Bạn nghĩ xem tên mình có được nhiều người đặt không? Cái tên nào sẽ là cái tên có nhiều người trùng nhất?
Trang tin Danviet đưa tin có khoảng 5 triệu người Việt có tên là "Anh". Tên này có sự phổ biến rộng và bất ngờ. Một cuộc khảo sát cho thấy, tên “Anh” đứng thứ 6 trong danh sách những tên con trai được nhiều người chọn để đặt cho con cháu, chiếm 2,7%. Tên Anh cũng được đặt cho con gái, và tên Anh trong nhóm nữ dẫn đầu với tỷ lệ 7,91%. Như vậy, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 5 triệu người cùng có tên “Anh”.
Tên Anh có ý nghĩa gì?
Chữ Anh được cho là mang ý nghĩa tốt đẹp. Tên Anh có nghĩa là tinh hoa, thông minh giỏi giang nổi trội. Hơn nữa chữ Anh có thể kết hợp với nhiều từ khác, tạo nên tên vừa độc, vừa ấn tượng như Hùng Anh, Nam Anh... (con trai), Minh Anh, Linh Anh, Hà Anh (con gái)... Tên Anh cũng lại trung tính hợp với cả nam và nữ nên cả hai giới cái tên này đều được dùng nhiều.
Khi đặt tên con cái, cha mẹ ngày nay không chỉ dùng tên để gọi mà tên chứa đựng nhiều ước mơ gửi gắm nhiều điều. Do đó ai cũng muốn chọn tên hay tên đẹp cho con. Chữ Anh là một trong những cái tên đẹp và mang ý nghĩa tươi sáng tốt lành gửi gắm ước mơ của cha mẹ cho con.
Lưu ý luật pháp quy định đặt tên cho trẻ
Đặt tên cho con, cha mẹ chọn tên hay đẹp ý nghĩa và nhiều người còn quan tâm tới yếu tố tâm linh, thần số học... Tuy nhiên còn ít người để ý tới việc đặt tên sao không vi phạm quy định của pháp luật.
- Theo Khoản 1 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Trẻ có quyền mang theo họ mẹ hoặc họ cha.
Trong tập tục Việt Nam thì số đông người Việt thường khai sinh con theo họ cha, nhưng đó là do tập quán không phải do quy định pháp luật. Thế nên cha mẹ thống nhất khai sinh cho con theo họ của ai cũng được, tùy theo thỏa thuận của gia đình nhưng nên tránh việc quá khác lẽ thông thường sẽ khiến trẻ sau này gặp nhiều dị nghị.
- Khoản 3 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Còn Khoản 1 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Như vậy theo pháp luật, cha mẹ cần tránh đặt tên sau cho con:
- Tên bằng tiếng nước ngoài mà không phải tiếng dân tộc bởi luật quy định tên công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam
- Tên bằng ký tự mà không phải chữ, hoặc tên bằng số như 1, 2, @,
- Tên ảnh hưởng xâm phạm tới lợi ích người khác.
- Tên không phù hợp với bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống
- Tên quá dài. Mặc dù chưa có quy định cụ thể tên được phép đặt bao nhiêu chữ bao nhiêu ký tự. Nhưng cha mẹ nên chú ý tên thường gồm họ, tên đệm, tên chính. Thông thường là 3 -4 chữ. Việc đặt quá dài sẽ gây khó khăn khi thể hiện trên các giấy tờ. Do đó cha mẹ cần lưu ý.
Tên Anh là một trong những tên đẹp và không vi phạm nếu không kết hợp với tên đệm vi phạm vào các yếu tố trên.