Sân khấu tắt đèn, rạp phim đóng cửa
Mới hoạt động lại, nhưng các sân khấu kịch ở TPHCM lại một lần nữa phải đóng cửa vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Quá nhiều nỗi khổ, giới nghệ sĩ, giờ cũng chỉ biết “cắn răng” chấp nhận và gồng mình vượt khó. Theo đánh giá, trước khi đợt dịch tháng 5 bùng phát làm ảnh hưởng đến các sân khấu, hầu hết các sân khấu chọn cho mình những vở diễn cũ đã được tập luyện để phục vụ dịp Tết (dịp Tết 2021, các sân khấu cũng đóng cửa vì COVID-19) nên hầu như không ra mắt vở mới. Tuy nhiên, cũng có sân khấu đã trình làng vở diễn mới cụ thể như 5B “Rồi... mắc cái gì cười?”, IDECAF “Tía ơi má dìa” và “Người lạ người thương rồi người dưng”...
Ngành chiếu bóng tại Việt Nam hiện đứng trước bờ vực phá sản do liên tục hứng chịu những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dai dẳng từ đầu năm 2020 đến nay. Sự vượt trội của “Bố Già" đã lập được kỷ lục phòng vé cũng như “Lật Mặt 5” đã tạo được nhiều tiếng vang. Tuy nhiên, dịch bệnh lại ập đến dẫn đến rạp phim phải đóng cửa, hàng loạt bộ phim Việt phải “xếp hàng đợi ra rạp". Mới đây, CGV xác nhận vào sáng 3.6 đã cùng các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim trong nước gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có.
Mất mát và đau thương
Sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài vào đầu năm 2021 xem như một cú sốc không hề nhỏ đến với làng hài việt nói riêng, làng giải trí Việt nói chung.
Sự ra đi đó chưa kịp nguôi thì liên tiếp có những người hoạt động trong ngành giải trí cũng gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ như Thương Tín, Giang Còi…
Mới đây nhất, Nguyên Vũ cho biết ca sĩ Việt Quang bị viêm phổi nặng, tuy nhiên sức khỏe đã tạm ổn. Trước đó, Việt Quang mê sảng, liên tục sốt cao và sụt cân đến mức tiều tụy. Anh đã phát bệnh được hơn 10 ngày và đang được điều trị tích cực tại trong bệnh viện.
Dính phốt vì từ thiện
Từ thiện là hoạt động tất yếu của con người trong đời sống cộng đồng. Hoạt động từ thiện có 2 hình thức chính: dùng tài sản cá nhân đóng góp cho cộng đồng (như các tỷ phú quyên góp tài sản cho các quỹ) hoặc cá nhân/tổ chức huy động vật lực từ đám đông.
Nghệ sĩ Việt hoạt động từ thiện theo cả 2 hình thức này nhưng chủ yếu vẫn là hình thức thứ 2 và thường dính lùm xùm ở cách làm này.
Một số vụ việc cho thấy nghệ sĩ Việt làm từ thiện còn nặng cảm tính và chưa chuyên nghiệp. Từ tháng 3 đến nay, NSƯT Trịnh Kim Chi nhiều lần kêu gọi khán giả quyên góp tiền giúp đỡ nghệ sĩ Thương Tín, Hoàng Lan và các nghệ sĩ khác. Trường hợp của Thương Tín và Hoàng Lan, cô kêu gọi nhiều đợt, tổng kết mỗi đợt, quyên góp hơn 400 triệu đồng cho mỗi người. Điều đáng nói, thay vì tạo mới tài khoản rồi yêu cầu ngân hàng đóng tài khoản ấy bằng nghiệp vụ sau khi kết thúc kêu gọi, Trịnh Kim Chi lại kêu gọi quyên góp bằng chính tài khoản cá nhân và thông báo ngừng nhận quyên góp bằng một dòng trạng thái trên Facebook.
Trường hợp Thủy Tiên sau khi trở về từ chuyến đi cứu trợ miền Trung đã gây bất ngờ khi công khai sao kê là những tờ giấy A4 chi chít chữ viết tay của mình; giấy xác nhận trạng thái tài khoản; cùng thư cảm ơn và biên bản xác nhận của chính quyền địa phương thay vì sử dụng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp.
Gần nhất, NSƯT Hoài Linh bị khán giả chỉ trích vì anh có nhiều hơn một cách để triển khai hoạt động từ thiện (như ủy nhiệm chi) mà không cần trực tiếp ra miền Trung thay vì đến tận 6 tháng mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu.
Rõ ràng, từ thiện là hoạt động có lý có tình. Người làm thiện nguyện có cái tình lớn lao đến đâu đi nữa vẫn cần cái lý để giữ cho cái tình bền vững trước dư luận thị phi.
Tiếp tục phốt vì… quảng cáo
Ngoài việc tham gia vào các bộ phim, chương trình truyền hình hay các show diễn… nhiều sao Việt thường xuyên kiếm tiền bằng cách đăng tải những bài viết quảng cáo cho các nhãn hàng, thương hiệu… lên trang Facebook có lượng người theo dõi lớn của mình. Tuy nhiên, không ít sao Việt đã đăng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm chứng và thậm chí là hàng giả… khiến nhiều người dùng hoang mang.
Việc các nghệ sĩ nổi tiếng nhận tiền từ các nhãn hàng để đăng tải nội dung quảng cáo trên Facebook cá nhân là điều không hiếm gặp, nhưng điều đáng nói là khi các nội dung quảng cáo này bị dân mạng "bóc phốt" và tố cáo rằng quảng cáo không đúng sự thật, các nghệ sĩ thường âm thầm xóa đi các bài viết đã đăng như chưa hề có chuyện gì xảy ra, đơn cử như trường hợp các nghệ sĩ đăng bài viết quảng cáo cho các loại tiền điện tử "rác".
Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nghệ sĩ nổi tiếng trong việc chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt khi các bài viết của họ có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rất lớn trên cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng các nghệ sĩ chỉ cần nhận tiền từ các nhãn hàng rồi đăng tải bài viết quảng cáo lên trang Facebook của mình, mà không cần kiểm chứng lại nội dung của bài viết cũng như sự ảnh hưởng của nó đến người đọc?
Liên hoàn phốt với các phát ngôn
Thời đại công nghệ phát triển, các nghệ sĩ có nhiều cơ hội để giao lưu, trò chuyện cùng những người hâm mộ. Tuy nhiên, bất kì sự việc nào cũng có mặt trái. Chính vì việc đua nhau phát trực tuyến (livestream) nên nhiều nghệ sĩ đã không kiểm soát được ngôn ngữ và phát ngôn, dẫn đến những cuộc "đại chiến" náo loạn showbiz Việt.
Ngoài Nathan Lee, showbiz cũng có thêm một nhân vật thường xuyên vừa bán hàng vừa mắng chửi xối xả thô tục kém duyên chính là Trang Trần. Để giải quyết mọi chuyện bức xúc trong cuộc sống, cô luôn đưa việc livestream lên làm lựa chọn hàng đầu. Điển hình là việc Trang Trần đã lên livestream đáp trả sau khi 1 nữ đại gia cấm cửa dàn sao Việt đến khu du lịch Đại Nam. Đáng nói, trong lúc livestream, Trang Trần liên tục dùng từ ngữ rất nặng nề và không phù hợp với văn phong như người của công chúng.
Có thể thấy, showbiz Việt mới chỉ 6 tháng trôi qua, nhưng có quá nhiều biến động, hy vọng 6 tháng cuối năm, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp, hình ảnh của những người nghệ sĩ sẽ tiếp tục được yêu quý.