Dưới đây là những triết lí cổ xưa nhất của Đạo Phật về hạnh phúc và cách trở thành người hạnh phúc trong cuộc sống.
1. Bản thân cuộc sống không phải là vấn đề, vấn đề nằm ở cách bạn nhìn nhận nó
Hãy thử tưởng tượng mà xem: Chuyến bay của bạn vừa bị delay và bạn phải ngồi chờ ở sân bay hàng giờ liền. Lúc này bạn thường có 2 dòng cảm xúc: chán nản, tức giận với việc phải chờ đợi, hoặc bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi thay vì bị lắc lư trên một chuyến bay đông người, và điều đó khiến bạn hạnh phúc.
Từ tình huống trên, chúng ta dễ nhận thấy bản chất của chuyến bay bị trễ chỉ có một nhưng lại có nhiều cách để ứng xử với nó. Không phải chuyến bay, mà cách bạn lựa chọn để đón nhận nó sẽ quyết định đến cảm xúc và sự hạnh phúc của bạn.
Trong cuộc sống, sẽ có những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi mà chúng ta không thể thay đổi, điều chúng ta có thể thay đổi chính là cách nhìn nhận vấn đề của bản thân.
Phật dạy rằng: "Bản thể của chúng ta được hình thành từ suy nghĩ. Gieo suy nghĩ gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Bằng suy nghĩ, con người có thể kiến tạo ra thế giới theo cách của riêng mình".
2. Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao
Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta thường dễ vui, dễ buồn và thường phản ứng rất nhanh với mọi thứ xung quanh theo bản năng.
Càng lớn lên, việc bộc lộ cảm xúc sẽ bị hạn chế lại. Không phải chúng ta trở nên vô cảm mà đơn giản chỉ là chúng ta học được cách kiềm chế cảm xúc.
Khi cuộc sống xảy ra vấn đề, có người chọn cách phản ứng lại bằng những cảm xúc tiêu cực.
Có người lại bình tĩnh, hít thở thật sâu và để cho lí trí cân nhắc phương án giải quyết.
Với tuýp người thứ hai, họ có khả năng kiềm chế cảm xúc tốt, họ biết cách lùi một bước để thấy được toàn cảnh vấn đề.
Người khôn ngoan luôn bình tĩnh trong khủng hoảng. Họ có thể lùi lại và nhìn thấy toàn cảnh rộng lớn hơn.
Họ suy nghĩ chín chắn và có sự phản tỉnh. Họ nhận ra giới hạn tri thức của bản thân, luôn tỉnh táo để xem xét đến những khía cạnh thay thế.
Trong Phật giáo, việc lùi bước này được đúc kết thành câu châm ngôn nổi tiếng: "Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao". "Lùi một bước" không phải yếu hèn mà là cảnh giới của trí tuệ. Và đó là một triết lí của hạnh phúc.
3. Học cách chấp nhận để thấy cuộc đời tươi đẹp hơn
Theo Đạo Phật, căn nguyên của mọi nỗi khổ trên đời là do ham muốn của con người. Tâm sinh ham muốn quá nhiều mà không đạt được, ấy là khổ đau.
Vậy nên, khi đối diện với thực tế cuộc sống, những chuyện đau lòng hay sự uất ức chúng ta cần phải biết chấp nhận rằng, mọi thứ trong cuộc sống này đâu phải lúc nào cũng như ý muốn của chúng ta... Nếu bạn không thể thay đổi được sự vật, sự việc vậy thì bạn nên học cách chấp nhận nó.
Con người chúng ta thường khổ sở, chạy theo những thứ phù phiếm, xa vời. Vậy tại sao phải làm khổ bản thân như vậy, hãy tập buông bỏ, buông được bao nhiêu, chính là bạn đang giúp bản thân bớt đi nỗi buồn khổ bấy nhiêu.
Đừng bao giờ nghĩ rằng người khác làm bạn đau khổ, nỗi đau khổ này đến từ chính bạn. Khi bạn học được cách chấp nhận bạn sẽ thấy tâm hồn mình thanh thản hơn, không ngột ngạt trước những suy nghĩ cố chấp.
Hãy cứ bước về phía trước, hãy xem những gì trải qua là một bài học cho mình về sau. Học được cách chấp nhận và buông bỏ, cũng chính là lúc bạn đang tiến dần về phía chân trời hạnh phúc, an lạc.
4. Sống thật với cảm xúc của bản thân
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ rơi vào những tình huống không mong muốn. Điều đó đem lại những cảm xúc tiêu cực, những lo âu bất ổn. Có thể bạn sẽ tìm cách né tránh hoặc lờ chúng đi nhưng những cảm xúc tiêu cực không dễ bị mất đi.
Né tránh chưa bao giờ là cách hay để đối mặt với một vấn đề. Bởi vì con đường ngắn nhất để ra khỏi khủng hoảng là đi xuyên qua nó. Những tình huống xấu nhất chính là cơ hội để bạn thể hiện bản lĩnh và năng lực của mình.
Không trải qua mưa bão, làm sao có thể nhìn thấy cầu vồng. Không phải cứ trốn tránh khó khăn là sẽ có một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.
Ngược lại, nó chỉ làm cho nỗi đau trở nên sâu sắc hơn. Hãy đối mặt và đừng phủ nhận điều đó bởi những cảm xúc lo lắng, sợ hãi khi gặp khó khăn là khởi nguồn của sự không hài lòng và hạnh phúc về cuộc sống.
5. Hạnh phúc chính là hiện tại, không phải quá khứ hay tương lai
Hầu hết những gì bạn suy nghĩ dường như đều hướng về tương lai hoặc quay lại quá khứ. Có rất ít những suy nghĩ được dành cho hiện tại.
Tư tưởng của chúng ta có thói quen bị cuốn hút trở về quá khứ mà ta cho là tốt đẹp hơn hiện nay; hoặc là mơ mộng vươn đến tương lai với những viễn ảnh mà ta hy vọng là sẽ vượt xa hiện tại.
Những tư tưởng này làm cho ta thấy thích thú, và nhất là nó giúp ta tránh né không phải đối mặt với những khó khăn đang xảy ra trong hiện tại.
Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi mỗi lần gặp nhiều khó khăn thì dường như người ta lại càng hay nghĩ nhiều về quá khứ.
Nhưng một tâm trí lang thang chưa bao giờ là một tâm trí hạnh phúc. Bởi vì khi xa rời hiện tại, chúng ta bị sao nhãng khỏi các hoạt động hàng ngày, khỏi mục đích sống mà mình đề ra.
Đức Phật dạy rằng: "Bí quyết để có sức khỏe cho cả tinh thần lẫn thể xác không phải là hờn trách quá khứ hay lo sợ về tương lai, mà là sống trong giây phút hiện tại một cách khôn ngoan và nghiêm túc".
6. Tình yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc
Phật dạy rằng: "Hận thù không thể hóa giải bởi hận thù, mà bằng tình yêu; đây là chân lý muôn đời".
Lòng ta ôm hận thù, ghét bỏ, vậy thì chính chúng ta mới là người cảm thấy mệt mỏi đầu tiên. Hãy suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi. Không phải lời nói, những gì bạn làm mới là thứ tạo nên con người của chính bạn.
"Một con chó tốt không phải vì nó sủa giỏi. Một người tốt không phải vì anh ta nói hay". Đừng quá để tâm đến những thứ hào nhoáng bên ngoài, không phải vì chúng ta nói năng trôi chảy, hứa hẹn đủ điều mà sẽ có được lòng tin của người khác.