Dân gian có lưu truyền: “Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì lụi”. Vì sao người xưa lại nghĩ như vậy?
Ánh sáng là một trong những yếu tố rất được quan tâm, đặc biệt trong việc thiết kế, xây dựng, bài trí không gian sống. Dân gian có lưu truyền: “Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì lụi”. Vì sao người xưa lại nghĩ như vậy?
Vì sao người xưa nói: “phòng khách sáng thì sang”?
Đối với phong thủy, ánh sáng tượng trưng cho dương khí, giúp mang đến nguồn năng lượng mạnh mẽ cho không gian sống. Ngôi nhà nhiều ánh sáng và thoáng đãng sẽ giúp con người cảm thấy vui tươi, tinh thần luôn phấn chấn, thoải mái, tích cực, cơ thể khoẻ mạnh. Từ đó kéo theo công việc thuận lợi, thu hút tài lộc và may mắn.
Tuy nhiên, ánh sáng quan trọng không có nghĩa là ở tất cả các không gian đều phải sáng trưng ở mọi thời điểm. Người xưa đúc kết “phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì lụi” cho thấy sự quan trọng của việc phân bổ phù hợp ánh sáng trong nhà.
Mỗi không gian khác nhau trong nhà cần lượng ánh sáng nhất định và không phải tất cả các phòng đều cần độ sáng như nhau. Trong khi phòng khách là không gian sinh hoạt chung của gia đình, đồng thời cũng là nơi đón tiếp khách khứa. Trong phong thuỷ, phòng khách nằm ở vị trí trung tâm, chứa tài vị, đón thần tài nên cần có nhiều dương khí và ánh sáng ở khu vực này cần dồi dào. Không gian phòng khách có nhiều ánh sáng sẽ tạo cho con người cảm giác rạng rỡ, vui vẻ, thịnh vượng, tạo ra ấn tượng tích cực và thiện cảm cho khách khứa tới thăm nhà, nhờ đó sẽ thu hút “thần tài gõ cửa”.
Ngược lại, không gian phòng khách thiếu ánh sáng sẽ khiến mang lại cảm giác u tối, kém sôi động, không thông thoáng, sẽ dễ làm mất thiện cảm với khách tới thăm nhà. Không gian phòng khách u tối còn dễ gây ra cảm giác bí bách, trầm uất. Ánh sáng không đủ cũng khiến không gian dễ phát sinh nhiều vi khuẩn, nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khoẻ các thành viên trong gia đình. Do đó khi thiết kế nhà, hãy đảm bảo phòng khách có thể đón nhiều ánh sáng nhất.
Vì sao người xưa nói “phòng thờ quang thì lụi”?
Trong khi đó, phòng thờ lại là khu vực linh thiêng, nơi thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh, cần đảm bảo sự yên tĩnh và kín đáo, riêng tư để thể hiện sự tôn kính.
Về phong thủy, phòng thờ là một không gian có âm khí mạnh nhất trong, do đó khu vực này không cần nhiều ánh sáng. Ánh sáng quá mạnh chiếu vào bàn thờ sẽ gây xung khắc với tính âm của khu vực này, dễ bị tính là hành vi bất kính.
Dân gian cho rằng, việc bất kính với gia tiên và thần linh thì chắc chắn gia chủ sẽ phải chịu trừng phạt, sức khỏe và công việc, tiền tài có thể sa sút. Chính vì thế, người xưa nói "Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì lụi" là vì vậy.
Do đó với không gian của phòng thờ, các gia chủ chỉ nên lắp những bóng đèn chiếu sáng nhẹ nhàng, độ sáng vừa đủ, không quá chói để tạo ra không khí yên tĩnh, trang nghiêm.
Hiện nay, đất chật người đông, đa phần các gia đình thường sống ở ngôi nhà nhỏ hoặc căn hộ chung cư. Họ thường gộp chung không gian thờ với phòng khách. Trong trường hợp đó, gia chủ có thể tạo ra không gian tương đối riêng biệt cho khu vực thờ cúng; tránh đặt ban thờ ở gần các nguồn sáng mạnh như đèn chùm hoặc ở khu vực cửa sổ, nơi đón ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Ngoài ra, không nên đặt ban thờ ở cạnh tivi, bể cá hay ở ngay khu tiếp khách để không gây ảnh hưởng tới việc thờ cúng.