Phòng bếp là nơi nấu nướng, ăn uống trong nhà, nó đại diện cho "của ăn của để" và là "kho tài chính" của gia đình. Theo phong thủy, bếp có liên quan đến sự hưng suy của một gia đình, không thể tách rời khỏi tài lộc của gia chủ. Muốn tài lộc dồi dào, gia đình khỏe mạnh thì việc bố trí phong thủy nhà bếp phải thật cẩn thận.
Cùng tham khảo những điều kiêng kỵ trong bài trí phong thủy nhà bếp và cách hóa giải nếu phạm phải để gia đình may mắn, thịnh vượng hơn.
1. Bếp mở
Phong thủy chú trọng "tàng phong, tụ khí". Tài khí cũng vậy, bếp hở thì không tụ khí và khó tụ tài. Khi nấu nướng, bếp mở sẽ phát tán khói dầu đi mọi ngõ ngách trong nhà, không có lợi cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình, dễ khiến hao tài tốn của.
Cách hóa giải: Nếu bạn có một căn bếp mở thì phải giữ cho bếp sạch sẽ, gọn gàng, tránh để không khí ô nhiễm các khu vực khác. Khi thiết kế bệ bếp và bồn rửa cần tách xa nhau. Thiết kế bếp hình chữ L để nước và lửa không nằm trên cùng một đường thẳng, tự nhiên tránh được sự xung đột thủy, hỏa.
2. Bếp có cửa đối cửa
Các chuyên gia phong thủy cho rằng nếu mở cửa nhà mà nhìn thấy bếp sẽ gây hao tài tốn của. Mở cửa nhìn thẳng vào bếp thì phúc khí trong nhà sẽ tiêu tán, gây khó khăn cho việc tụ tài, ảnh hưởng đến tài vận của gia đình.
Cách hóa giải: Nên bố trí một tấm bình phong giữa bếp và cửa ra vào, cao hơn 1,2m hoặc treo mành trúc, bầu hồ lô đồng xu ngũ đế ở cửa bếp... Đây là những linh vật phong thủy thường xuyên được dùng để hóa giải tương xung với cửa nhà. Các phương pháp này sẽ giúp giảm bớt hung khí, mang lại vận may cho gia đình.
3. Cửa bếp đối diện cửa sổ, ban công
Bếp là huyết mạch của gia đình, biểu tượng cho sức khỏe của các thành viên nên không thích hợp để bị lộ ra ngoài. Cửa bếp đối diện với cửa sổ và ban công sẽ làm lộ nội thất của bếp. Cửa sổ còn là nơi tà khí xâm nhập, không có lợi cho việc tàng phong, tụ khí. Điều này khiến căn nhà khó tụ tài, ảnh hưởng đến hòa khí của gia đình.
Cách hóa giải: Bạn có thể làm vách ngăn, bình phong giữa bếp và cửa sổ, ban công để hóa giải. Hoặc, bạn có thể đặt cây cảnh, chậu cây lớn giữa bếp với cửa sổ và ban công, treo quả cầu pha lê trên trần nhà.
4. Cửa bếp đối diện cửa phòng ngủ
Phòng bếp và phòng ngủ đều là những khu vực chức năng không thể thiếu trong nhà. Bếp chủ yếu dùng để nhóm lửa, đun nấu, là nơi cực nóng. Nó không hợp đối diện với phòng ngủ. Nếu cửa bếp đối diện với cửa phòng ngủ thì tà khí của bếp sẽ rất mạnh, khiến vợ chồng lục đục.
Cách hóa giải: Nếu trong nhà bố trí bếp và phòng ngủ đối diện nhau thì không nên ở căn phòng đó. Còn nếu bắt buộc phải ở thì dùng bình phong ngăn cửa lại, khi ra vào phải đóng cửa phòng.
5. Nhà bếp liền kề phòng tắm
Theo quan điểm ngũ hành, phòng tắm thuộc hành thủy, mà thủy khắc hỏa. Nếu phòng bếp mà cạnh phòng tắm thì thủy hỏa xung khắc. Cách bài trí này dễ mang bệnh tật nặng cho người nhà, do đó cần hết sức tránh.
Từ góc độ vệ sinh, bếp là nơi nấu nướng, cần sạch sẽ, ngăn nắp. Phòng vệ sinh là nơi xử lý vấn đề sinh lý, tương đối bẩn. Hai khu vực này mà đặt liền kề thì không khí bẩn trong phòng tắm sẽ ảnh hưởng đến môi trường vệ sinh của nhà bếp, lâu ngày ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình.
Cách hóa giải: Bạn có thể lắp rèm che ở cửa nhà tắm và cửa bếp. Đặc biệt, nên đóng chặt cửa phòng tắm để ngăn thủy hỏa xung khắc.
6. Bếp ở giữa nhà
Vị trí trung tâm là khu vực cốt lõi của ngôi nhà, quan trọng như trái tim của cơ thể người. Trong ngũ hành, bếp thuộc hành hỏa nên không được đặt ở giữa nhà. Bếp là nơi chế biến thức ăn nên dễ sinh uế khí, hỏa lại là tà nên càng không tốt khi bố trí ở trung tâm. Bằng không, người trong gia đình sẽ gắt gỏng, thường xuyên cãi vã. Nếu nghiêm trọng, nó còn ảnh hưởng đến sự nghiệp, tài lộc, sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Cách hóa giải: Nếu giữa nhà không thể thay thế bếp, bạn cần dọn dẹp ngay sau khi chế biến thức ăn để bếp luôn sạch sẽ, không để không khí làm ô nhiễm phòng khách, phòng ngủ. Trên cửa bếp nên lắp mành cườm hoặc thường xuyên đóng cửa.
* Thông tin chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo