Trong suốt hành trình gắn bó với võ học, tôi luôn tin rằng: sức mạnh nội tâmchính là nền móng vững chắc của mọi võ sĩ chân chính – dù ở phương Đông hay phương Tây. Sáu khái niệm cổ điển của văn hóa Trung Hoa như Chi Ku, Wu Wei, Lian, Mianzi, Ren, Jie không chỉ là những giá trị đạo đức – mà là ánh sáng chỉ đường cho mọi người học võ trên hành trình hoàn thiện bản thân và phụng sự cộng đồng.
Chi Ku – “Ăn đắng” – gợi nhớ tôi đến những tháng năm rèn luyện trong gian khổ, với mồ hôi, máu và nước mắt. Trong võ đạo, người học võ phải “ăn đắng” để rèn chí. Không có chiến thắng nào đáng giá nếu không đi qua thử thách. Cũng giống như các hiệp sĩ phương Tây, người võ sĩ Đông phương không được phép sợ hãi trước gian khó – bởi khổ luyện là con đường ngắn nhất đến với sức mạnh thật sự.

Wu Wei, tinh thần “Vô vi”, lại là bài học sâu sắc về sự tự tại giữa dòng đời biến động. Là người hoạt động quốc tế trong lĩnh vực võ thuật, tôi từng chứng kiến nhiều võ sĩ mất phương hướng vì chạy theo danh tiếng, quyền lực. Nhưng người võ sĩ thực thụ là người biết hành động không vì cái tôi, mà vì sự hài hòa của đại cuộc – như một nhạc công trong dàn giao hưởng của thiên nhiên và xã hội.

Lian, chính trực, và Mianzi, thể diện, là hai trụ cột của danh dự võ sĩ đạo. Danh dự không đến từ chiến thắng đối thủ, mà đến từ chiến thắng bản thân. Tôi từng nói với nhiều võ sinh: “Đừng đánh mất danh dự chỉ vì một trận thắng nhỏ.” Giữ mình trong sạch là giữ niềm tin cho thế hệ sau.

Ren, lòng nhân từ, chính là điểm giao thoa giữa võ đạo phương Đông và tinh thần hiệp sĩ phương Tây. Người mạnh không phải là người ra đòn mạnh nhất, mà là người biết dừng tay đúng lúc. Một cú đá kìm lại có thể cứu một mạng người – và khẳng định phẩm cách cao quý của một võ sĩ.

Cuối cùng, Jie – tiết chế – là ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm can mỗi người học võ. Đó là khả năng nói “không” với ham muốn tức thời, để sống với lý tưởng lâu dài. Thế giới hiện đại đầy cám dỗ, nhưng võ đạo dạy ta sống có giới hạn, có nguyên tắc.
Ngày nay, khi xã hội đối diện với khủng hoảng giá trị, người học võ càng cần sống gương mẫu, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là “đạo sư trong đời sống”. Sáu khái niệm này – nếu hiểu đúng và sống trọn – chính là bản tuyên ngôn đạo đức cho mọi công dân toàn cầu trong kỷ nguyên mới.

Tôi tin rằng, võ thuật không chỉ là đối kháng – mà là đối thoại với chính mình, để mỗi người học võ trở thành “chiến binh ánh sáng” – lan tỏa những điều tốt đẹp, mang lại bình an trong chính đời sống mình và cộng đồng xung quanh. Đó là sứ mệnh mà tôi – và bao thế hệ võ sư – nguyện theo đuổi đến cuối đời.
Tiến sĩ Võ Danh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU)