5 cách đào thải rượu để nồng độ cồn nhanh về 0. Cách tính thời gian đào thải cồn

Nếu bạn từng thắc mắc mình cần bao lâu đào thải hết cồn khi đã uống một số lượng rượu bia thì hãy xem bài viết này.

Khi sử dụng rượu bia hoặc ăn các món ăn có chứa cồn, cơ thể con người sẽ hấp thụ một lượng cồn nhất định vào máu. Việc hiểu rõ cách tính thời gian đào thải nồng độ cồn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp bạn tránh vi phạm luật giao thông, nhất là trong bối cảnh pháp luật ngày càng siết chặt quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

1. Một đơn vị cồn là bao nhiêu?

Để biết thời gian đào thải cồn thì bạn cần biết một đơn vị cồn tương đương với 10g ethanol nguyên chất. Lượng này có thể được quy đổi cụ thể như sau:

  • 200ml bia (khoảng một chai hoặc một cốc tiêu chuẩn)
  • 75ml rượu vang (tương đương một ly nhỏ)
  • 25ml rượu mạnh (khoảng một chén nhỏ)

Dựa vào lượng rượu bia đã tiêu thụ, bạn có thể ước lượng số đơn vị cồn mà cơ thể đã hấp thụ để từ đó tính toán thời gian cần thiết để đào thải hoàn toàn.

Bạn có thể tính lượng cồn đã tiêu thụ
Bạn có thể tính lượng cồn đã tiêu thụ

2. Tốc độ đào thải cồn trong cơ thể

Thông thường, một người trưởng thành khỏe mạnh có thể đào thải trung bình 1 đơn vị cồn sau mỗi giờ thông qua hoạt động của gan. Tuy nhiên, tốc độ này không cố định cho mọi người vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Thể trạng sức khỏe (gan yếu sẽ thải cồn chậm hơn)
  • Giới tính (nữ thường có tốc độ chuyển hóa cồn chậm hơn nam)
  • Tình trạng đói hay no khi uống
  • Cách uống (uống nhanh hay uống từ từ)

Ngoài ra, có khoảng 10 - 15% lượng cồn được đào thải qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Phần lớn, tức 85 - 90% cồn, được chuyển hóa tại gan.

3. Ví dụ cách tính thời gian đào thải cồn

Nếu bạn uống 2 cốc bia, tương đương 3 đơn vị cồn, thì cơ thể sẽ cần ít nhất 3 giờ để đào thải hết lượng cồn này (nếu bạn khỏe mạnh). Tuy nhiên, sau khi cồn được chuyển hóa, nồng độ cồn trong máu cần thêm khoảng 2 - 3 giờ nữa để trở về mức 0 tuyệt đối. Như vậy, thời gian an toàn để lái xe có thể lên đến 5 - 6 tiếng sau khi uống chỉ 2 cốc bia.

Với những người có thể trạng yếu hoặc chức năng gan kém, thời gian này có thể kéo dài hơn, khiến cồn tồn tại trong cơ thể lâu hơn mức dự đoán.

Việc đào thải cồn nhanh chậm tùy theo từng thể trạng và cách uống
Việc đào thải cồn nhanh chậm tùy theo từng thể trạng và cách uống

4. Yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ thải cồn

Không chỉ lượng uống và thể trạng cá nhân, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tốc độ đào thải cồn:

  • Ăn nhiều trước khi uống: Nếu dạ dày chứa nhiều thức ăn, cồn sẽ được hấp thụ chậm hơn. Khi đó, chỉ 20% cồn hấp thụ ở dạ dày, còn lại 80% sẽ qua ruột non, kéo dài thời gian chuyển hóa.
  • Cách uống: Uống nhiều trong thời gian ngắn khiến nồng độ cồn tăng nhanh, gan phải làm việc nhiều hơn. Ngược lại, khi nồng độ cồn thấp, tốc độ thải trừ lại chậm hơn.
  • Loại rượu/bia: Rượu mạnh chứa nhiều cồn hơn, do đó thời gian thải trừ cũng lâu hơn bia hoặc rượu vang.

5. Cách hỗ trợ đào thải nhanh nồng độ cồn

Dù cơ thể có cơ chế tự đào thải cồn, nhưng một số biện pháp có thể giúp hỗ trợ quá trình này nhanh hơn:

  1. Uống nhiều nước lọc: Giúp cơ thể tăng bài tiết, hỗ trợ gan và thận hoạt động hiệu quả hơn.
  2. Truyền nước (nếu cần): Với những trường hợp say nặng, truyền dịch có thể giúp giảm triệu chứng nhanh hơn.
  3. Uống trà, cà phê: Có thể giúp lợi tiểu nên giúp thải cồn qua đường bài tiết.
  4. Sử dụng thực phẩm giải rượu: Nước đậu xanh, nước bột sắn dây, nước mật ong... có tác dụng hỗ trợ gan và làm dịu cơ thể.
  5. Nói chuyện nhiều: Việc thở ra nhiều hơn cũng góp phần đào thải một phần nhỏ lượng cồn qua đường hô hấp.

Tuy nhiên, những cách trên chỉ giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn chứ không đảm bảo nồng độ cồn đã trở về 0. Vì vậy, đừng nhầm lẫn giữa việc tỉnh táo và việc “hết cồn” trong hơi thở.

Theo quy định hiện hành tại Việt Nam, chỉ cần có nồng độ cồn trong hơi thở là bạn đã vi phạm luật giao thông, dù mức đo chưa đến ngưỡng 0,25mg/L. Điều này có nghĩa là chỉ một ly bia cũng có thể khiến bạn bị phạt nếu thổi nồng độ cồn trong vòng 1 - 2 giờ sau đó.

Do đó, nếu có ý định lái xe, bạn cần tránh sử dụng rượu bia ít nhất từ 5 - 6 tiếng trước đó, kể cả với lượng nhỏ.

Kết luận:

Hiểu rõ cách tính thời gian đào thải nồng độ cồn giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và tuân thủ luật giao thông. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa cồn trong cơ thể, việc dự đoán thời gian chính xác luôn có độ sai lệch nhất định. Cách tốt nhất để tránh rủi ro vẫn là không uống rượu bia nếu phải điều khiển phương tiện.

Hãy xây dựng thói quen uống có trách nhiệm và đừng để việc “vui quá đà” trở thành nguyên nhân gây tai nạn hoặc vi phạm pháp luật.