể được tìm thấy ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, vào năm 2012, cho thấy phạm vi phân bố của loài này cực kỳ hạn chế.
Bách vàng là loại cây thân gỗ nhỏ hoặc trung bình, khi trưởng thành có chiều cao khoảng 10 đến 15 mét, có thân mọc thẳng và vỏ màu nâu đỏ hoặc nâu xám. Đây là loại cây sinh trưởng chậm và ưa thích môi trường núi đá vôi dốc đứng, nơi có điều kiện khắc nghiệt, đất nghèo dinh dưỡng và khí hậu khô hạn. Nhờ đặc tính sống trong môi trường như vậy giúp bách vàng có vai trò quan trọng trong việc giữ đất, chống xói mòn và duy trì hệ sinh thái bền vững tại các khu rừng núi đá vôi.
Bách vàng có chất lượng gỗ rất cao, với màu vàng nâu đặc trưng, thớ gỗ mịn, cứng và tỏa hương thơm tự nhiên. Đây là đặc điểm khiến bách vàng có giá trị cực lớn trong việc làm đồ nội thật, phong thủy…

Cũng vì mang quá nhiều giá trị về mặt kinh tế, bách vàng hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), loài này được xếp vào nhóm “Nguy cấp” (Endangered – EN). Tại Việt Nam, bách vàng nằm trong danh sách các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IA, đồng nghĩa với việc bị nghiêm cấm hoàn toàn trong khai thác, vận chuyển và mua bán.
Sự suy giảm cá thể của bách vàng nguyên nhân chủ yếu là do nạn khai thức rừng bừa bãi, thiên tai, cháy rừng… Do rừng ngày càng bị thu hẹp để làm đất canh tác. Những kẻ xấu cũng săn lùng loại cây này vì giá trị mà chúng mang lại.
Trước tình hình đó nguy cấp đó, các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn trong nước đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ loài cây quý này. Công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng và khoanh vùng bảo vệ được ưu tiên thực hiện.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tiến hành các chương trình nghiên cứu và nhân giống cũng đang được xúc tiến. Việc gây trồng bằng hạt hoặc giâm cành đã bắt đầu cho thấy một số tín hiệu khả quan, mở ra hy vọng phục hồi quần thể trong tương lai. Việc tái tạo và mở rộng phạm vi sống của bách vàng không chỉ có ý nghĩa trong bảo tồn đa dạng sinh học mà còn góp phần vào chiến lược phát triển rừng bền vững của Việt Nam.