Khi cây "ngủ hè" để sống sót
Khác với suy nghĩ phổ biến, không phải cây nào héo rũ vào mùa nóng cũng là đã chết. Một số loài thực vật, đặc biệt là những loài có nguồn gốc ôn đới hoặc sở hữu cơ chế sinh học đặc biệt, sẽ tạm ngừng phát triển trong điều kiện khắc nghiệt – một hiện tượng được gọi là “ngủ hè” hoặc “giả chết”. Đây là cách chúng tự bảo vệ mình trước nhiệt độ cao và ánh nắng gay gắt.
Vào thời điểm đó, cây sẽ rụng lá, héo thân, thậm chí “biến mất” hoàn toàn khỏi bề mặt đất. Nhưng phần gốc, củ hay rễ vẫn âm thầm sống, chờ thời tiết dễ chịu hơn để hồi sinh mạnh mẽ. Nếu bạn không biết đặc điểm này, rất dễ lầm tưởng là cây đã chết và vứt đi – một hành động khiến nhiều người tiếc hùi hụi khi nhìn thấy cùng giống cây trổ hoa rực rỡ vào thu.
Dưới đây là 4 loài cây tiêu biểu cho “nghệ thuật” giả chết giữa mùa hè – biết rồi thì hãy kiên nhẫn và yêu thương chúng hơn nhé.
Clematis – Nữ hoàng leo giàn nhưng cực “nhạy cảm”
Clematis, hay còn gọi là hoa ông lão, là loài cây leo rất được yêu thích vì hoa đẹp, màu sắc phong phú, thích hợp trang trí giàn hoặc ban công. Tuy nhiên, vào mùa hè, nhất là khi nắng gắt kéo dài, cây dễ rơi vào trạng thái héo rũ toàn thân, lá rụng gần hết, thân cây trở nên khô khốc khiến ai nhìn cũng nghĩ “đã xong đời”.
Thực ra, Clematis chỉ đang bước vào kỳ “ngủ hè” để tiết kiệm năng lượng và tránh bị sốc nhiệt. Nếu phần rễ vẫn ổn, cây hoàn toàn có thể hồi sinh khi trời dịu lại. Chỉ cần cắt bỏ cành héo, giữ đất hơi ẩm và để cây nơi có bóng mát, khoảng đầu thu Clematis sẽ bắt đầu ra mầm non trở lại.
Một số giống Clematis lai hiện nay đã được cải thiện khả năng chịu nhiệt, nhưng nếu bạn đang trồng các giống cổ điển, việc cây “giả chết” là điều hoàn toàn bình thường.

Cyclamen – Hoa anh thảo mỏng manh nhưng bền bỉ
Cyclamen – hoa anh thảo – được yêu thích bởi vẻ ngoài thanh tú, những cánh hoa uốn cong như vũ công nhỏ xinh, màu sắc đa dạng. Loài cây này thường nở rộ vào mùa đông – thời điểm lý tưởng với khí hậu mát mẻ.
Khi mùa hè đến, Cyclamen sẽ ngừng ra hoa, lá úa vàng rồi rụng dần. Phần củ nằm dưới đất sẽ bước vào trạng thái ngủ hoàn toàn. Đây là chu kỳ tự nhiên của cây, không phải dấu hiệu cây đã chết. Việc tưới nước vào giai đoạn này có thể khiến củ bị úng, thối.
Cách chăm sóc đúng là ngừng tưới nước, đặt chậu nơi khô ráo, thoáng mát. Đến khi thời tiết mát trở lại vào đầu thu, bạn chỉ cần tưới lại nhẹ nhàng, củ sẽ nhanh chóng nảy mầm và cho hoa vào cuối năm.

Lan quân tử – "Ẩn mình" để bùng nở rực rỡ
Lan quân tử mang nét đẹp mạnh mẽ, quý phái, là biểu tượng cho sự kiên cường và thanh cao. Loài cây này rất thích hợp trưng bày trong nhà nhờ bộ lá xanh mướt, hoa cam – đỏ nổi bật, có thể sống tốt trong điều kiện thiếu sáng.
Tuy nhiên, vào mùa hè, lan quân tử thường ngừng phát triển, không ra hoa, thậm chí lá có dấu hiệu dừng sinh trưởng. Nhiều người nhầm tưởng cây bị bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng.
Thực tế, đây là giai đoạn cây bước vào trạng thái “bán nghỉ” – nghĩa là vẫn sống, nhưng tạm ngưng phát triển để tiết kiệm năng lượng. Giai đoạn này, bạn nên giảm tần suất tưới nước (2–3 ngày/lần tùy độ ẩm đất), không cần bón phân, đặt cây ở nơi mát mẻ. Từ tháng 9 trở đi, khi khí hậu dễ chịu, cây sẽ dần hồi sinh, bắt đầu ra lá mới và chuẩn bị cho mùa hoa nở rộ vào cuối đông.
Dạ lan hương – Hương sắc ẩn mình dưới lòng đất
Dạ lan hương (Hyacinth) là loài cây có củ, đặc trưng bởi hương thơm nồng nàn và sắc hoa rực rỡ vào mùa xuân. Tuy nhiên, sau khi hoa tàn, cây sẽ nhanh chóng úa lá, phần trên mặt đất héo khô, biến mất, chỉ còn lại củ nằm im trong lòng đất.
Nhiều người vội vã nghĩ cây đã chết và đem bỏ, nhưng thật ra đây là chu kỳ hoàn toàn tự nhiên. Củ cây cần một thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục ra hoa ở mùa sau. Bạn có thể giữ nguyên củ trong đất, không tưới nước trong vài tháng hè, hoặc đào củ lên, để nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
Khi thời tiết mát trở lại vào cuối thu – đầu đông, bạn đem trồng lại hoặc tưới nước nhẹ, củ sẽ bắt đầu nhú mầm non, sẵn sàng cho đợt ra hoa mới vào mùa xuân.
Kiên nhẫn – Bí quyết giữ cây sống khỏe quanh năm
Từ những ví dụ trên, có thể thấy: cây cũng có cảm xúc và cách riêng để vượt qua thời tiết khắc nghiệt. Biết được quy luật “ngủ hè” hay “giả chết” của từng loài sẽ giúp bạn tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc cây cảnh.
Thay vì vội vàng vứt bỏ, hãy quan sát kỹ. Nếu phần rễ, củ vẫn còn chắc khỏe, khả năng hồi phục rất cao. Kiên nhẫn, hiểu cây và chăm sóc đúng cách – đó chính là chìa khóa để có một không gian xanh tươi bền vững quanh năm.