Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ kiêm toàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiếp đó làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Thành công trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi ban đầu.
Người đã dạy ông bốn từ “Dĩ công vi thượng”. Lời dạy ngắn gọn đó không chỉ theo ông trong suốt cuộc đời cầm quân mà khi đã hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, trở về với không ít thử thách trong cuộc sống đời thường, trong tư tưởng và hành động, ông luôn tâm niệm một điều:Đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết.
Ông là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy.
Câu chuyện “Bác hồ nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh Pi-a-no”
Đồng chí Võ Nguyên Giáp với tên gọi thân mật từ xưa là anh Văn, vốn là một nhà quân sự rất yêu thích văn học và nghệ thuật. Anh Văn đọc nhiều, tiếp xúc nhiều với các nhà văn, là tác giả của nhiều tập hồi ký văn học. Riêng về âm nhạc, anh đã từng chơi pi-a-no từ mấy chục năm nay.
Trên cương vị là một vị tướng cầm quân, một Tổng Tư lệnh hay một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phải quyết định những vấn đề lớn của chiến tranh, tiếng đàn pi-a-no có lẽ đã tạo nên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp những giây phút thư thái, bình yên trong những ngày căng thẳng, bộn bề của bao nhiêu việc nước, việc quân.
Thế rồi vào một buổi tối mùa thu năm ấy, Bác Hồ sang thăm gia đình đồng chí Võ Nguyên Giáp. Giữa câu chuyện, Bác chợt quay sang chị Bích Hà cũng đang ngồi đó (chị Bích Hà là vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Bác hỏi:
- Có phải không cô Hà, nghe nói chú Văn chịu khó tập đàn? Sao không đánh thử cho Bác nghe?
Đồng chí Võ Nguyên Giáp không thể chối từ. Anh ngồi vào trước cây đàn pi-a-no vẫn được kê ngay phòng khách. Cũng cây đàn này, phòng khách này, trong những năm căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh leo thang của không lực Hoa Kỳ ra miền Bắc và nhiều điều quan trọng nữa sau này mới được biệt đó là trong những ngày phải quyết định những vấn đề nghiêm trọng nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, cũng cây đàn này, phòng khách này vẫn được vang lên những tiếng ung dung, hoặc có khi rộn rã, thúc giục.
Hôm nay, lần đầu tiên được cất tiếng cho Bác Hồ nghe, một dịp hiếm quý giá biết bao, đàn ơi, đàn sẽ lấy giọng nào, lên cung bậc nào cho xứng đây?
Sau lời Bác hỏi, anh Văn đã ngồi ngay ngắn trước hàng phím đen trắng nhưng chưa đánh ngay, có lẽ anh đang suy nghĩ xem đánh bài gì bây giờ. Rồi tiếng đàn vang lên một bài quen thuộc - Chiến thắng Điện Biên.
Bác lắng nghe, niềm xúc động ngời lên khóe mắt. Còn người đánh đàn biểu diễn thì hoàn toàn không chờ đợi tiếng vỗ tay, anh Văn đánh tiếp để Bác nghe bài Sô –na –tin của Beethoven.
Bác chăm chú nghe chú nghe rồi chợt hỏi:
- Chú có chơi các bài dân ca của ta không?
Cây đàn liền vang lên bài Trống Cơm rồi bài Trảy hội đêm rằm mà anh Văn vẫn ưa thích và hay chơi.
Bác Hồ tỏ ra thích thú rõ rệt. Đã dứt tiếng đàn. Bác mỉm cười gật gù:
- Chú đánh hay đấy, nhưng mà…
Đồng chí Võ Nguyên Giáp rời cây đàn, đứng nhìn Bác, chờ đợi.
- Nhưng mà chú đã đánh được bài Kết đoàn chưa?
Thật bất ngờ, nhà Tướng như bị đột kích, tuy nhiên anh tươi cười thưa với Bác:
- Dạ, chưa.
Bác Hồ còn cười tươi hơn, rồi Bác cười thật sự mà rằng:
- Đánh giặc, chú đánh cả trăm trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn chú chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới giỏi. Bài Kết đoàn ai cũng hát, chưa đánh được bài Kết đoàn thì chưa giỏi, hà hà...
Cái bài ca tưởng chừng ngắn ngủi, bé nhỏ kia, từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mọi nơi dường như ai cũng biết hát thật. Chính Bác Hồ đã từng có lần bắt nhịp cho chúng ta cùng hát bài Kết đoàn ấy. Nhưng có ngờ đâu Bác lại yêu cầu đánh bài ấy cho pi-a-no. Vì một lẽ đơn giản là chưa có ai viết bài ca nhỏ bé ấy cho đàn pi-a-no. Vậy là trong buổi tối mùa thu này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đành chịu lỗi với Bác. Có lẽ là lần đầu tiên anh chịu lỗi như thế. Nhưng ngay ngày hôm sau, không biết có phải nhà tướng coi ý của Bác như một mệnh lệnh quân sự, anh nói với người bạn bấy nay vẫn hướng dẫn cho mình tập đàn hãy soạn bài ca Kết đoàn. Và khi đã có bài Kết đoàn pi-a-no rồi thì anh đã tập một cách hào hứng và nghiêm chỉnh.
Chả bao lăm, bài Kết đoàn được nhà tướng đánh một cách trơn tru. Điều ấy có khó gì đâu, vì anh đã đánh được những bài khó của bộ sách đàn cổ điển.
Chỉ có điều, mãi về sau này trên phím đàn pi-a-no, anh Văn không bao giờ có dịp được đánh bài ca Kết đoàn cho Bác Hồ nghe nữa. Bác đã đi xa.